Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Các bác sĩ BV Nhi đồng Thành phố đang điều trị tích cực cho bệnh nhi sốc SXH nặng. Ảnh: TTXVN |
Nhận định tình trạng bệnh nhân đang diễn tiến phức tạp, mức độ thất thoát huyết tương nhiều mặc dù đã truyền một lượng lớn dung dịch cao phân tử, nguy cơ dẫn đến sốc kéo dài, suy đa cơ quan và suy hô hấp, BS. Lê Vũ Phượng Thy, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực-Chống độc cho biết, các bác sĩ đã quyết định phối hợp dung dịch Albumin 5% để chống sốc. Sau gần 3 ngày hồi sức tích cực, bệnh nhi đã ổn định huyết động, chức năng các cơ quan được bảo tồn.
Theo BS. Thy, ca bệnh này đánh dấu sự phối hợp nhiều điểm sáng mới trong điều trị các ca sốc SXH Dengue nguy kịch tại BV như áp dụng hiệu quả bộ dẫn lưu màng bụng đếm giọt kiểm soát tốc độ dẫn lưu dịch ổ bụng. Đây cũng là lần đầu tiên, các bác sĩ phối hợp dung dịch Albumin 5% và dung dịch cao phân tử với tỷ lệ phù hợp trong chống sốc SXH Dengue. Sau nhiều ngày kiên cường chiến đấu, bé gái đã bình phục ngoạn mục. Hiện bệnh nhi đã được cai máy thở, các chỉ số sức khỏe ổn định và dự kiến xuất viện trong thời gian tới.
Trước đó, vào giữa tháng 12/2020, BV Nhi đồng Thành phố cũng tiếp nhận một trường hợp tương tự, là bé trai D. T. T. (9 tuổi, ở Trà Vinh) bị sốc SXH nặng. Bệnh sử ghi nhận bệnh nhi sốt cao liên tục 3 ngày. Đến ngày thứ 4 bắt đầu có biểu hiện đau bụng, nôn, tay chân lạnh nên người nhà đưa trẻ đến BVĐK tỉnh Trà Vinh. Tại đây, các bác sĩ ghi nhận bệnh nhi rơi vào tình trạng sốc sâu, huyết áp kẹp tụt, cô đặc máu nặng, được chẩn đoán sốc SXH nặng ngày 4 điều trị tích cực truyền dịch chống sốc ban đầu sau đó chuyển đến BV Nhi đồng Thành phố.
Tại BV Nhi đồng Thành phố, các bác sĩ tiếp tục chống sốc với sự hỗ trợ của các phương tiện hiện đại như đo huyết áp động mạch xâm lấn, đo áp lực tĩnh mạch trung ương, dùng các thuốc vận mạch phối hợp… Bệnh nhi cũng được hỗ trợ hô hấp với thở áp lực dương liên tục, sau đó được đặt nội khí quản thở máy sớm. Bệnh nhi được truyền máu, huyết tương tươi đông lạnh, kết tủa lạnh, tiểu cầu đậm đặc nhằm giải quyết tình trạng rối loạn đông máu, xuất huyết tiêu hoá nặng. Tuy nhiên sau đó bệnh nhi có diễn tiến phức tạp, tổn thương gan, thận, suy hô hấp nặng, tràn dịch màng bụng, màng phổi lượng nhiều, được chọc dò màng bụng giải áp, điều chỉnh toan chuyển hóa, điều chỉnh rối loạn đông máu… Sau gần 2 tuần điều trị, bệnh nhi đã khỏe mạnh trở lại và xuất viện về nhà.
Phó Giám đốc BV Nhi đồng Thành phố Nguyễn Minh Tiến khuyến cáo, mặc dù thời điểm này bệnh SXH tại TPHCM và các tỉnh phía Nam đã giảm nhiệt, đi vào cuối mùa dịch, nhưng người dân không nên lơ là, chủ quan.
Ngoài tuân thủ các biện pháp phòng bệnh như diệt lăng quăng, diệt muỗi, ngủ màn, thì phụ huynh cũng cần theo dõi phát hiện các dấu hiệu sớm để đưa con em mình đến cơ sở y tế kịp thời khi trẻ mắc bệnh.
Nếu thấy trẻ sốt cao trên 2 ngày kèm các biểu hiện như quấy khóc, bứt rứt, khó chịu hoặc li bì, bỏ ăn uống, bỏ bú; trẻ đau bụng, nôn ói nhiều; chảy máu cam,chảy máu chân răng hoặc ói ra máu, tiêu phân đen… cần được đưa ngay đến các cơ sở y tế nhằm đề phòng trường hợp sốc do SXH sẽ nguy hiểm đến tính mạng.