Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng truyền thống với nỗ lực đa dạng hóa sản phẩm |
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, một số mặt hàng có giá trị gia tăng cao hơn đã có vị trí tốt hơn trong xuất khẩu của Việt Nam. Chiến lược của nước ta chính là cần kết hợp việc tiếp tục tận dụng tốt nhất nguồn lực hiện có, thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng truyền thống với nỗ lực đa dạng hóa sản phẩm và nâng cao khả năng cạnh tranh không qua giá dựa trên cạnh tranh và việc thu hút hiệu quả hơn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Lợi thế so sánh động là lợi thế “cấp cao”, lợi thế phải có đầu tư lớn về vốn và tri thức mới (như đầu tư vào lao động với trình độ kỹ thuật và tri thức khoa học cao, cơ sở hạ tầng kinh tế hiện đại...).
Để đạt được lợi thế này, ngoài việc tận dụng triệt để và sử dụng hiệu quả các nguồn lực tự nhiên, chúng ta còn phải đầu tư không ngừng cho quá trình tiếp cận cái mới, cải thiện môi trường kinh tế, môi trường đầu tư…. có như vậy mới tạo ra được lợi thế tiềm năng làm cơ sở cho sự phát triển bền vững.
Các bài học quan trọng khác có thể rút ra là lợi thế so sánh tĩnh vốn có của đất nước đã được thể hiện tốt hơn khi hội nhập sâu rộng; bên cạnh đó việc gia nhập WTO cũng làm lộ rõ hơn những yếu kém, bất cập cố hữu của nền kinh tế, nhất là đối với việc đảm bảo sự phát triển nhanh, bền vững.
Sự kết hợp thực thi cam kết hội nhập và tận dụng hội nhập, việc gia nhập WTO để thúc đẩy xây dựng, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN chính là nhân tố quan trọng nhất tạo niềm tin vào tiềm năng phát triển và tiến trình cải cách kinh tế của Việt Nam và qua đó thúc đẩy đầu tư (nhất là FDI), kinh doanh phát triển.
Bên cạnh 3 "nút thắt cổ chai" cơ bản (những bất cập về cơ chế chính sách, kết cấu hạ tầng và nguồn nhân lực), Việt Nam cũng đang phải đối mặt với các rủi ro về kinh tế vĩ mô và gắn kết xã hội.
Trên cơ sở các bài học đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra những kiến nghị như cải cách cơ cấu, giải tỏa các "nút thắt cổ chai", ổn định kinh tế vĩ mô, gấp rút nghiên cứu và xây dựng có hiệu lực và hiệu quả cơ chế thực thi (gồm quy chế, quy trình và bộ máy tổ chức chỉ đạo, điều phối, phối hợp, thực hiện) và giám sát...
Đức Nguyễn