Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Trong một tuyên bố, Nhà Trắng cho biết Thủ tướng Anh và Thủ tướng Đức bày tỏ ủng hộ hành động của Mỹ và nhất trí với Tổng thống Trump về tầm quan trọng của việc buộc Tổng thống Bashar Al-Assad phải chịu trách nhiệm về vụ tấn công được cho sử dụng chất độc hóa học khiến hàng chục dân thường thiệt mạng.
Một thông cáo của Văn phòng Thủ tướng Anh cũng cho biết, Thủ tướng May và Tổng thống Trump đã nhất trí rằng đang có cơ hội để thuyết phục Nga cắt quan hệ với chính quyền Syria, cho rằng việc liên minh với Tổng thống Assad không còn là lợi ích chiến lược của Moscow nữa.
Liên quan chuyến thăm Moscow của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson, hai bên nhất trí chuyến công du này sẽ mở ra cơ hội tiến tới giải pháp chính trị lâu dài cho cuộc nội chiến kéo dài suốt 6 năm qua tại Syria.
Cùng ngày 10/4, người phát ngôn Nhà Trắng Sean Spicer cảnh báo Mỹ có thể phát động tấn công nhằm đáp trả các vụ tấn công sử dụng bom thùng và vũ khí hóa học tại Syria. Theo Tổ chức Giám sát nhân quyền Syria, việc sử dụng bom thùng thậm chí còn phổ biến hơn trong cuộc xung đột ở Syria. Khoảng 13.000 quả bom thùng đã được ném xuống Syria trong năm 2016, cướp đi sinh mạng của hàng trăm người.
Chỉ có thể là hòa đàm
Trong một diễn biến liên quan, TTXVN cho biết, phát biểu trước báo giới ngày 10/4, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nhận định việc Mỹ và các nước phương Tây liên tục kêu gọi Tổng thống Syria Bashar al-Assad từ chức sẽ không giúp giải quyết cuộc khủng hoảng tại "chảo lửa" Trung Đông này. Ông nhấn mạnh "không có sự lựa chọn nào khác" ngoài các cuộc hòa đàm tại Geneva, Thụy Sĩ và Astana.
Liên quan đến lịch trình của Ngoại trưởng Mỹ sắp tới, ông Peskov cho biết ông Rex Tillerson không có kế hoạch gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin khi ông đến thăm Moskva trong tuần này. Tuy nhiên, quan chức này cho hay Ngoại trưởng Tillerson sẽ gặp người đồng cấp Nga Sergei Lavrov.
Tình hình Syria hiện rất căng thẳng sau khi Mỹ phóng 59 quả tên lửa Tomahawk vào căn cứ Sharyat của Syria ở tỉnh Homs, khiến căn cứ này gần như bị phá hủy hoàn toàn. Hành động quân sự này của Mỹ diễn ra sau khi xảy ra vụ tấn công nghi sử dụng vũ khí vũ khí hóa học gây thương vong cho dân thường ở Syria hôm 4/4.
Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố đây là một hành động xâm lược một quốc gia có chủ quyền, vi phạm luật pháp quốc tế với một cái cớ bịa đặt.
Trong khi đó, Chính quyền Tổng thống Syria al-Assad cũng kiên quyết phủ nhận việc can dự vào cuộc tấn công nghi sử dụng vũ khí hóa học, khẳng định các lực lượng vũ trang Syria chưa bao giờ và cũng sẽ không bao giờ sử dụng vũ khí hóa học trong các cuộc tấn công.
Mở cuộc điều tra quốc tế
Bộ Ngoại giao Nga ngày 10/4 cho biết Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov thảo luận về tình hình Syria. Cuộc điện đàm diễn ra theo đề xuất của phía Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong cuộc điện đàm, Ngoại trưởng Nga nhấn mạnh cuộc oanh kích của Mỹ vào một căn cứ không quân của Syria với một cái cớ "tự nghĩ ra" là "không thể chấp nhận được" và khẳng định Moscow sẽ yêu cầu một cuộc điều tra quốc tế khách quan về vụ việc được cho là sử dụng vũ khí hóa học tại Idlib ngày 4/4.
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ cũng nhất trí cho rằng cần phải mở một cuộc điều tra như vậy.
Hai bên nhấn mạnh cuộc khủng hoảng Syria không thể giải quyết bằng biện pháp quân sự, cần hợp tác duy trì lệnh ngừng bắn và thúc đẩy tiến trình đàm phán giữa các bên Syria tại cả Astana và Geneva, Thụy Sĩ, theo các nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc và quyết định của Nhóm quốc tế hỗ trợ Syria./.