• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Lão nông tiên phong làm giàu trên vùng đất "chiêm khê mùa thối"

(Chinhphu.vn) – Một nông dân quanh năm chân lấm tay bùn ở tỉnh Hà Nam đã kiếm được bộn tiền từ vùng đất “chiêm khê mùa thối”, nhưng đó vẫn chưa phải tất cả trong câu chuyện làm giàu của ông.

21/10/2014 15:01
Ông Nguyễn Công Luyên bên ao nuôi cá giống - Ảnh: VGP/Nguyễn Thắng

14 năm trước, ông Nguyễn Công Luyên ở thôn Đồng Thủy, xã Nhân Thịnh (huyện Lý Nhân, Hà Nam), đã thuê máy xúc về cải tạo vùng đất trũng quanh năm ngập nước thành trang trại. Nhiều người trong làng từng bàn tán xôn xao về việc làm không giống ai của ông.

Dám mạo hiểm

Hơn 10 năm nay, trang trại tổng hợp của ông Nguyễn Công Luyên đã trở thành mô hình kiểu mẫu để bà con trong xã làm theo. Cách làm mới của ông đã xóa bỏ vị trí độc tôn của cây lúa từ bao đời, mở hướng làm giàu cho người dân trong xã.

“Ngày tôi thuê máy xúc về đào ao làm trang trại, bà con làng xóm thấy lạ lắm. Ngày ấy, người dân nơi đây vẫn còn xa lạ với mô hình kinh tế trang trại. Bây giờ đã có hơn 100 hộ dân trong xã làm ăn có lãi từ cách làm của tôi”, ông Luyên mở đầu câu chuyện.

Ông Luyên đã bước sang tuổi 65. Ông sinh ra trong một gia đình có 6 anh em. Thời trai trẻ của ông gắn liền với nghèo khó, ông cùng một số người trong làng từng xuôi ngược khắp Hải Phòng, Quảng Ninh trong cuộc mưu sinh.

Năm 25 tuổi, ông xây dựng gia đình. Đi qua thời bao cấp, cả nhà ông được chia 8 sào ruộng, ông cùng vợ cần mẫn với cây lúa, trồng sen nuôi cá. Phẩm chất cần cù, chịu khó của người nông dân trên đồng ruộng đã giúp gia đình ông no cái dạ dày, nhưng mọi chuyện không chỉ dừng ở đó.

Bước ngoặt cuộc đời ông bắt nguồn từ một chuyến đi xa khỏi lũy tre làng. Một lần vào thăm người nhà ở tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, ông được tận mắt thấy mô hình trang trại chăn nuôi lợn quy mô lớn lên đến vài nghìn con theo hướng hiện đại. “Tôi mê làm kinh tế trang trại từ ngày đó”, ông Luyên chia sẻ.

Về nhà, ông bàn với vợ dốc toàn bộ vốn liếng tích cóp, vay thêm anh em trong nhà, thế chấp ngân hàng được hơn 100 triệu đồng, đầu tư làm ăn theo hướng mới, chưa từng có ở vùng đất thuần nông này. Đó là thời điểm năm 2000.

“Ngày ấy, số tiền trên là cả một gia tài lớn đối với người dân quê tôi. Nhiều người bảo tôi làm liều. Nhưng nếu không dám mạo hiểm làm ăn theo cách mới thì khó làm giàu”, ông Luyên nói.

Ông xin đấu thầu vùng đất trũng mà trồng cấy lúa không ăn chắc, thuê máy xúc về đào ao thả cá, xây chuồng trại chăn nuôi lợn. Ông bắt đầu “trận đánh” mới trên con đường trở thành tỷ phú.

Mới đầu vốn nhỏ, ông chăn nuôi hơn trăm con lợn, rồi tăng lên hơn nghìn con mỗi lứa. Tiền lãi hàng năm, ông lại đầu tư mở rộng trang trại. Cứ như thế, ông đã cải tạo hơn 4 ha đất trũng thành trang trại thu về bạc triệu mỗi năm.

