Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Mở đầu năm mới Bính Thân, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có bài viết “Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, cơ hội và thách thức-Hành động của chúng ta”.
Bài viết của người đứng đầu Chính phủ ngay sau khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được chính thức ký kết thể hiện cam kết mạnh mẽ và nghiêm túc của Việt Nam đối với cộng đồng TPP nói riêng và thế giới nói chung.
Nhưng quan trọng hơn, bài viết đã chuyển tải tới mọi người dân Việt Nam thông điệp rằng đã đến lúc chúng ta cần “xắn tay” hành động mạnh mẽ, quyết liệt và đồng bộ hơn để chuẩn bị tâm thế đĩnh đạc bước vào cuộc chơi mới với tầm vóc cao hơn, luật chơi sòng phẳng hơn và nhất là để tận dụng tốt hơn cơ hội và giảm thiểu thách thức mà TPP và hội nhập mang lại.
Lạc quan về TPP
Năm Bính Thân đã khởi đầu với nhiều biến động kinh tế toàn cầu, từ sự chao đảo của thị trường chứng khoán toàn cầu ngày 11/2 đến nguy cơ Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) hay giá dầu tiếp tục dò đáy mới. Cùng dư chấn của những chấn động mạnh mẽ trước đó, đặc biệt là sự cố phải đóng cửa sớm thị trường chứng khoán Trung Quốc ngày 4/1 và 7/1, các rủi ro kinh tế thế giới đầu năm đã gửi những tín hiệu đáng lo ngại về triển vọng kinh tế toàn cầu năm 2016.
Trong bức tranh ảm đạm đó nổi lên tia hy vọng lạc quan cho năm 2016 là dù “đầu không xuôi, nhưng đuôi có thể lọt”. Đó là sự kiện Hiệp định TPP mà Việt Nam là thành viên, được chính thức ký kết ngày 4/2/2016.
Như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh trong bài viết, khác những hiệp định thương mại hiện thời, TPP là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Tính bước ngoặt của TPP được thể hiện qua các điểm mới là tiếp cận thị trường một cách toàn diện, cam kết mang tính xuyên khu vực, giải quyết các thách thức mới của thương mại và tạo nền tảng cho hội nhập khu vực.
Vượt qua khuôn khổ một hiệp định kinh tế-thương mại về tầm vóc và tác động, mang nhiều ý nghĩa chiến lược lâu dài và sâu sắc và với tiêu chuẩn cao vượt trội cả về phạm vi và chiều sâu cam kết, TPP sẽ thiết lập “một trật tự mới” về kinh tế, thương mại toàn cầu, tác động mạnh đến các tiến trình liên kết kinh tế-thương mại như WTO, Hiệp định Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định Thương mại - Đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP), Khu vực thương mại tự do châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP)…
Với ý nghĩa như vậy, TPP được kỳ vọng góp phần tháo gỡ những điểm tắc nghẽn trong thương mại toàn cầu mà các liên kết kinh tế hiện thời chưa giải quyết tốt như nông nghiệp, dịch vụ... và từ đó thúc đẩy thương mại toàn cầu hiện đang trong giai đoạn trầm lắng.
TPP sẽ “nắn lại” chuỗi giá trị toàn cầu
Đối với tất cả các thành viên, chấp nhận cuộc chơi tức là chấp nhận cả phần hơn và phần thiệt vì lợi ích chung của tương lai thương mại, trước hết là của nhóm và mở rộng ra là cho thế giới. Tác động của TPP đối với các nước thành viên có thể tóm gọn theo ba khía cạnh như sau:
Thứ nhất, về khả năng tiếp cận thị trường: Thị trường của những mặt hàng có khả năng cạnh tranh sẽ được mở rộng trong khi thị phần của các mặt hàng kém cạnh tranh dần bị thu hẹp lại.
Thứ hai, về bảo hộ thị trường: Trong “thế giới phẳng” TPP, hàng rào thuế quan sẽ dần được xóa bỏ trong khi đó hàng rào phi thuế quan (hàng rào kỹ thuật, hàng rào xã hội, vấn đề lao động...) càng trở nên phức tạp.
Thứ ba, về chuỗi giá trị toàn cầu: Với thị trường chiếm 40% thương mại thế giới, TPP, với yêu cầu quy tắc xuất xứ, được dự báo là sẽ “nắn lại” chuỗi giá trị toàn cầu, theo đó sẽ dần dịch chuyển các công xưởng hiện tại ngoài TPP vào trong lãnh thổ của các nước thành viên TPP.
Các tác động này về cơ bản sẽ phân bổ cả cơ hội và thách thức không chỉ cho riêng Việt Nam mà cho tất cả các nước thành viên.
Về cơ hội, với Mỹ, TPP tạo dựng một hệ thống chuẩn mực tương đồng với Mỹ về sở hữu trí tuệ, cạnh tranh, lao động, môi trường, mua sắm chính phủ, doanh nghiệp nhà nước, thúc đẩy xuất khẩu, đầu tư dịch vụ, công nghệ thông tin…
Với Nhật Bản, TPP có ý nghĩa rất quan trọng, nhất là trong bối cảnh kinh tế Nhật Bản trì trệ, cải cách Abenomics chưa đạt kết quả như kỳ vọng; kỳ vọng mang nhiều lợi ích trong các ngành ô tô, dịch vụ (y tế, logistics, lưu kho, phân phối…).
