• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Lào Cai dồn sức khắc phục hậu quả sau mưa bão song song với khôi phục sản xuất, kinh doanh

(Chinhphu.vn) - Hoàn lưu bão số 3 gây thiệt hại nặng nề tại tỉnh Lào Cai, với số lượng người chết và mất tích nhiều nhất cả nước. Tính đến 15h ngày 14/9, toàn tỉnh có 118 người chết, 50 người mất tích và 80 người bị thương. Cơ sở hạ tầng, giao thông, sản xuất bị ảnh hưởng nặng nề, tổng giá trị thiệt hại lên tới hàng nghìn tỷ đồng.

15/09/2024 09:23
Lào Cai dồn sức khắc phục hậu quả sau mưa bão song song với khôi phục sản xuất, kinh doanh- Ảnh 1.

Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai Đặng Xuân Phong chủ trì cuộc họp Thường trực Tỉnh ủy với Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh nghe báo cáo về thiệt hại do hoàn lưu bão số 3 gây ra; triển khai giải pháp khắc phục hậu quả, khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh - Ảnh: baolaocai.vn

Tổng giá trị thiệt hại lên tới hàng nghìn tỷ đồng

Chiều 14/9, Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai Đặng Xuân Phong chủ trì cuộc họp Thường trực Tỉnh ủy với Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh nghe báo cáo về thiệt hại do hoàn lưu bão số 3 gây ra; triển khai giải pháp khắc phục hậu quả, khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

Tại cuộc họp, các sở, ngành đã báo cáo Thường trực Tỉnh ủy tình hình thực trạng thiệt hại sau bão lũ; mục tiêu, giải pháp thực hiện, đề xuất kiến nghị để hỗ trợ các hộ gia đình, doanh nghiệp và khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

Cụ thể, các đơn vị khai thác khoáng sản hiện tạm dừng hoạt động, 26 dự án thủy điện bị hỏng hạng mục công trình, phải dừng phát điện. Giá trị thiệt hại ước tính trên 1.000 tỷ đồng.

Về sản xuất nông nghiệp, toàn tỉnh có gần 5.000 ha lúa, hoa màu bị ảnh hưởng, 172 công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn bị ảnh hưởng, tổng ước thiệt hại gần 320 tỷ đồng. 

Ngành nông nghiệp đề xuất hỗ trợ đầu tư 4 dự án sắp xếp dân cư tập trung tại Bản 1 Làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên), thôn Nậm Tông (xã Nậm Lúc), thôn San Sả Hồ (xã Thải Giàng Phố) và thôn Kho Vàng (xã Cốc Lầu huyện Bắc Hà); đề xuất hỗ trợ 136 tỷ đồng khắc phục thiệt hại về nhà ở; đề nghị hỗ trợ giống lúa, ngô, rau để khôi phục sản xuất.

Báo cáo tại cuộc họp, lãnh đạo huyện Bảo Yên - địa phương bị thiệt hại nặng nề nhất bởi thiên tai cho biết, hiện nay vẫn còn 43 người dân mất tích, có 457 nhà bị thiệt hại trên 70%, còn 6 điểm nguy cơ sạt lở rất cao; trên 700 ha lúa, ngô bị mất trắng, nhiều công trình giao thông, trường học, công trình công cộng bị hỏng nặng. 

Cấp thiết hiện nay, Bảo Yên cần hỗ trợ về gạo ăn, cấp nước sinh hoạt cho các hộ dân vùng thiên tại để sớm ổn định cuộc sống; hỗ trợ tu sửa các trường học, cung cấp sách, thiết bị phục vụ giảng dạy để học sinh sớm được đi học trở lại…

Mưa lũ gây thiệt hại nhiều công trình viễn thông, nhiều địa phương không có thông tin liên lạc, các đơn vị đang nỗ lực khắc phục, hiện vẫn còn 3 xã chưa có sóng điện thoại, phấn đấu đến ngày 15/9 khắc phục tình trạng không có sóng tại tất cả các xã.

Ngành điện lực đang dồn lực khắc phục các sự cố về điện tại các địa phương trong tỉnh, phấn đấu đến hết ngày 15/9 cấp điện tại tất cả các trung tâm các xã và trong thời gian sớm nhất sẽ cấp điện trở lại tại tất cả các thôn.

Hiện ngành y tế đang triển khai các giải pháp để khám, chữa bệnh cho các bệnh nhân gặp nạn do mưa lũ; công tác vệ sinh, môi trường, vật tư, y tế phục vụ công tác khám chữa bệnh được đảm bảo.

Ngành LĐTBXH đã triển khai ngay giải pháp hỗ trợ các địa phương, gia đình bị ảnh hưởng do thiên tai theo quy định.

Ngành giáo dục huy động lực lượng tổ chức dọn vệ sinh, tu sửa trường lớp với yêu cầu đảm bảo an toàn trước khi tổ chức đón học sinh đi học trở lại…

Lào Cai dồn sức khắc phục hậu quả sau mưa bão song song với khôi phục sản xuất, kinh doanh- Ảnh 2.

