Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Cần phải thiết lập hệ thống giám sát chất lượng từ gốc, tăng cường khâu kiểm nghiệm tại cơ sở sản xuất sầu riêng - Ảnh: VGP/Đỗ Hương
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam cho rằng, nhiều lô sầu riêng của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc bị phát hiện chứa dư lượng kim loại nặng cadimi vượt ngưỡng quy định đã và đang tạo ra những tác động tiêu cực, sâu sắc và nhiều mặt đối với ngành hàng tỷ USD.
Không chỉ là một cảnh báo về an toàn thực phẩm, những sự cố này còn là một bài kiểm tra khắc nghiệt về năng lực quản lý chất lượng, uy tín thương hiệu và sự bền vững của hoạt động xuất khẩu nông sản chủ lực của Việt Nam.
Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng nhiễm cadimi được các cơ quan chuyên môn và chuyên gia xác định là do sự tích tụ kim loại nặng trong đất, chủ yếu có thể xuất phát từ việc lạm dụng phân bón hóa học, đặc biệt là các loại phân bón có gốc lân (như DAP) trong một thời gian dài.
Quá trình canh tác chạy theo năng suất, thiếu kiểm soát đầu vào đã vô tình đưa chất độc vào chuỗi sản xuất. Bên cạnh cadimi, vấn đề tồn dư chất cấm Vàng O - một loại hóa chất nhuộm công nghiệp dùng để tạo màu vàng đẹp cho vỏ sầu riêng, thúc trái chín đều - cũng bị phía Trung Quốc siết chặt kiểm tra, cho thấy những lỗ hổng trong khâu sơ chế, bảo quản sau thu hoạch.
Sự cố này đã phơi bày những điểm yếu cố hữu của một ngành hàng phát triển quá "nóng", thiếu kiểm soát toàn diện chuỗi cung ứng - từ vật tư đầu vào (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật) đến quy trình canh tác tại vườn và xử lý sau thu hoạch.
Sản xuất chạy theo số lượng - việc ồ ạt mở rộng diện tích, chạy theo năng suất mà chưa chú trọng đúng mức đến các tiêu chuẩn chất lượng bền vững. Sự lỏng lẻo trong quản lý và sử dụng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói - dẫn đến tình trạng khi một lô hàng vi phạm, uy tín của cả một vùng, thậm chí cả quốc gia bị ảnh hưởng.
Số liệu của Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cũng thể hiện rõ diện tích sầu riêng tăng đột biến. Theo đó, từ năm 2015-2024, diện tích sầu riêng tăng nhanh từ 32.000 ha lên hơn 178.000 ha. Đắk Lắk, Lâm Đồng, Tiền Giang, Đắk Nông là các tỉnh có diện tích sầu riêng lớn nhất cả nước.
Ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở NN&MT Cần Thơ cho rằng, sầu riêng nhiễm cadimi không phải là lỗi của người nông dân mà nguyên nhân có thể đến từ vật tư, phân bón, cũng có thể do đặc điểm tự nhiên của vùng đất có sẵn hàm lượng cadimi… Không chỉ sầu riêng, nhiều loại cây ăn trái khác cũng có thể bị ảnh hưởng nếu sử dụng các giải pháp kỹ thuật không đúng mức, chẳng hạn như bón lân liều cao để tạo mầm, hoặc dùng phân hữu cơ có nguồn gốc từ rác thải… Những yếu tố này cần được xem xét kỹ lưỡng.
Một điểm yếu nữa của ngành hàng sầu riêng được bà Bà Nguyễn Thị Thành Thực, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Công nghệ phần mềm Auto Agri chỉ ra, đó là tại các vùng nông nghiệp trọng điểm chúng ta chưa có chợ đầu mối cũng như chưa có trung tâm kiểm định và kiểm dịch và chưa làm được các thủ tục xuất nhập khẩu tại chỗ.
Theo bà Thực, hiện nay chúng ta không kiểm soát việc ủy quyền mã vùng trồng dẫn đến việc sử dụng, bảo quản của người được uỷ quyền chưa đúng chỗ. Có hiện tượng đem mã vùng trồng đi sử dụng ở nhiều nơi dẫn đến hiện tượng khó kiểm soát.
