Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Tiến sỹ Edward Miller cho rằng trên khắp thế giới, rất nhiều người nhìn nhận Trung Quốc là một cường quốc hiếu chiến can thiệp và nỗ lực lợi dụng các quốc gia khác. Động thái của Trung Quốc tại Biển Đông vừa qua là một phần trong nỗ lực lợi dụng ưu thế trong lĩnh vực quân sự tại Biển Đông.
Việc Trung Quốc đặt giàn khoan không vì mục đích kinh tế mà ẩn sau nó là động cơ chính trị. Tuy nhiên, cái giá mà Trung Quốc phải trả là danh tiếng trên vũ đài công luận quốc tế.
"Trong lĩnh vực công luận quốc tế, tôi cho rằng cảm tình đang thiên về phía Việt Nam. Nhiều người nhìn vào các hành động của Trung Quốc, không chỉ tại Biển Đông mà còn tại Biển Hoa Đông và họ thấy rằng Trung Quốc đang theo đuổi mô hình bành trướng trên biển. Đây là điều khiến nhiều người rất trong cộng đồng quốc tế nghi ngờ Trung Quốc. Đó là lợi thế của Việt Nam trong việc huy động sự ủng hộ của quốc tế đối với cuộc khủng hoảng hiện nay", ông Edward Miller nói.
Cũng theo Tiến sỹ Edward Miller, Việt Nam cần tập trung hơn nữa vào sự ủng hộ của công luận quốc tế, đồng thời việc sử dụng các thể chế pháp lý quốc tế cũng là bước đi mà Việt Nam có thể thực hiện. Biển Đông là nơi mà nhiều nước đều có lợi ích về thương mại và tự do hàng hải, do đó Việt Nam có thể tận dụng lợi thế để quốc tế hóa xung đột hiện nay nhằm gia tăng sức ép quốc tế đối với Trung Quốc.
Tới nay, xung đột chủ yếu tập trung vào vấn đề lãnh thổ và đây không phải là vấn đề quan trọng đối với các quốc gia trong ASEAN nói chung và với Mỹ nói riêng. Tuy nhiên, thương mại và tự do hàng hải là vấn đề quan trọng, và đó là lĩnh vực mà Việt Nam cần nhấn mạnh với ASEAN và với quốc tế.
Đánh giá về việc sử dụng sức mạnh quân sự trong khẳng định chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông, ông Edward Miller cho rằng một số nhà lãnh đạo Trung Quốc nhìn nhận trận hải chiến năm 1974 (Trung Quốc đánh chiếm Hoàng Sa của Việt Nam) là biểu tượng thành công trong chính sách của họ. Chính sách ngày nay của Trung Quốc dưới nhiều góc nhìn là sự mở rộng bài học mà họ rút ra từ cuộc chiến đó, đó là việc sử dụng sức mạnh để giành quyền kiểm soát.
Tiến sỹ Edward Miller cho rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục hành động như vậy, tiếp tục sử dụng lực lượng quân sự theo một cách có chủ ý, có sự tính toán để dần dần thay đổi hiện trạng.
Đánh giá về vai trò can dự của Mỹ đối với các tranh chấp trên biển tại khu vực, ông Edward Miller cho rằng Mỹ có lợi ích lớn và rất quan tâm tới vấn đề tự do hàng hải và giao thương trên Biển Đông. Các nhà lãnh đạo Mỹ đã hết sức quan ngại về hành động của Trung Quốc và vì thế đây cũng là cơ hội để Việt Nam có thể tranh thủ trong các nỗ lực đa phương nhằm gia tăng sức ép với Trung Quốc.
Theo Tiến sỹ Edward Miller, Việt Nam cần phải chuẩn bị trước phương án đối phó vì nhiều khả năng Trung Quốc sẽ tiếp tục hành động sử dụng giàn khoan trong tương lai.
"Tôi cho rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục hành động tương tự trong tương lai. Việc khoan dầu chỉ có thể thực hiện vào thời điểm nhất định trong năm do yếu tố thời tiết và nguy cơ bão. Tôi cho rằng hành động tương tự sẽ diễn ra vào mùa hè năm tới, vì thế Việt Nam cần phải chuẩn bị cho điều đó".
Đoạn clip về cảnh tàu Trung Quốc cố tình bám theo và đâm chìm tàu cá của Việt Nam đã được nhiều trang tin quốc tế như Daily Mail (Anh), Malaysia Online (Malaysia), hãng thông tấn CNN (Mỹ), Time of India (Ấn Độ)… đăng tải nhằm cho bạn đọc thấy được sự ngang ngược của Trung Quốc đối với nước láng giềng.
“Tất cả xuất phát từ cuộc chiến tài nguyên và không hiểu tại sao Trung Quốc lại có thể tuyên bố ngang nhiên như vậy khi vùng biển này rõ ràng là chủ quyền của Việt Nam”, cư dân mạng từ Singapore bình luận trên Daily Mail.
“Trung Quốc đang hành động như một tên bạo chúa vậy”, nickname SMB đến từ Liverpool (Anh) chia sẻ.
“Trong nhiều năm qua, ngư dân Việt Nam đã bị Trung Quốc giở thói côn đồ rất nhiều lần. Và đoạn video này đã phơi bày bản chất thực sự của Trung Quốc”, bạn đọc MaxFord viết.
Một bạn đọc chia sẻ trên Thời báo Ấn Độ, “Rõ ràng tàu Trung Quốc lớn hơn tàu Việt Nam rất nhiều và đã cố tình làm cho tàu Việt Nam không có lối thoát. Chỉ muốn nói một điều rằng “Trung Quốc đang cậy mình là một cường quốc”.
“Việt Nam đã từng đánh bại các cường quốc trên thế giới trong đó có Mỹ và họ đã giành lại những gì thuộc về họ. Nếu như Việt Nam đã “cắm cọc” ở đó thì Trung Quốc không thể tới mà xem như đó là điểm để đi dã ngoại được”, cư dân mạng Shug đến từ Sydney (Australia) bày tỏ ý kiến.
“Thế giới cần đoàn kết để dạy cho Trung Quốc một bài học làm thế nào để hành động có lương tâm. Sự can thiệp của Liên Hợp Quốc là cần thiết để cuộc khủng hoảng Trung-Việt sớm kết thúc”, dân mạng Kevin bày tỏ.
Theo báo mạng Touristiklounge.de chuyên về du lịch của Đức ngày 9/6, việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam theo UNCLOS năm 1982 là nguyên nhân dẫn tới căng thẳng giữa hai quốc gia láng giềng trong tháng qua.
Nguyễn Chiến (tổng hợp)