Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Chia sẻ với báo chí về thành công này, PGS.TS. Trần Danh Cường, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết, quá trình điều trị, chăm sóc cho trẻ gặp nhiều giai đoạn rất khó khăn. Bệnh viện Phụ sản Trung ương đã phối hợp với Bệnh viện Việt Đức để giải quyết các bệnh ở cơ quan tiêu hoá cho bệnh nhi và đã điều trị thành công cho trẻ.
Trước đó, thai phụ (37 tuổi, ở Hà Nội) mang thai ở tuần 23 có dấu hiệu doạ sinh non. Khi thai 25 tuần tuổi, sản phụ sinh thường, trẻ nặng 600 gram - đây là trường hợp trẻ sinh cực kỳ non tháng (dưới 27 tuần thai). Trẻ là con thứ ba trong gia đình. Sau sinh, trẻ bị suy dinh dưỡng, suy hô hấp, thở nấc, phản xạ rất chậm. Trẻ được đặt nội khí quản, thở máy, bơm sunrfactant, điều trị nhiễm khuẩn sơ sinh sớm, nuôi dưỡng tĩnh mạch toàn phần sớm giờ đầu…
BS. Phạm Hoàng Thái (Trung tâm Chăm sóc và điều trị sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản Trung ương), người chăm sóc trực tiếp cho trẻ chia sẻ, đây là ca bệnh khá đặc biệt. Giai đoạn đầu trẻ được hồi sức sơ sinh ngay từ phòng đẻ, chống suy hô hấp, nuôi dưỡng tĩnh mạch toàn phần… Cuối giai đoạn đầu (khoảng sau 2 tuần) trẻ tăng từ 600 gram lên 700 gram.
Tuy nhiên, ở giai đoạn 2, trẻ được chẩn đoán viêm ruột hoại tử, sốc nhiễm trùng. Giai đoạn này trẻ được thở máy cao tần, nhịn ăn.
Các bác sĩ của 2 bệnh viện thường xuyên hội chẩn ca bệnh vì trẻ bị tắc ruột nhưng có đám ruột viêm cứng, chắc và có phản ứng thành bụng.
Ở giai đoạn 3, trẻ được chẩn đoán hẹp ruột sau viêm ruột hoại tử, chưa loại trừ vô hạch thần kinh toàn bộ đại tràng. Thời điểm này, trẻ không ăn được, phải ăn qua đường tiêu hoá ậm ạch, khó tiêu, bụng chướng… Các bác sĩ tiếp tục hội chẩn liên viện để đưa ra phương án điều trị tốt nhất cho trẻ.
Trẻ tiếp tục được nuôi ăn qua đường tiêu hoá một phần, nuôi dưỡng tĩnh mạch một phần, sử dụng sữa thuỷ phân hoàn toàn, kiểm soát dinh dưỡng và điều trị viêm phổi. Giai đoạn này, trẻ đã có phản xạ mút tự động, thích được ghép mẹ theo phương pháp Kangaroo.
Khó khăn tiếp tục xảy ra khi trẻ được mổ cắt đoạn hẹp ruột và nối lại ruột tại Bệnh viện Việt Đức.
PGS.TS. Nguyễn Việt Hoa, Trưởng Khoa Ngoại nhi (Bệnh viện Việt Đức) cho biết, trước đây, trên thế giới, tỉ lệ trẻ sơ sinh non yếu bị viêm ruột tử vong chiếm khoảng 70-80%. Hiện nay, tỉ lệ này còn 20-30% do sự phát triển của khoa học kỹ thuật.
Tuy nhiên, trường hợp như cháu bé sinh non 25 tuần này lại rất hiếm. Thông thường, khi trẻ bị viêm ruột hoại tử sẽ diễn biến đến thủng ruột, nhưng cháu bé này lại bị hẹp ruột (chỉ bằng 1/5 ruột của trẻ sơ sinh bình thường), nên trẻ vẫn ăn và tiêu hoá được nhưng rất chậm, tăng cân rất chậm. Nếu phẫu thuật cho cháu trong tình trạng nhiễm trùng thì nguy cơ tử vong rất cao.
Rất may mắn, trẻ được chăm sóc rất tốt ở giai đoạn sau nên đã được phẫu thuật thành công.
"Với các cháu sinh non, nặng 2 kg, việc chăm sóc sau sinh không có gì khó khăn. Nhưng với trẻ 1,5 kg việc chăm sóc khó khăn hơn rất nhiều. Còn với trẻ dưới 800 gram thì cần phải chăm sóc đặc biệt hơn hẳn. Ví dụ, ven của trẻ rất nhỏ, tìm khó, thậm chí không thể tìm được ven. Việc điều trị cho cháu bé thành công như hôm nay chứng tỏ rằng, các bác sĩ của Bệnh viện Phụ sản Trung ương chăm sóc trẻ sơ sinh vô cùng tốt", PGS.TS. Nguyễn Việt Hoa nhấn mạnh.
TS.BS. Lê Minh Trác, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc và điều trị trẻ sơ sinh (Bệnh viện Phụ sản Trung ương) cho biết, cái khó nhất ở trẻ cực kỳ non tháng và nhẹ cân là giữ được nhiệt độ ổn định, vì tốc độ hạ nhiệt độ ở trẻ rất nhanh, chỉ 10 phút cơ thể trẻ có thể hạ 0,5-1 độ C; chỉ 15-20 phút sau, cơ thể trẻ có thể hạ từ 37 xuống 35 độ C; nếu kéo dài thêm khoảng 30 phút nữa thì cơ thể trẻ có thể giảm còn 33-34 độ C.
"Cứ cơ thể hạ 1 độ C ở trẻ sơ sinh thì tỉ lệ tử vong ở trẻ tăng khoảng 25%. Vì vậy, việc khống chế được nhiệt độ cơ thể trẻ ở mức bình thường là rất khó khăn", TS.BS. Lê Minh Trác chia sẻ.
Khó khăn thứ 2, trẻ non tháng còn mắc bệnh xơ phổi, nên việc khống chế được hô hấp và tim mạch cho trẻ cũng không hề đơn giản.
Thứ 3 là làm sao chăm sóc dinh dưỡng để trẻ phát triển. Muốn nuôi dưỡng trẻ phát triển thì phải cho nhiều dịch, nhưng nhiều dịch thì nguy cơ suy tim cao, trẻ lại mắc phổi mạn tính nên khó lại chồng khó.
Theo các bác sĩ, đây là ca bệnh có thời gian điều trị lâu nhất tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, với 143 ngày điều trị. Bé đã trải qua 52 ngày thở máy xâm nhập, 10 lần truyền máu. Cháu nặng 2,2 kg, nhưng cân nặng hồ sơ tới hơn 4 kg.
Đến nay, cháu bé đã nặng 2,2 kg, ăn tốt, bú được mẹ, đã biết mỉm cười tự phát. Trong chiều nay (11/7), trẻ được xuất viện.
"Rất mừng là trẻ đã khoẻ mạnh và được về với gia đình", TS.BS. Lê Minh Trác xúc động.
Hiền Minh