Để ngành hàng sầu riêng trở lại "đường đua", phát triển bền vững, Tổng Thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên cho hay, chúng ta phải thiết lập hệ thống giám sát chất lượng từ gốc, tăng cường khâu kiểm nghiệm tại cơ sở sản xuất sầu riêng.
Xây dựng các chương trình giám sát an toàn thực phẩm và kiểm dịch thực vật ngay tại vườn trồng và cơ sở đóng gói sầu riêng bằng cách mở rộng danh sách và nâng cao năng lực cho nhiều phòng xét nghiệm đủ chuẩn phủ kín các vùng trồng sầu riêng. Sau này việc truy xuất nguồn gốc sẽ chính xác, rõ ràng khi các cơ quan chức năng Việt Nam hay Trung Quốc cần truy xuất về mã số, tồn dư chất cấm... của sầu riêng xuất khẩu.
Về xử lý nghiêm các vi phạm, cần ban hành các quy định, chế tài đủ mạnh để xử lý các hành vi vi phạm về chất lượng, an toàn thực phẩm và gian lận thương mại.
Ông Nguyên cho rằng, nếu chúng ta tổ chức được hệ thống lọc hàng tại các vườn trồng sầu riêng một cách chính xác, hiệu quả, lãnh đạo Bộ hay Chính phủ mới có căn cứ để đàm phán với hải quan Trung Quốc mở "luồng xanh" bền vững cho sầu riêng Việt Nam thông quan nhanh chóng và không bị trả hàng về nhiều như hiện nay.
Về lâu dài, cần quy hoạch vùng trồng tập trung và bền vững; siết chặt quản lý và cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói; kiểm soát chặt chẽ vật tư đầu vào; thay đổi quy trình canh tác; xây dựng thương hiệu quốc gia…
Để gỡ nút thắt tồn dư hóa chất trong sầu riêng, ông Nguyễn Đỗ Dũng, Tổng Giám đốc Công ty Công nghệ Nông nghiệp Enfarm Tại Tây Nguyên cho hay, cần ứng dụng AI kiểm soát tồn dư hóa chất trong sầu riêng.
Theo đó, khi sử dụng AI, hệ thống sẽ xác định các khu vực có nguy cơ cao, từ đó đưa ra biện pháp cải tạo đất phù hợp. Công nghệ này giúp giảm đến 70% số mẫu quả cần xét nghiệm, tiết kiệm chi phí, rút ngắn thời gian xử lý so với phương pháp thủ công. "Enfarm đã xây dựng nền tảng số hỗ trợ lấy mẫu, phân tích và trả kết quả nhanh, góp phần nâng cao chất lượng trái và giá trị nông sản", ông nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Quang Hiếu, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho rằng, không nên đổ lỗi hoàn toàn cho phân bón DAP. Theo ông, sự thay đổi độ pH trong đất khi vào vụ có thể khiến cadimi hòa tan nhiều hơn. Một số phân hữu cơ có hàm lượng cadimi cao hơn loại vô cơ do nguyên liệu là bùn thải, chất trộn không rõ nguồn gốc. Mắt xích yếu khác là kiểm tra chất lượng và mã số vùng trồng chưa nghiêm. Doanh nghiệp vẫn xuất hàng khi chưa có thiết bị test nhanh cadimi trước khi thông quan.
Bên cạnh những nỗ lực cải thiện từ vùng trồng, chế biến sâu để đạt hiệu quả về chất lượng và giá trị cũng là hướng đi ngành sầu riêng đang hướng tới. Cụ thể, đối với sầu riêng đông lạnh, Việt Nam đã xuất khẩu được 388 lô với sản lượng 14.282 tấn, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2024. Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết, xuất khẩu sầu riêng đông lạnh tăng mạnh một phần cũng là do nhờ chính sách mở cửa thị trường (Nghị định thư xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sang Trung Quốc vào tháng 8/2024).
Đỗ Hương