Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Lễ hội Chọi trâu Đồ Sơn là “Di sản Văn hóa phi vật thể tiêu biểu của quốc gia”.
Bắt nguồn từ một tục lệ cổ xưa của người dân vùng đất Đồ Sơn, năm 1990, lễ hội chọi trâu Đồ Sơn được phục hồi và liên tục được tổ chức đến nay.
Quá trình phục hồi và tổ chức lễ hội đã đáp ứng được nguyện vọng và nhu cầu đời sống tinh thần của người dân Đồ Sơn và Hải Phòng, đồng thời giúp quảng bá hình ảnh vùng đất, con người của Đồ Sơn nói riêng, Hải Phòng nói chung.
Tuy nhiên, cũng giống như nhiều lễ hội được phục hồi khác trong thời gian vừa qua, việc tổ chức, quản lý Lễ hội Chọi trâu Đồ Sơn cũng gặp phải không ít khó khăn, vướng mắc. Sự cố xảy ra ở vòng loại chọi trâu ngày 1/7 vừa qua là bài học kinh nghiệm xương máu cho không chỉ các nhà quản lý ở Đồ Sơn, Hải Phòng, mà còn ở cả các địa phương khác và trên cả nước.
Tuy nhiên, không thể vì chưa tổ chức tốt mà cấm tổ chức lễ hội chọi trâu. Đây là quan điểm được nhiều nhà khoa học dự tọa đàm “Giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý và tổ chức Lễ hội Chọi trâu Đồ Sơn, Hải Phòng” do Bộ VHTT&DL tổ chức ngày 7/9, đồng thuận.
Chủ trì cuộc tọa đàm, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Trịnh Thị Thủy cho biết các ý kiến tại tọa đàm đều thống nhất đề nghị tiếp tục tổ chức Lễ hội Chọi trâu Đồ Sơn nhưng cũng đề nghị phải điều chỉnh lễ hội cho phù hợp.
Cụ thể, trong dịp tổ chức vào ngày 9/8 Đinh Dậu (tức ngày 28/9/2017), Lễ hội Chọi trâu Đồ Sơn phải được điều chỉnh quy mô theo hướng thu gọn là không tổ chức vòng đấu loại, giảm số lượng trâu tham gia chọi, chỉ để mỗi phường một trâu tham gia chọi (giới hạn quy mô có 8 cặp đấu).
Thứ trưởng cũng yêu cầu địa phương tuyên truyền, vận động chủ trâu không giết trâu để bán, nếu chưa thực hiện được thì phải có khoanh vùng bán thịt trâu chọi, phải có kiểm định chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, niêm yết mức giá, địa điểm bán thịt trâu; tăng cường rà soát, quản lý, khoanh vùng các đối tượng có biểu hiện cờ bạc, cá cược nhân lễ hội…
(nguồn: Cổng TTĐT Bộ VHTT&DL)