Bí quyết thành công của ông chỉ đơn giản là tinh thần làm việc chăm chỉ, chịu khó và luôn mạnh dạn đưa những tiến bộ mới vào quá trình làm trang trại. Hiện, trang trại của ông thuộc loại lớn nhất nhì huyện. Mỗi năm, trừ mọi khoản chi, ông bỏ túi hơn 300 triệu đồng.

Mở hướng làm giàu

Đi trên bờ đê dọc xã Nhân Thịnh nhìn xuống đôi bờ sông Hồng, những trang trại lớn nhỏ trù phú nối đuôi nhau trên những vùng đất trũng. Cũng nhờ làm trang trại mà nhiều nông dân ngày trước quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho giời” đã bỏ túi cả trăm triệu đồng mỗi năm. Cũng từ đó, những triệu phú nông dân từ làm trang trại không còn hiếm ở vùng đất được mệnh danh là “chiêm khê mùa thối” này.

Mọi người làng trên, xóm dưới vẫn kháo nhau rằng, sự thay đổi trên có công rất lớn của ông Nguyễn Công Luyên. Ngày trước, người dân quê ông vốn chỉ quen với cây lúa, cây ngô. Nếu có chăn nuôi cũng chỉ nuôi 1, 2 con lợn. Nhưng ông Luyên đã phá bỏ cách làm ăn cũ đó bằng việc đầu tư vào làm trang trại quy mô lớn, nuôi hơn nghìn con lợn mỗi năm.

“14 năm trước, thấy tôi thuê máy xúc về múc ruộng trũng thành ao, xây chuồng nuôi lợn trên bờ, rất nhiều người trong làng đến ngó nghiêng, mọi người bàn tán rì rầm, rồi rỉ tai nhau bảo tôi làm gì mà lạ vậy”, ông Luyên nhớ lại.

Mấy năm sau, thấy những chiếc xe tải đến trang trại ông thu mua hơn chục tấn cá, hơn nghìn con lợn thương phẩm hằng năm, tiền tươi thóc thật thanh toán ngay tại chỗ, bà con trong làng, ngoài xã bắt đầu lân la đến nhà để hỏi cách làm trang trại.

Cũng từ đó, ông trở thành nhà tư vấn chiến lược cho những nông dân trong vùng mong muốn đổi đời từ làm trang trại. Theo ông, đã có hơn 100 hộ trong xã cải tạo đất trũng thành trang trại chăn nuôi. Và không ít nông dân đã phất lên từ cách làm này.

Anh Trần Hữu Duyên, một người làm trang trại trong xã là ví dụ điển hình. “Trước kia, gia đình tôi làm ruộng vất vả, nhưng cũng chỉ đủ ăn. Đến mùa gặt, ruộng trũng đầy nước phải đẩy thuyền chở lúa rất cực nhọc. Thấy ông Luyên làm trang trại có lãi, tôi cũng vay tiền đầu tư làm theo”, anh Duyên nhớ lại.

Đến nay, anh có trong tay trang trại rộng hơn 5 mẫu, cộng thêm cửa hàng bán thức ăn chăn nuôi. Mỗi năm, anh thu lãi 400 triệu đồng.

Những nỗ lực không biết mệt mỏi của ông Luyên đã được ghi nhận xứng đáng. Ông vinh dự được tặng Huân chương Lao động hạng Ba và Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Năm 2013, ông được tôn vinh là một trong những Nông dân xuất sắc toàn quốc.

Bây giờ, người dân trong làng đang bàn tán về một câu chuyện làm giàu khác của ông. “14 năm trước, ông Luyên là người đầu tiên đưa mô hình kinh tế trang trại về làng. Cách đây 3 tháng, ông lại là người tiên phong mở xưởng may xuất khẩu, tạo việc làm cho hơn 300 lao động quê nhà”, anh Duyên trầm trồ.

Nguyễn Thắng