Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Với những điều kiện thuận lợi về đất đai, khí hậu cho phát triển nông nghiệp tạo cho Lào Cai một lợi thế nổi trội nếu so sánh với các tỉnh trong khu vực Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIII đã xây dựng chương trình "Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, tăng nhanh giá trị thu nhập trong sản xuất". Trên cơ sở Nghị quyết của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã phê duyệt 8 đề án tập trung cho việc tổ chức sản xuất thâm canh tăng vụ, trồng và chế biến một số loại cây trồng có thế mạnh ở Lào Cai, sản xuất giống lúa, phát triển nuôi thủy sản. Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của tỉnh cùng với sự cố gắng nỗ lực của ngành nông nghiệp, sự nhiệt tình hưởng ứng của nông dân đối với các chủ trương của tỉnh, sản xuất nông nghiệp những năm qua đã thu được nhiều kết quả tích cực, tạo ra bức tranh mới cho cho khu vực nông thôn Lào Cai. Tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp bình quân đạt 7,08%/năm. Cơ cấu nội ngành nông nghệp có sự chuyển biến tích cực, tăng tỷ trọng về dịch vụ trong nông nghiệp. Giai đoạn 2006 - 2010, tỷ trọng chăn nuôi, dịch vụ tăng 5,04% (đạt 33,09%). Giá trị sản phẩm trên đơn vị canh tác nông nghiệp, thủy sản tăng bình quân 8,3%, đạt 32 triệu đồng/ha (năm 2010). Cùng với đó, cơ cấu sản xuất nông nghiệp tiếp tục chuyển dịch đúng hướng và tích cực, ngày càng phát huy lợi thế về đất đai, khí hậu và cây trồng. Từng bước gắn với thị trường, đảm bảo phát triển có hiệu quả và bền vững, hình thành vùng sản xuất chè hàng hóa, với diện tích trên 4 nghìn ha, cung ứng nguyên liệu cho các nhà máy chế biến. Lào Cai cũng đã bước đầu xây dựng các vùng sản xuất có giá trị kinh tế cao như: thuốc lá, rau, hoa, quả ôn đới theo hướng sản xuất hàng hóa. Chăn nuôi chuyển dịch theo hướng tăng chất lượng thông qua việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, hình thành các vùng chăn nuôi tập trung. Thủy sản phát triển mạnh, từ chỗ khai thác tự nhiên đã bước đầu khai thác những ưu thế mặt nước để phát triển nuôi thủy sản đa dạng, nhiều mô hình giống mới hiệu quả cao như: cá nước lạnh, tôm càng xanh, rô phi đơn tính, cá chép lai... Phát triển lâm nghiệp cũng hướng đến sự phát triển bền vững, diện tích rừng được quản lý bảo vệ tốt và từng bước được đầu tư phát triển theo hướng tăng chất lượng, đảm bảo chức năng phòng hộ và bảo vệ môi trường sinh thái. Giá trị sản xuất lâm nghiệp tăng cao, đạt mức bình quân trên 10%/năm. Sự phát triển mạnh của nông nghiệp sau 20 năm tái lập tỉnh đã tạo nên diện mạo mới cho nông thôn Lào Cai, đặc biệt là nông thôn vùng cao - nơi sinh sống của đại bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số. Ít ai có thể ngờ được rằng, ở những vùng đất "thâm sơn cùng cốc" như Ý Tý (Bát Xát), Nậm Đét (Bắc Hà), Nậm Cang (Sa Pa)... ngày càng xuất hiện nhiều triệu phú nông dân, họ là những điển hình biết dựa vào thế mạnh về đất và rừng để làm kinh tế. Sản xuất nông nghiệp từng bước ổn định và nâng cao giá trị kinh tế, góp phần đáng kể vào việc cải thiện đời sống người nông dân. Năm 1991, tổng sản lượng lương thực mới chỉ đạt trên 100 nghìn tấn, bình quân lương thực đầu người thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao. Hai mươi năm sau ngày tái lập tỉnh với những cố gắng vượt bậc của ngành nông nghiệp, tổng sản lượng lương thực đã tăng gấp đôi, đạt trên 216 nghìn tấn (năm 2010), giá trị sản xuất trên một đơn vị canh tác tăng lên 32 triệu đồng/ha. Tuy đạt được nhiều kết quả rất quan trọng, nhưng Lào Cai cũng cần thấy được những hạn chế trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh, đó là: Các vùng sản xuất hàng hóa có thế mạnh chưa nhiều, công tác chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm chưa đẩy mạnh, chưa có nhiều sản phẩm có thương hiệu mạnh ở Lào Cai... Những hạn chế này đã và đang được Lào Cai quan tâm khắc phục với chiến lược tiếp tục tập trung nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn, gắn với xây dựng nông thôn mới và đào tạo nghề cho nông dân, xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội, phát triển sản xuất, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Mục tiêu hướng tới là xây dựng một nền nông nghiệp Lào Cai ngày càng phát triển ổn định, bền vững. |