Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Ảnh VGP/Thế Phong |
Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam là vùng đất di sản nổi tiếng với 4 di sản văn hóa thế giới, có nhiều bãi biển đẹp tầm cỡ thế giới và có các khu sinh thái, vườn quốc gia đa dạng về sinh vật cảnh.
Ngoài ra, đây cũng là vùng đất có những hoạt động văn hóa đặc sắc khác như Festival Huế, Cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng, Hành trình di sản Quảng Nam…
Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn cho hay Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam được xác định là khu vực trọng điểm phát triển du lịch của cả nước trong nhiều năm tới. Do vậy, việc hợp tác liên kết phát triển du lịch giữa 3 địa phương được cụ thể hóa sẽ là một trong những ví dụ tốt về mô hình quản lý điểm đến liên tỉnh, hướng tới hiệu quả cao, giảm chi phí và đảm bảo nguyên tắc phát triển bền vững.
Theo ông Ngô Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, để khai thác điểm tương đồng này, những năm qua, 3 địa phương đã hợp tác trên lĩnh vực du lịch, xây dựng một số sản phẩm du lịch đặc sắc hấp dẫn có tính liên vùng như “Con đường di sản miền Trung”, “Con đường Hồ Chí Minh huyền thoại”, “Con đường cao nguyên xanh”, “Tuyến hành lang Đông-Tây”… và đã tạo ra cơ sở đẩy nhanh phát triển du lịch liên kết vùng.
Tuy nhiên, tính liên kết giữa 3 địa phương chưa chặt chẽ, hiệu quả chưa cao, vẫn còn tình trạng mạnh ai nấy làm, tổ chức nhiều sự kiện lớn trùng lắp…
Từ đó, ông Ngô Hòa cho rằng Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp quan trọng, có tính liên vùng, liên ngành và xã hội hóa cao, trong đó sự liên kết, hợp tác giữa các địa phương có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đa dạng hóa sản phẩm, tạo ra sản phẩm mới độc đáo, hấp dẫn. Vì thế, 3 địa phương cần đẩy mạnh trao đổi thông tin, kinh nghiệm; khuyến khích và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp du lịch, các khu du lịch hợp tác kinh doanh, đặt các chi nhánh, văn phòng đại diện; liên kết trong tổ chức các sự kiện văn hóa, du lịch tầm quốc gia, quốc tế.
Ông Phùng Tấn Viết, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng, nhấn mạnh với sự tương đồng trong tiềm năng du lịch, Đà Nẵng xác định khách du lịch đến Đà Nẵng là đến Thừa Thiên-Huế và đến Quảng Nam, do vậy, cùng liên kết du lịch, phát triển theo hướng "3 địa phương 1 điểm đến" để cùng khai thác, cùng làm giàu từ du lịch là điều hết sức cấp thiết.
Để việc liên kết phát triển du lịch giữa 3 địa phương được hiệu quả, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Huỳnh Khánh Toàn, đề nghị Tổng cục Du lịch và Dự án "Chương trình phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội" của EU có kế hoạch cụ thể hỗ trợ cho 3 địa phương về công tác quản lý Nhà nước, đào tạo nguồn nhân lực, xúc tiến quảng bá du lịch.
Tăng cường xã hội hóa công tác xúc tiến, quảng bá
Ảnh minh họa |
Tại cuộc họp, Hiệp hội Du lịch 3 tỉnh đã nhấn mạnh vai trò của khối doanh nghiệp tư nhân trong công tác xúc tiến, quảng bá sản phẩm du lịch tại địa phương.
Theo đại diện Đà Nẵng, trong chính sách quảng bá du lịch cần khuyến khích đối thoại công tư, khuyến khích sự tham gia của các doanh nghiệp du lịch. Coi doanh nghiệp là chủ thể quan trọng trong quảng bá, giới thiệu sản phẩm du lịch, điểm đến du lịch.
Trên cơ sở các ý kiến, giải pháp nêu ra, kết thúc phiên họp, lãnh đạo 3 tỉnh đã ký biên bản thỏa thuận hợp tác liên kết phát triển du lịch nhằm khai thác hợp lý tiềm năng du lịch của từng địa phương và thúc đẩy sự tăng trưởng du lịch của khu vực một cách bền vững, không gây phương hại đến lợi ích riêng của mỗi bên.
Theo đó, 3 địa phương hợp tác xây dựng cơ chế quản lý du lịch thống nhất, đồng thời xây dựng chính sách phát triển du lịch thông thoáng, tạo điều kiện cho nhiều thành phần kinh tế cùng tham gia đầu tư, khai thác, phát triển du lịch ở địa phương, nhất là thành phần kinh tế tư nhân.
Xây dựng sản phẩm du lịch liên vùng mang đặc thù của mỗi điểm đến, có tính cạnh tranh cao nhằm hấp dẫn thị trường khách du lịch quốc tế, thu hút thị trường khách nội địa. Trước mắt xây dựng chương trình du lịch khung của 3 địa phương, để các tỉnh căn cứ xây dựng chương trình du lịch chi tiết, tạo thành hệ thống du lịch liên hoàn hấp dẫn du khách cho cả 3 địa phương như một điểm đến chung; xác định phát triển thương hiệu và sản phẩm du lịch của mỗi địa phương mang tính đặc thù, tránh sự trùng lắp, nhàm chán, đơn điệu.
Tận dụng sự gần gũi, liên hoàn của 3 địa phương để liên kết tổ chức các sự kiện du lịch trong khu vực nhằm tạo chuỗi sự kiện có sự tham gia sâu của các doanh nghiệp du lịch.
Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam cũng thống nhất liên kết tổ chức quảng bá liên vùng, quảng bá sản phẩm du lịch, quảng bá điểm đến của 3 địa phương và tổ chức tiếp thị cho thị trường du lịch trong và ngoài nước như xuất bản sách, tài liệu, phim ảnh, website quảng bá du lịch chung của ba tỉnh.
Đồng thời, 3 địa phương cũng đề ra chương trình hợp tác phát triển nhân lực du lịch và nâng cao chất lượng lao động trong ngành Du lịch theo định hướng chung, nhất là lực lượng hướng dẫn viên du lịch.
Thế Phong