Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch VCCI phát biểu tại Diễn đàn - Ảnh: VGP/HT
Đây là ý kiến của ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch VCCI tại Diễn đàn Liên kết doanh nghiệp thúc đẩy phát triển bền vững vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ do VCCI tổ chức chiều ngày 27/9 tại Hà Nội.
Ông Hoàng Quang Phòng cho biết, vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước. Là vùng có nhiều tiềm năng, thuận lợi kết nối giao thương với Trung Quốc và ASEAN, nhưng lợi thế của vùng vẫn chưa được khai thác hợp lý và phát huy hiệu quả. Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ vẫn là "vùng trũng" trong phát triển kinh tế và là "lõi nghèo" của cả nước, liên kết vùng còn chưa chặt chẽ.
Ông Hoàng Quốc Khánh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lào Cai cho rằng nguyên nhân hạn chế của vùng là năng lực kết nối giao thông, bao gồm cả trục dọc và trục ngang còn nhiều hạn chế, hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, mới chỉ nghiêng về giao thông đường bộ (nhưng cũng chưa hoàn chỉnh, mới chỉ hình thành một số tuyến cao tốc như: Nội Bài – Lào Cai, Hà Nội – Thái Nguyên…). Điều này dẫn đến tình trạng các địa phương trong vùng như những người hàng xóm "gần nhà xa ngõ", muốn từ Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên đến Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ nhanh nhất chỉ có cách đi về Hà Nội rồi quay ngược lại vì thiếu trục giao thông ngang kết nối giữa các địa phương… Những điều đó đã ảnh hưởng lớn đến cơ hội giao thương, xúc tiến đầu tư của các tỉnh trong vùng.
Diễn đàn Liên kết DN thúc đẩy phát triển bền vững Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức - Ảnh: VGP/HT
Để hiện thực được mục tiêu xây dựng Lào Cai thành trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam Trung Quốc, đồng thời tạo động lực phát triển mạnh mẽ hơn cho khu vực Trung du, miền núi Bắc Bộ theo tinh thần của Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị, lãnh đạo tỉnh Lào Cai kiến nghị các cơ quan Trung ương cần quan tâm chỉ đạo đẩy nhanh việc triển khai các dự án lớn về hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường hàng không để thúc đẩy liên kết vùng. Cần hỗ trợ tỉnh Lào Cai hoàn thành và đưa vào khai thác cảng hàng không Sa Pa đạt tiêu chuẩn cảng hàng không cấp 4C, công suất 3 triệu hành khách/năm trước năm 2030... Cần sớm nghiên cứu quy hoạch dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng khổ đường 1.435 mm...
Còn ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang cho rằng, tỉnh Tuyên Quang nói riêng và các tỉnh thuộc vùng Bắc Bộ vẫn còn tồn tại 3 điểm nghẽn lớn đang cần tập trung cao độ là quy hoạch, hạ tầng và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Tuyên Quang nỗ lực trong 2 năm gần đây làm đường cao tốc kết nối Nội Bài - Lào Cai với Tuyên Quang, dự kiến trong năm nay sẽ được khánh thành. Dự kiến năm 2025 có tuyến đường xuyên qua tỉnh Tuyên Quang, đồng thời triển khai những tuyến đường kết nối ngang để kết nối với các địa phương khác như Yên Bái, Phú Thọ, Hà Giang, mang lại cơ hội phát triển cho các tỉnh vùng núi Bắc Bộ.
Ông Phạm Hoài Chung, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải, Bộ Giao thông vận tải cho rằng, để phát huy thế mạnh của vùng, cần xác định việc phát triển kết cấu hạ tầng giao thông (quốc gia, vùng, địa phương) phải đồng bộ và phù hợp với đặc điểm, tiềm năng, lợi thế và định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực kinh tế của vùng để giao thông vừa là động lực thúc đẩy, vừa là cơ hội đầu tư phát triển.
Ông Chung đề xuất 2 loại hình giao thông trọng tâm được coi là phù hợp nhất để tập trung ưu tiên đầu tư sớm là đường bộ cao tốc và cảng hàng không.
Riêng về đường bộ cao tốc, ông Chung nhấn mạnh, phương thức vận tải nhanh, khối lượng lớn sẽ tạo điều kiện kết nối vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ với Vùng Thủ đô Hà Nội theo mô hình hướng tâm.
Tuy nhiên, trong bối cảnh nguồn lực có hạn, việc kêu gọi đầu tư xã hội – đầu tư PPP vào loại hình này ở vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ còn khó khi nhà đầu tư nhìn hiệu quả tài chính phụ thuộc vào lưu lượng xe ở vùng...
"Do đó, các tỉnh có thể kêu gọi doanh nghiệp gắn kết các dự án đầu tư giao thông với đầu tư hệ sinh thái du lịch, nghĩ dưỡng, hoặc khai thác khoáng sản", ông Phạm Hoài Chung đề xuất.
Ông Trương Đức Trọng - Chuyên gia dự án PCI, Ban Pháp chế VCCI cho biết, một nhà đầu tư khi đến với địa phương quan tâm tới rất nhiều yếu tố như điều kiện tự nhiên, điều kiện kinh tế xã hội, cơ sở hạ tầng cho đến các vấn đề về chính sách và các hoạt động tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Trong khi đó, chỉ số cơ sở hạ tầng của khu vực miền núi Bắc Bộ có điểm số thấp nhất so với các khu vực khác trên toàn quốc, là một trong những bất lợi lớn trong việc thu hút nhà đầu tư đến địa phương.
"Chỉ có hai địa phương trong vùng thực sự có lợi thế, tiến bộ đáng kể về mặt hạ tầng trong năm qua là Bắc Giang và Thái Nguyên. Điều này hoàn toàn có thể hiểu được khi đây là hai trung tâm thu hút vốn đầu tư nước ngoài lớn trong thời gian gần đây và có sự đầu tư đáng kể vào cơ sở hạ tầng", ông Trương Đức Trọng phân tích.
Đại diện Ban Pháp chế VCCI cũng cho biết thêm, về cải cách thủ tục hành chính, có một xu hướng tích cực là điểm PCI trung bình vùng đã có sự cải thiện qua thời gian. Tuy nhiên, vùng vẫn cần cải thiện các chỉ số liên quan đến tiếp cận đất đai, cạnh tranh bình đẳng, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đẩy mạnh chuyển đổi số.
Ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch VCCI cho rằng, các địa phương trong vùng cần liên kết để hình thành và phát triển hệ thống đô thị kết nối nội vùng với các đô thị lớn vùng Đồng bằng sông Hồng, phát triển các chuỗi liên kết, trung tâm kinh tế đô thị vùng gắn với các đô thị vùng biên giới.
Liên kết để hình thành một số cực tăng trưởng và trung tâm kinh tế của vùng, song hành với phát triển hành lang kinh tế, gắn với không chỉ hệ thống giao thông kết nối, mà còn với tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương trong vùng, tránh cạnh tranh lẫn nhau bằng mọi giá.
Chính sự liên kết toàn diện này sẽ giúp các địa phương trong vùng biến thách thức thành cơ hội, biến tiềm năng thành tiềm lực, biến tiềm lực thành nguồn lực, để vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ có thể phát triển đột phá, bắt kịp các vùng kinh tế động lực khác.
Anh Minh