Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
|
Biểu diễn hát Then, đàn Tính trong Ngày hội Văn hóa các dân tộc Việt Nam tại Đồng Mô, Hà Nội, tháng 4/2009. Ảnh: Chinhphu.vn. |
Từ năm 2005, Liên hoan hát Then, đàn Tính được tổ chức 2 năm 1 lần nhằm duy trì, bảo tồn và phát triển loại hình nghệ thuật truyền thống, tiêu biểu của công đồng các dân tộc Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam.
Theo ông Hoàng Đức Hậu- Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc (Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch), liên hoan còn là dịp để các nghệ sĩ yêu thích nghệ thuật hát Then, đàn Tính giao lưu, trình diễn tài năng của mình.
Hát Then là một loại hình nghệ thuật dân gian gắn bó sâu sắc với đời sống tinh thần của đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Thái...
Hát Then, đàn Tính không chỉ thể hiện trong các ngày vui như: đón năm mới, mừng nhà mới, ngày cưới, mừng thượng thọ, mừng thăng quan, tiến chức mà cả trong những lúc buồn, an ủi người ốm, khóc thương người chết... Trong không khí thiêng liêng, lời ca, điệu múa và âm nhạc hòa quyện đưa đến cho người nghe, người xem những cảm xúc thẩm mỹ. Vì thế, người Tày có câu tục ngữ: "Đàn Tính ba năm, kéo Nhị ba buổi", hàm ý nghe một lần kéo Nhị chỉ nhớ ba ngày; còn nghe một lần đàn Tính thì nhớ đến ba năm.
Lời Then được dân gian chắt lọc, gọt giũa, vừa là những câu thơ trữ tình, giàu nhạc điệu, vừa là lời khuyên răn, khích lệ, những kinh nghiệm về đối nhân xử thế... Cho nên những lời hát Then cũng là những bài học quí về cuộc sống, về cách ứng xử với thiên nhiên và mọi người xung quanh. Ở mỗi vùng quê đều có những làn điệu hát Then khác nhau, nhưng nhìn một cách tổng thể, hát Then gồm một số loại hình: Then kỳ yên (cầu an), Then cầu mùa, Then chúc tụng, Then chữa bệnh…
Hiện ở các bản làng vùng cao giờ chỉ còn các nghệ nhân cao tuổi đánh được đàn Tính, thuộc nhiều bài hát Then trong khi giới trẻ chỉ biết qua loa hoặc không mấy quan tâm. Các nghệ sĩ sáng tác được những bài hát Then cổ lại càng hiếm… Do đó, việc tổ chức những liên hoan hát Then, đàn Tính góp phần bảo tồn, lưu truyền bộ môn nghệ thuật độc đáo này trong cộng đồng.
Mai Hồng