|
Ảnh: VGP/Nguyễn Thắng
|
Những ngày này, con đường trục chính xã Mỹ Thắng đã được đổ bê tông phẳng lì, trở nên chật hẹp hơn bởi những chiếc ô tô, xe máy của các thương lái nhiều nơi đổ về thu mua cá chép đỏ chuẩn bị cho ngày ông Công, ông Táo lên chầu Trời.
Nghề mới
Kết thúc năm 2014, chốt sổ sách, gia đình anh Trần Văn Hiền ở làng Kim thu về gần 1 tỷ đồng từ nghề nuôi cá. Trừ chi phí, anh cất trong két vài trăm triệu đồng. Ngày còn làm bạn với cây lúa, dù trong giấc mơ, anh cũng không dám nghĩ có ngày cầm trên tay số tiền lớn đến như vậy. Kinh tế gia đình anh đã chuyển mình từ con cá chỉ với 6 mẫu ao.
10 năm trước, anh bắt đầu khởi nghiệp nuôi cá. Các năm còn nuôi cá chép đỏ, mỗi dịp 23 tháng Chạp, anh đổ cho các đầu mối thu mua hơn 1 tấn loại cá này. 3 năm trở lại đây, anh chuyển sang nuôi cá chép cảnh của Nhật Bản, bán quanh năm với giá 200.000 đồng/cân.“Tôi đã đổi đời từ nghề nuôi cá, trong đó có con cá chép đỏ”, anh Hiền nói.
Không chỉ có anh Trần Văn Hiền, ở xã này có trên 50 hộ “sống khỏe” nhờ nuôi cá chép đỏ. Với thâm niêm khoảng 20 năm làm việc ở xã, ông Trần Xuân Thư, Phó Chủ tịch xã Mỹ Thắng vui ra mặt khi nói về con cá chép đỏ. Ông đã tận mắt chứng kiến nhiều nông dân trong xã có trong tay cả khoản tiền lớn sau mỗi vụ thu hoạch loại cá này phục vụ dịp Tết ông Công, ông Táo.
“Nuôi cá chép đỏ là một nghề mới của bà con trong xã, nhưng đã đem lại hiệu quả kinh tế khá cao. Trên cùng một diện tích, nuôi cá chép đỏ cho lợi nhuận cao gấp hơn 10 lần so với trồng lúa”, ông Thư cho hay.
Con cá chép đỏ có mặt ở xã Mỹ Thắng đã hơn 10 năm nay, nhưng độ 5 năm gần đây, nghề nuôi cá chép đỏ mới bắt đầu nở rộ khắp xã. Ban đầu, số hộ nuôi giống cá này chỉ đếm trên đầu ngón tay, đến nay, cả xã có khoảng 50 hộ nuôi, tập trung nhiều nhất ở làng Kim, làng Đoài.
Vào tháng 6 hằng năm, các hộ bắt đầu thả nuôi cá chép đỏ. Từ giữa tháng Chạp trở đi, không khí trong xã lại nhộn nhịp hẳn lên khi các thương lái khắp nơi đổ về đặt mua cá chép đỏ.
Hằng năm, các hộ nuôi cá ở xã Mỹ Thắng xuất ra thị trường hàng tấn cá chép đỏ. “Con cá chép đỏ đã phá thế độc canh cây lúa trong sản xuất nông nghiệp của xã. Nhiều hộ mở rộng diện tích nuôi cá mà vẫn không đủ bán cho các đầu mối thu mua. Cứ sắp đến ngày ông Công, ông Táo lên chầu Trời, ô tô, xe máy của tư thương lại về chật đường làng”, ông Thư cho biết.
Lộc lớn từ cá chép đỏ
Trước kia, những ao nuôi cá chép đỏ là vùng ruộng trũng, cấy một vụ lúa không ăn chắc. Người nông dân trong xã làm khu ruộng trũng đó chỉ lấy công làm lãi, nhiều người tính chuyện bỏ hoang vì công sức bỏ ra nhiều mà thóc chẳng được là bao.
Chính quyền địa phương đã chuyển những ruộng trũng đó thành ao nuôi trồng thủy sản. Quyết sách này rất hợp với lòng dân. Bà con khi có ao, lại nhạy bén với thời cuộc, “bắt mạch” được thị trường mấy năm gần đây có nhu cầu lớn về cá chép đỏ, nên loại cá này là lựa chọn số một của nhiều chủ ao.
“Kể từ ngày có mặt trong cơ cấu kinh tế của xã, con cá chép đỏ đã đem lại lộc lớn cho nhiều bà con nông dân. Túi tiền của các chủ ao có thêm nguồn thu ổn định”, ông Thư tâm sự. Nhiều nông dân quanh năm chân lấm tay bùn trong xã đã có của ăn của để kể từ khi nuôi cá chép đỏ.
Ở xã Mỹ Thắng, vợ chồng anh Trần Quốc Việt và chị Trần Thị Hoa nuôi cá chép đỏ có tiếng. Mấy năm gần đây, kinh tế gia đình anh khá lên trông thấy nhờ nghề nuôi cá.
Những ngày này, cả nhà anh bận rộn sớm tối chuẩn bị cho mùa cá chép cuối năm. Năm ngoái với giá 80.000 đồng/cân, gia đình anh bỏ túi 32 triệu đồng trong vòng một ngày.
Chị Hoa nhẩm tính: “Năm ngoái, tôi nuôi một ao cá chép đỏ với diện tích khoảng 1sào trong nửa năm cho thu nhập trên 30 triệu đồng. Các năm trước, làm ruộng diện tích nhiều gấp 5 lần, đánh vật cả năm với cây lúa mà chẳng để ra được mấy đồng”.
Trên đà thắng lợi, năm nay, vợ chồng chị nuôi thêm 3 ao cá chép đỏ. Dự tính sản lượng hơn 1 tấn. Với giá như năm ngoái lúc cao điểm là 85.000 đồng/ cân, anh chị có thể thu về gần 100 triệu đồng.
“Cá chép đỏ dễ nuôi, lại tốn ít thức ăn hơn nuôi cá trắm và một số loại cá khác thường nuôi nên lợi nhuận cao hơn. Quan trọng là thị trường luôn có nhu cầu lớn và ổn định. Năm nào nhà tôi cũng không đủ cá bán cho tư thương ở các tỉnh về mua”, chị Hoa chia sẻ.
Nguyễn Thắng