Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
![]() |
Ảnh minh họa |
Mục đích của việc tổ chức lấy ý kiến là nhằm phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ của Nhân dân trong việc góp ý vào nội dung dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi), bảo đảm cụ thể hóa quy định của Hiến pháp về công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân, góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, ổn định môi trường pháp lý cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và đời sống của nhân dân.
Nghị quyết nêu rõ, đối tượng lấy ý kiến là các tầng lớp Nhân dân trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Nội dung lấy ý kiến về toàn bộ dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi), tập trung vào các vấn đề trọng tâm do Chính phủ xác định. Dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) được đăng Báo Nhân dân, Trang thông tin điện tử của Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tư pháp.
Về trách nhiệm tổ chức lấy ý kiến, Chính phủ sẽ chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tổ chức lấy ý kiến và báo cáo kết quả lấy ý kiến của cơ quan mình, ngành mình.
Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao tổ chức lấy ý kiến Tòa án nhân dân các cấp, Viện Kiểm sát nhân dân các cấp và xây dựng Báo cáo kết quả lấy ý kiến, gửi Chính phủ (qua Bộ Tư pháp) để tổng hợp.
UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ trì, phối hợp với Thường trực Hội đồng nhân dân, Đoàn đại biểu Quốc hội, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các thành viên của Mặt Trận cùng cấp tổ chức lấy ý kiến cơ quan, tổ chức, cá nhân trên địa bàn và xây dựng Báo cáo kết quả lấy ý kiến tại địa phương mình, gửi Chính phủ (qua Bộ Tư pháp) để tổng hợp.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận có trách nhiệm vận động Nhân dân tham gia góp ý kiến về dự thảo. Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì, phối hợp với cơ quan trung ương của các tổ chức thành viên của Mặt trận tổ chức lấy ý kiến và xây dựng Báo cáo kết quả lấy ý kiến gửi Chính phủ (qua Bộ Tư pháp) để tổng hợp.
Nhiều hình thức lấy ý kiến
Việc lấy ý kiến Nhân dân được thực hiện thông qua các hình thức: Góp ý trực tiếp bằng văn bản; tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm; thông qua Trang thông tin điện tử của Bộ Tư pháp; các hình thức phù hợp khác.
Ý kiến của Nhân dân trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài góp ý vào dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) gửi đến các cơ quan, tổ chức trên hoặc Bộ Tư pháp theo địa chỉ 60 Trần Phú, Ba Đình, Hà Nội hoặc theo hộp thư điện tử boluatdansu@moj.gov.vn.
Thời gian lấy ý kiến bắt đầu từ ngày 5/1/2015 và kết thúc vào ngày 5/4/2015. Sau thời gian này, tổ chức, cá nhân tiếp tục góp ý kiến về dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) thì gửi đến Bộ Tư pháp trước ngày 20/9/2015 theo địa chỉ và hộp thư điện tử trên. Các ý kiến góp ý của Nhân dân sẽ được nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu để chỉnh lý dự thảo trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Bộ luật dân sự năm 2005 (Bộ luật dân sự) được Quốc hội khóa XI thông qua ngày 14/6/2005. Sau 8 năm thi hành, Bộ luật dân sự đã có tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cũng như đối với việc hoàn thiện hệ thống pháp luật điều chỉnh các quan hệ dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại và lao động (quan hệ tư).
Tuy nhiên, bước sang giai đoạn phát triển mới của đất nước, trước yêu cầu thể chế hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020 đã được thông qua tại Đại hội lần thứ XI của Đảng và đặc biệt là yêu cầu về cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp 2013 liên quan đến bảo vệ quyền con người, quyền công dân và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, Bộ luật dân sự hiện hành đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập.
Chính vì vậy, Bộ Tư pháp đã xây dựng dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi). Dự thảo này đã được chỉnh lý trên cơ sở tiếp thu ý kiến của Đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII.
Phương Nhi