Australia, New Zealand hưởng lợi trong các ngành có thế mạnh như thịt bò, sữa, rượu vang, đường, rau quả… Mexico kỳ vọng thúc đẩy thâm nhập thị trường châu Á trong các ngành ô tô, thịt lợn, hoa quả. Malaysia hưởng lợi từ lĩnh vực điện tử, hóa phẩm, dầu cọ, cao su, thu hút đầu tư…
Về thách thức, các chuyên gia lo ngại TPP có thể tăng sức ép cạnh tranh, gây tác động không thuận đối với nhóm yếu thế như doanh nghiệp vừa và nhỏ, nông dân và người nghèo.
Mỹ có thể gặp bất lợi ở nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ, các ngành công nghiệp ô tô và chế tạo nhỏ. Australia, New Zealand lo ngại đến thời hạn bảo hộ độc quyền dữ liệu sinh dược và cơ chế giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư và chính phủ (ISDS).
Đối với Canada, ngành phải chịu rủi ro là công nghiệp ô tô và sản phẩm sữa. Mexico, Peru, Chile quan ngại về thời hạn độc quyền dữ liệu sinh dược, đặc biệt đối với chăm sóc sức khỏe cho người nghèo.
Việt Nam sẽ đĩnh đạc vượt qua các nút thắt
Với Việt Nam, như bài viết của Thủ tướng đã chỉ rõ, xuất khẩu và đầu tư là hai điểm cộng rõ nhất nhờ TPP. Trong khi đó, cạnh tranh sẽ tạo sức ép không chỉ lên doanh nghiệp mà còn đối với Nhà nước trong việc chuẩn bị năng lực để xử lý các tác động không thuận đối với nhóm yếu thế và các vấn đề mới phát sinh như lao động, công đoàn...
Nếu thuận lợi, TPP sẽ có hiệu lực trong vòng 1,5-2 năm nữa. Điều đó có nghĩa là nhiều dòng thuế sẽ tiến về bằng 0 chỉ trong thời gian ngắn, trong khi sự chuẩn bị của Việt Nam vẫn còn khá hời hợt.
Do đó, bài viết của Thủ tướng ngay những ngày làm việc đầu năm mới ngụ ý kêu gọi các cấp, các ngành và mỗi người Việt Nam cần nhanh tay hành động, cải cách, tăng năng suất và sức cạnh tranh ở tất cả các cấp độ: doanh nghiệp (thông qua sản phẩm), quốc gia (Nhà nước) và cá nhân (người dân).
Ở cấp độ sản phẩm và doanh nghiệp, khoảng cách được-mất giữa sản phẩm cạnh tranh và không cạnh tranh được mở rộng, doanh nghiệp đứng trước sự lựa chọn là phải sáng tạo ra thành phẩm hoặc một bộ phận sản phẩm có khả năng cạnh tranh, vượt qua được các hàng rào phi thuế quan để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu hoặc bị đào thải khỏi thị trường.
Ở cấp độ quốc gia, Nhà nước cần cải cách, đổi mới thể chế quản trị theo hướng xây dựng nhà nước kiến tạo phát triển, tạo không gian tối đa cho thị trường và giảm thiểu can thiệp trực tiếp của Nhà nước lên điều hành kinh tế.
Ở cấp độ người dân, bản thân mỗi cá nhân người lao động cũng tự đào tạo, hoàn thiện mình để đáp ứng yêu cầu của hội nhập.
Việc chủ động quyết định tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, đặc biệt là TPP, đã cho thấy bản lĩnh chính trị, tư duy sắc bén và tầm nhìn thời đại của Đảng và Nhà nước. Thông điệp từ Thủ tướng trong bài viết cũng là của Đảng và Nhà nước trước thời cơ, vận hội mới của đất nước.
Khi cả nền kinh tế cùng đồng tâm dốc toàn lực cho cải cách thì Việt Nam không chỉ tự tin chuyển thuận lợi của TPP và các FTA thế hệ mới thành sức mạnh kinh tế, lợi ích và khả năng cạnh tranh như mong muốn của Thủ tướng mà còn có thể đĩnh đạc vượt qua các nút thắt bấy lâu nay và tiếp tục phát triển trong dài hạn, tránh được bẫy thu nhập trung bình và hướng tới mục tiêu cơ bản trở thành nước công nghiệp.
TPP và hội nhập không phải là đích đến của cải cách mà là động lực, chất xúc tác giúp đẩy nhanh quá trình cải cách để gây dựng “một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, tiến cùng thời đại, sánh vai với các cường quốc năm châu”.
ThS. Phan Lộc Kim Phúc
(Trưởng Phòng Nghiên cứu-Tổng hợp, Vụ Tổng hợp kinh tế, Bộ Ngoại giao)