Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải chủ trì họp báo thường kỳ ngày 12/3 - Ảnh: VGP/Phan Tran |
Thông tin được ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) đưa ra tại Họp báo thường kỳ Bộ Công Thương ngày 12/3.
Ông Hoàng Tiến Dũng cho biết, điện mặt trời mái nhà là nguồn điện sạch, tái tạo, có tính chất phân tán, quy mô nhỏ, được tiêu thụ tại chỗ, giảm tổn thất của quá trình truyền tải, phân phối, tận dụng hạ tầng lưới điện hiện có của ngành điện, có thời gian phát chủ yếu vào ban ngày, trong giờ cao điểm của hệ thống điện, giúp giảm đỉnh phụ tải.
Đây cũng là loại hình năng lượng tái tạo tận dụng được diện tích mặt bằng mái nhà tại các khu dân cư, doanh nghiệp vốn đã có sẵn cơ sở hạ tầng lưới điện đầy đủ, thuận tiện trong việc đấu nối,... Do đó, cần khuyến khích các thành phần kinh tế như hộ gia đình, doanh nghiệp tham gia đầu tư để cấp điện tự dùng và phần dư bán lại cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Trước đó, ngày 6/4/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam áp dụng tiếp theo Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg ngày 11/4/2017 về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam.
“Hiện toàn quốc có 106.000 hệ thống điện mặt trời mái nhà, là nguồn đóng góp quý cho hệ thống điện quốc gia và phát triển kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, giá điện theo Quyết định 13 chỉ có hiệu lực đến hết năm 2020, do đó cần phải ban hành chính sách mới cho điện mặt trời. Trong đó, với điện mặt trời mặt nước và mặt đất áp dụng cơ chế đấu thầu, còn điện mặt trời mái nhà áp dụng cơ chế cố định”, ông Dũng cho hay.
Thêm vào đó, ông Dũng nhìn nhận, với tiến bộ vượt bậc của khoa học, hiện nay đã giảm giá thành của thiết bị điện mặt trời nên chi phí sản xuất điện mặt trời cũng giảm nhanh. Do đó, Bộ Công Thương cũng đưa ra cơ sở để tính toán giảm giá mua điện mặt trời mà vẫn bảo đảm lợi ích nhà đầu tư và người mua điện trong tiết kiệm chi phí đầu tư.
Hiện, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo đã xây dựng xong Dự thảo liên quan đến cơ chế giá cho điện mặt trời áp mái (ĐMTAM) để thay thế cho cơ chế tại Quyết định 13 đã hết hiệu lực từ 31/12/2020 và đang lấy ý kiến để trình Chính phủ. Theo đó, dù vẫn duy trì giá cố định nhưng mức dự kiến giảm chỉ còn 5,2-5,8 cent/kWh với từng loại công suất dự án (theo Quyết định 13 giá mua là 8,38 US cent/kWh). Mục đích để phát triển đúng hướng, tức khuyến khích người dân, doanh nghiệp lắp đặt để tự dùng, thay vì tình trạng nhà nhà "ào ào" lắp điện áp mái để hưởng giá cao khi đẩy hết công suất lên lưới.
Mức giá của từng dự án sẽ phụ thuộc vào quy mô công suất hệ thống lắp đặt, quy mô càng to thì giá sẽ càng thấp nhằm khuyến khích hộ gia đình lắp đặt tại các trang trại, khu nhà công nghiệp, thay vì tất cả các loại hình điện áp mái đều có một mức giá như trước đây.
Liên quan đến việc Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương rà soát các vấn đề liên quan đến phát triển điện mặt trời, tránh phát triển ồ ạt và quá tải đường dây, ông Dũng cho rằng, việc quá tải lưới điện diễn ra vào năm 2019 và đầu 2020 tại một số địa phương như Ninh Thuận do những địa phương này có tốc độ phát triển dự án rất nhanh. Trong khi các dự án điện mặt trời có tốc độ xây dựng chỉ 4-6 tháng nhưng đường dây truyền tải xây dựng phải mất từ 2 năm trở lên nên sự tương thích về đầu tư và phối hợp chưa nhịp nhàng. Tuy nhiên, vừa qua, EVN đã xây dựng nhiều công trình, dự án truyền tải, nhiều dự án của tư nhân… nên cơ bản đến nay tình trạng quá tải do năng lượng tái tạo đã không còn.
“Theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã lập đoàn kiểm tra và dự kiến kiểm tra 10 địa phương, thời gian thực hiện 40 ngày và khi có kết quả sẽ thông tin đến các cơ quan báo chí”, ông Hoàng Tiến Dũng cho hay.
Nói về vấn đề vốn cho Quy hoạch điện VIII, với nhu cầu vốn lên đến 150 tỷ USD, nhu cầu phụ tải duy trì mức cao 8-9%/năm, tổng công suất 140.000 MW - gấp đôi so với hiện nay, ông Dũng đánh giá, nhu cầu vốn đầu tư cho điện rất lớn, mỗi năm cần đến 12-13 tỷ USD là một thách thức.
“Vấn đề về vốn rất phức tạp nên với từng dự án, chủ đầu tư phải lập nghiên cứu báo cáo phân tích khả thi, tính toán cụ thể. Còn trong Quy hoạch chỉ đưa ra tổng vốn cần huy động và giải pháp chính là tăng khả năng tài chính nội bộ của doanh nghiệp, tăng uy tín năng lực tài chính để vay vốn thuận lợi với chi phí thấp hơn. Với nguồn vốn hằng năm huy động cao như vậy, cần có cơ chế mạnh mẽ để khuyến khích mọi thành phần kinh tế trong và ngoài nước, tư nhân đầu tư vào cơ sở hạ tầng ngành điện thông qua cơ chế đấu thầu hoặc xã hội hóa đường dây truyền tải… để huy động nguồn lực. Khi có cơ chế hợp lý, hài hòa lợi ích các bên sẽ có nguồn lực đầu tư mạnh mẽ. Đơn cử như các dự án nguồn năng lượng tái tạo vừa qua, tư nhân đầu tư lên đến 16.000 MW, tương đương 10 tỷ USD, mà chỉ huy động trong hơn 2 năm”, ông Hoàng Tiến Dũng nói.
Với câu hỏi liên quan đến việc chậm sửa đổi biểu giá bán lẻ điện gây bức xúc cho người dân vào những mùa nắng nóng, tiền điện tăng cao bất thường, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực cho biết, Bộ Công Thương đã nghiên cứu xem xét đề án sửa đổi biểu giá bán lẻ điện, lấy ý kiến rộng rãi các bộ, ngành và khách hàng sử dụng điện.
"Trên cơ sở đánh giá, góp ý, Bộ Công Thương đã báo cáo Thủ tướng và Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với các bộ tiếp tục nghiên cứu, xem xét ở thời điểm phù hợp vào năm 2021, nên hiện nay Bộ vẫn đang xem xét và nghiên cứu", ông Tuấn nhấn mạnh.
Với câu hỏi giá thành sản xuất kinh doanh điện tăng 7% thì Bộ Công Thương có phương án tăng giá trong năm nay hay không, ông Nguyễn Anh Tuấn khẳng định thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ kiên trì thực hiện điều hành giá điện theo Quyết định 24 cũng như định hướng điều hành giá điện theo cơ chế thị trường định hướng tại Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị.