Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà |
Xin ông cho biết ý nghĩa của Hội nghị về thích ứng với biến đổi khí hậu, quản lý tổng hợp tài nguyên nước vùng đồng bằng sông Cửu Long?
Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Hội nghị diễn ra trong bối cảnh biến đổi khí hậu tác động rõ rệt đến đời sống, kinh tế, chính trị, an ninh xã hội của Việt Nam nói chung và đặc biệt là tình trạng thiếu hụt nước ngọt, hạn hán, xâm nhập mặn, xâm thực bờ biển diễn ra với quy mô lớn và mức độ khốc liệt chưa từng có ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long nói riêng.
Bên cạnh đó, vào giữa tháng 11 tới đây, tại Hội nghị lần thứ 22 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP 22) được tổ chức ở Morocco, chúng ta sẽ bàn phương án triển khai các cam kết đã ký trong Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, trong đó phát triển đồng bằng sông Cửu Long trước thách thức của biến đổi khí hậu là một trong những nội dung quan trọng mà Việt Nam đưa ra trong thực hiện Thỏa thuận Paris.
Đồng bằng sông Cửu Long có vị trí đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam, là một trong 3 châu thổ lớn của thế giới, bên cạnh đồng bằng sông Hằng và sông Nile, đồng bằng sông Cửu Long là dải đất đa dạng ẩn giấu nhiều bí tàng của trời đất. Đây đã từng là vùng đất trù phú mang lại sinh kế lâu đời cho người dân nơi này. Nhưng hôm nay, ai trong chúng ta ngồi đây cũng cảm nhận được những thách thức to lớn mà biến đổi khí hậu tác động lên vùng đất này. Đồng bằng sông Cửu Long đang chịu sự đe dọa nghiêm trọng nhất của biến đổi khí hậu.
Những vấn đề hiện hữu theo kịch bản biến đổi khí hậu đang đặt ra với Cà Mau nói riêng và khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói chung là bờ biển bị xâm thực và mặn hóa ngày càng xâm nhập sâu... Bên cạnh đó, việc tăng cường các hoạt động khai thác tài nguyên nước trên thượng nguồn nhất là hoạt động khai thác thủy điện trên dòng chính sông Mekong đã làm ảnh hưởng đến dòng chảy, làm chuyển nước sang lưu vực sông khác, làm trầm trọng thêm nguy cơ cạn kiệt nguồn nước.
Như trên ông vừa nói, đồng bằng sông Cửu Long từng là vùng đất trù phú? Xin ông nói rõ hơn về điều này?
Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Trước tác động của biến đổi khí hậu, đồng bằng sông Cửu Long hôm nay không còn là miền đất trù phú mang lại sinh kế lâu dài, thuận lợi cho người dân như bao đời nay. Vì vậy, chúng ta cần thay đổi tư duy phát triển. Chúng ta không thể dựa vào sự ưu đãi của thiên nhiên ban tặng mà cần dựa vào trí tuệ, tri thức và công nghệ để phát triển bền vững. Biến thách thức do biến đổi khí hậu để đồng bằng sông Cửu Long phát triển lâu dài.
Một nhà văn đã nói: Suốt mấy nghìn năm, ông cha ta đã bám chắc mảnh đất quê hương, khai phá ruộng đất, cải tạo thiên nhiên và tạo ra một đồng bằng Cửu Long sông mẹ và những tặng phẩm của thiên nhiên vô cùng tuyệt diệu… Tiếp nối truyền thống đó của cha ông, lớp con cháu chúng ta phải có một tư duy phát triển mới song hành cùng các giải pháp dựa trên quy hoạch tổng thể, lâu dài cho khu vực để từ đó tránh được những xung đột về lợi ích giữa các địa phương và giữa các tiểu vùng, đồng thời hài hòa giữa các ưu tiên trước mắt và mục tiêu lâu dài cho phát triển bền vững khu vực này…
Trước những tác động của biến đổi khí hậu đối với vùng đồng bằng sông Cửu Long, chúng ta cần phải làm gì để thích ứng với những biến đổi của tự nhiên, thưa ông?
Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Trước tình hình hiện nay, đòi hỏi có sự cam kết mạnh mẽ, mang tính pháp lý của các nước trong việc sử dụng tài nguyên nước một cách bền vững nhằm giải quyết các thách thức xuyên biên giới đối với vùng đồng bằng sông Cửu Long. Ở trong nước, chúng ta cũng cần có cơ chế phối hợp liên tỉnh, liên ngành, liên vùng để hạn chế những bất cập trong quản lý sử dụng tài nguyên nước.
Tôi mong muốn có sự đổi mới mạnh mẽ trong cách tiếp cận và tư duy phát triển vùng đồng bằng theo hướng trí tuệ, thông thái, lấy tri thức, khoa học công nghệ làm trọng tâm trong ứng phó với biến đổi khí hậu.
Thành Chung (thực hiện)