Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Đây là lời kêu gọi của Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres sau khi nghe báo cáo khoa học đánh giá toàn diện về các vấn đề khí hậu toàn cầu ngày 20/3 của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu LHQ (IPPC).
Trong báo cáo này, IPCC cho biết nhiệt độ toàn cầu đã tăng lên 1,1 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, là hậu quả của hơn 1 thế kỷ sử dụng nhiên liệu hóa thạch, việc sử dụng đất và năng lượng không đồng đều, không bền vững.
Điều này đã dẫn đến các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt xảy ra thường xuyên hơn và dữ dội hơn , gây ra những tác động ngày càng nguy hiểm đối với thiên nhiên và con người ở mọi khu vực trên thế giới.
Báo cáo cho rằng nếu nhiệt độ được giữ ở mức 1,5 độ C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp thì việc giảm phát thải khí nhà kính sâu, nhanh và bền vững sẽ là cần thiết ngay trong thập kỷ này.
Để ứng phó với tình trạng trái đất nóng lên, IPCC đề xuất phương án "phát triển thích ứng với khí hậu" với việc đề nghị các chính phủ lồng ghép các biện pháp thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm hoặc tránh phát thải khí nhà kính vào chính sách phát triển. Khuyến khích người dân sử dụng năng lượng sạch để cải thiện sức khỏe; điện khí hóa carbon thấp, đi bộ, đi xe đạp và sự dụng phương tiện vận tải công cộng để cải thiện chất lượng không khí…
Theo trang tin Liên Hợp Quốc (UN.org) Tổng Thư ký Antonio Guterres đã mô tả báo cáo này như một "hướng dẫn cách tháo gỡ quả bom hẹn giờ khí hậu".
Người đứng đầu LHQ đã đề xuất với nhóm các nền kinh tế phát triển cao G20 về một "hiệp ước đoàn kết khí hậu" nhằm thúc đẩy nỗ lực đạt được việc thông qua chương trình nghị sự tăng tốc ứng phó biến đổi khí hậu.
Trong đó, chương trình nghị sự kêu gọi các nước phát triển chấm dứt việc sản xuất điện từ than đá vào năm 2035; phần còn lại của thế giới vào năm 2040, đồng thời chấm dứt mọi hoạt động cấp phép hoặc tài trợ cho dầu khí mới cũng như mọi hoạt động mở rộng khai thác dầu mỏ và khí đốt hiện có.
TTXVN dẫn đánh giá của các nhà khoa học cho hay việc nền nhiệt trung bình của trái đất tăng 1,5 độ C có thể khiến thế giới tiến gần hơn tới "điểm tới hạn" trong hệ thống khí hậu, dẫn tới sự tuyệt chủng của một số loài sống trên đất liền và trong đại dương, làm mất đi những rạn san hô giàu đa dạng sinh học, khiến băng tan nhanh hơn, nước biển dâng cao và tình trạng mất mùa nghiêm trọng hơn... Nếu sự tăng nhiệt ở mức 1,8 độ C, vào năm 2100, nhân loại có thể phải đối mặt với thời kỳ nhiệt độ và độ ẩm cực cao, đe dọa đến tính mạng./.