Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết; đồng chí Phan Việt Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam; đồng chí Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo chủ trì Tọa đàm.
Tham dự Tọa đàm còn có đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành phố : Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định; đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương, thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ Biên tập xây dựng Đề án; một số một số chuyên gia, nhà khoa học và doanh nghiệp đóng trên địa bàn.
Phát biểu tại Tọa đàm, đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo cho rằng, nhìn về tổng thể, mặc dù duy trì được mức tăng trưởng cao trong thời gian dài nhưng quy mô nền kinh tế Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung còn tương đối nhỏ và chiếm tỉ trọng khá thấp trong nền kinh tế Việt Nam. Thu nhập bình quân đầu người còn thấp so với trung bình của cả nước. Nông nghiệp phát triển chưa bền vững, hiệu quả chưa cao, cơ cấu chuyển dịch chậm, chưa rõ nét. Một số địa phương tuy có số thu ngân sách lớn nhưng còn phụ thuộc nhiều vào một số doanh nghiệp lớn đóng trên địa bàn…
Có rất nhiều nguyên nhân, nhưng cũng giống như nhiều vùng kinh tế trọng điểm khác, một trong những nguyên nhân chính xuất phát từ việc liên kết phát triển vùng còn nhiều hạn chế. Liên kết vùng đang thiếu các hành lang pháp lý và cơ chế phối hợp, chế tài thực thi phù hợp. Hội đồng Vùng Kinh tế trọng điểm chưa có địa vị pháp lý đầy đủ, không đủ nguồn lực để điều phối sự phát triển chung của vùng, chưa có khả năng xây dựng định hướng, chiến lược, quy hoạch vùng; chưa được trao "quyền" trong việc quyết định các nguồn lực cho các dự án vùng.
Liên kết, phối hợp giữa các địa phương còn rời rạc, hình thức, chưa tạo ra sức mạnh tổng hợp vùng; năng lực, tư duy và trình độ quản lý vùng chưa theo kịp sự phát triển; hệ thống thông tin dữ liệu chung của vùng chưa được quan tâm; thiếu sự phân công giữa các địa phương trong vùng. Một số tài nguyên, nguồn lực bị khai thác manh mún nên hiệu quả thấp; liên kết các ngành, lĩnh vực, sản phẩm chưa đa dạng, chưa chặt chẽ; kết nối hạ tầng giao thông, cảng biển, đường sắt, đô thị còn bất cập… Đặc biệt, tư tưởng lợi ích theo địa giới hành chính còn tồn tại; hiện tượng mỗi địa phương là một nền kinh tế dẫn đến liên kết phát triển ít được quan tâm, thậm chí còn cạnh tranh với nhau làm triệt tiêu lợi thế của toàn vùng.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Phan Việt Cường cho rằng, trong bối cảnh hiện nay việc đẩy mạnh liên kết, hợp tác với các tỉnh trong Vùng theo nguyên tắc cùng nhau vượt qua khó khăn, cùng nhau có lợi, khai thác hiệu quả nhất kết cấu hạ tầng kết nối nội vùng, liên vùng; đồng thời, phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh các ngành, lĩnh vực nhằm tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương là hết sức cấp thiết.
"Việc tổ chức Tọa đàm lần này là cơ hội để chúng ta cùng nhau trao đổi, thảo luận các vấn đề cần quan tâm trong liên kết phát triển Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung; đưa ra các khuyến nghị nhằm thúc đẩy liên kết, phát triển Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung đi đúng hướng, thực sự trở thành vùng động lực, đầu tàu kinh tế mạnh, có sức lan tỏa lớn cho cả Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung và cả nước", Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam cho hay.
Trong khuôn khổ Tọa đàm, Bí thư 5 tỉnh, thành phố: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định đã đề cập tới nhiều nội dung được cho là khó khăn nhất, bế tắc nhất trong liên kết phát triển vùng. Thứ nhất, việc thành lập Hội đồng vùng hay Tổ điều phối vùng không phải là vấn đề quan trọng mà quan trọng là thể chế, cơ chế để các tổ chức này hoạt động. Bởi theo các đại biểu, khu vực miền Trung đã chủ động thành lập Ban điều phối vùng nhưng chỉ hoạt động thực chất được một thời gian, sau đó không phát huy được hiệu quả như kỳ vọng.
Thứ hai, phải có vai trò của Trung ương trong việc điều phối thì mới đủ thầm quyền, có hiệu lực, hiệu quả trong thực tiễn.
Thứ ba, cần phải có nguồn lực để đảm bảo cho Vùng Kinh tế trọng điểm. Bởi nếu đã xác định vùng trọng điểm thì phải có cơ chế để ưu tiên đột phá phát triển vùng trọng điểm, tạo sức lan tỏa và là động lực kích thích cho vùng kinh tế đã được xác định.
Thứ tư, có nên nghiên cứu phân lại vùng kinh tế trọng điểm. Bản thân 5 tỉnh, thành phố này không thể đủ sức để trở thành động lực cho cả khu vực miền Trung. Nên chăng phài tính đến cả các tỉnh Tây Nguyên. Hiện nay mới chỉ liên kết các tỉnh theo trục dọc, chưa có liên kết ngang.
Bên cạnh đó, Bí thư, Chủ tịch UBND 5 tỉnh, thành phố Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung, đại diện một số bộ, ngành cũng đã đi thẳng vào nhiều nội dung khác như: Đánh giá về tiềm năng, lợi thế của Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung; quy hoạch vùng tác động đến liên kết vùng; liên kết Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung đối với phát triển Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung và cả Vùng Duyên hải miền Trung trong bối cảnh mới; đề xuất một số phương án tổ chức bộ máy Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung trong thời gian tới…
Kết luận buổi Tọa đàm, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cho biết, Ban Kinh tế Trung ương được Bộ Chính trị giao chủ trì phối hợp với các Bộ ngành và các địa phương triển khai Đề án"Tổng kết thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2010 và Kết luận số 25-KL/TW, ngày 2/8/2012 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW". Nhiệm vụ và yêu cầu đặt ra của Ban Chỉ đạo khi thực hiện tổng kết là tham mưu, đề xuất được với Bộ Chính trị ban hành một Nghị quyết mới nhằm định hướng phát triển cho vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ trong thời gian tới, phù hợp với bối cảnh tình hình mới.
Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung là một bộ phận quan trọng của vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ với nhiều tiềm năng, lợi thế nên được Nghị quyết 39-NQ/TW đặt vào vị trí trung tâm và định hướng trở thành khu vực phát triển năng động với tốc độ nhanh và bền vững, là vùng động lực phát triển cho toàn vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ. Vì vậy, Tọa đàm hôm nay có ý nghĩa rất quan trọng, là cơ sở giúp Ban Chỉ đạo tổng kết, đánh giá lại kết quả phát triển của vùng trời gian qua và củng cố, hoàn thiện các định hướng phát triển vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ trong thời gian tới, đặc biệt là liên kết phát triển Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung.
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương giao Thường trực Tổ Biên tập chắt lọc kết quả Tọa đàm để lựa chọn, tổng hợp đảm bảo phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ tổng kết và tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư các chủ trương, định hướng nhằm phát triển vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ nói chung cũng như liên kết phát triển vùng nói riêng trong thời gian tới.
Nhật Anh