Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Lỗ thủng tầng ozone |
Tuy nhiên, giới khoa học chưa thể kết luận đây có phải là kết quả của Nghị định thư Montreal hay không. Văn bản này được ký kết bởi tất cả các nước trên thế giới năm 1985 nhằm loại bỏ hợp chất chlorofluorocarbon (CFC) - nguyên nhân chính gây ra lỗ thủng tầng ozone.
Giờ đây, các quan sát vệ tinh dài hạn của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) cho thấy hàm lượng clo trong khí quyển Trái đất giảm xuống 20% kể từ năm 2005.
Đây là minh chứng chỉ ra rằng, hành động của toàn thế giới đang có một tác động đáng kể đến hành tinh này.
"Chúng tôi biết rất rõ nguyên tử clo trong hợp chất CFC là tác nhân làm thủng tầng ozone. Hiện tượng lỗ thủng tầng ozone hiện nay đang bị thu hẹp là do hàm lượng clo trong khí quyển giảm xuống", bà Susan Strahan, nhà khoa học khí quyển tại Trung tâm không gian Goddard của NASA ở Greenbelt, Maryland (Mỹ), cho biết.
Hợp chất CFC trước đây thường được sử dụng trong các bình xịt, tủ lạnh, máy điều hòa không khí. Khi các phân tử CFC bay đến tầng bình lưu, bức xạ tia cực tím Mặt trời sẽ phân tách chúng thành những nguyên tử clo. Sau đó, nguyên tử clo tham gia vào quá trình phá hủy phân tử ozone.
Tầng ozone bảo vệ sự sống trên Trái đất bằng cách hấp thụ tia cực tím có khả năng gây ung thư da, đục thủy tinh thể, ức chế hệ thống miễn dịch và làm tổn hại đến đời sống thực vật. NASA liên tục giám sát lỗ thủng tầng ozone bằng vệ tinh Aura kể từ năm 2005.
Tầng ozone dự kiến sẽ dần phục hồi trở lại khi CFC bị loại bỏ khỏi bầu khí quyển, nhưng quá trình này sẽ mất nhiều thập kỷ.
"Các phân tử CFC có tuổi thọ từ 50 đến 100 năm, vì vậy chúng tồn tại rất lâu trong bầu khí quyển. Lỗ thủng tầng ozone có thể biến mất vào năm 2060 hoặc 2080", bà Anne Douglass, đồng tác giả nghiên cứu tại NASA nhận định.
(theo KH&PT)