Hoạt động xuất-nhập khẩu tại Cửa khẩu Kim Thành - Ảnh: baolaocai.vn

Dồn sức khắc phục hậu quả sau mưa bão song song với khôi phục sản xuất, kinh doanh

Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Trịnh Xuân Trường nhấn mạnh, thời điểm này đã gần 1 tuần kể từ khi thiên tại xảy ra, chúng ta cần chuyển trạng thái từ công tác khắc phục hậu quả, sang trạng thái khôi phục sản xuất, kinh doanh. 

Trong đó tập trung khôi phục sản xuất các ngành nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, du lịch, xuất nhập khẩu… phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch năm đã đề ra.

Các sở, ngành theo lĩnh vực phụ trách cần đánh giá tình hình, kịp thời tháo gỡ khó khăn để các cá nhân, doanh nghiệp sớm bắt tay vào hoạt động sản xuất; ưu tiên khắc phục hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục, ổn định đời sống người dân vùng thiên tai; tập trung hướng về cơ sở, đảm bảo có thông tin, liên lạc thông suốt từ cấp tỉnh đến tận thôn, bản; đề xuất, nguồn lực từ Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh hỗ trợ về thiệt hại và khôi phục sản xuất nông nghiệp, khắc phục giao thông bước 1 tại địa bàn cấp xã...

Kết luận cuộc họp, Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai Đặng Xuân Phong nhấn mạnh: Các địa phương phải rà soát thật kỹ lưỡng để tất cả người dân đều được quan tâm, nhất là những gia đình bị thiệt hại về người, không để người dân bị thiếu đói, đồng thời đảm bảo các hộ trong diện di rời có chỗ ở an toàn; đảm bảo an ninh lương thực, thực phẩm, nước uống cho vùng bị thiệt hại

Trước hết là xây dựng ngay các khu tái định cư cho những hộ bị thiệt hại về nhà ở (4 khu tái định cư theo đề xuất của ngành nông nghiệp); ổn định cuộc sống cho người dân vùng bị thiệt hại do thiên tai. Đảm bảo nơi ở gắn với nơi sản xuất của người dân. Cần có phương án hỗ trợ gạo, giống cây trồng cho hộ bị thiệt hại do mưa lũ.

Các ngành công nghiệp, thương mại, du lịch sớm chủ động phương án sản xuất. Ngành giáo dục khẩn trương, chủ động và phối hợp với các địa phương rà soát cơ sở vật chất các trường học, đề xuất hỗ trợ sách, đồ dùng học tập đảm bảo công tác dạy và học trong thời gian sớm nhất.

Các ngành khẩn trương rà soát, thống kê các thiệt hại để đề xuất khắc phục kịp thời; nỗ lực kết nối lại thông tin liên lạc, quyết tâm cấp điện lại cho các trung tâm xã trong ngày 16/9, đến ngày 30/9 cấp điện trở lại tại tất cả các thôn.

Ngành giao thông tập trung các phương án để kết nối lại giao thông, trước mắt tiến hành thông tuyến đến các xã, thôn để thực hiện công tác cứu trợ; sử dụng, phân bổ hợp lý các nguồn lực hỗ trợ địa phương để khắc phục hậu quả thiên tai.

Lào Cai dồn sức khắc phục hậu quả sau mưa bão song song với khôi phục sản xuất, kinh doanh- Ảnh 3.

Các trường học tại huyện Bảo Yên tích cực dọn dẹp để đón học sinh quay trở lại - Ảnh:baolaocai.vn

77 trường chưa thể tổ chức dạy học được từ ngày 16/9

Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lào Cai, ngày 16/9 sẽ có 521 trường học tổ chức dạy học trở lại, 77 trường chưa tổ chức dạy học (chiếm 12.87%).

Trong đó, huyện Si Ma Cai có 36/37, huyện Bát Xát có 45/56 trường, huyện Bắc Hà có 45/55 trường, huyện Bảo Yên có 13/68 trường.

5 địa phương còn lại là thành phố Lào Cai, thị xã Sa Pa, huyện Văn Bàn, huyện Bảo Thắng, huyện Mường Khương 100% các trường tổ chức dạy học bình thường. Đối với, khối trung tâm giáo dục thường xuyên, 100% các đơn vị tổ chức dạy học bình thường.

Hiện tại, ngành giáo dục và đào tạo đang chỉ đạo các đơn vị trường học tích cực dọn vệ sinh trường lớp, đảm bảo các điều kiện cần thiết để việc dạy và học trở lại bình thường. Đồng thời, động viên cán bộ, giáo viên bị ảnh hưởng tập trung khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định cuộc sống.

Tính đến ngày 14/9, toàn tỉnh Lào Cai có 35 học sinh chết và mất tích, 15 em bị thương do bão lũ; hơn 600 gia đình giáo viên, nhân viên ngành giáo dục bị ảnh hưởng hoàn lưu bão số 3. Riêng huyện Bảo Yên có 25 học sinh của huyện chết do mưa lũ, trong đó 23 em ở thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh; 410 gia đình giáo viên chịu thiệt hại do mưa lũ.