Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Quy hoạch phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh Long An đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 nêu rõ quan điểm phát triển của tỉnh sẽ tập trung vào 4 nội dung.
Thứ nhất, phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp Long An phù hợp trong tổng thể phát triển công nghiệp của cả nước, vùng và tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Long An; thể hiện những thế mạnh và nét đặc thù riêng của một tỉnh vừa thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, vừa thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Thứ hai, phát triển nhanh nhưng phải bảo đảm tính đồng bộ, cân đối, hiệu quả giữa sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp với xây dựng vùng nguyên liệu, cơ sở tồn trữ, thương mại hóa, đô thị vệ tinh dịch vụ công nghiệp. Bảo đảm đồng bộ giữa đầu tư vào các vùng - lĩnh vực phát triển mới kết hợp với rà soát, điều chỉnh, sắp xếp, tái cấu trúc các vùng - lĩnh vực đã phát triển, giữa phát triển quy mô sản xuất và tăng cường hàm lượng công nghệ.
Thứ ba, phát huy tối đa nội lực (vốn, tay nghề, quản lý, nguyên liệu) kết hợp tích cực thu hút đầu tư ngoại lực nhằm tăng trưởng nhanh và thu hút vốn, công nghệ, mở rộng thị trường.
Thứ tư ưu tiên thu hút đầu tư công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp tiên tiến, công nghiệp sạch, công nghiệp hỗ trợ. Phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp phải đảm bảo không làm thiệt hại và tổn thương đến môi trường, kinh tế nông nghiệp, du lịch và quốc phòng an ninh.
Theo Quy hoạch, định hướng tổng quát tầm nhìn đến năm 2030, Long An sẽ tập trung định hướng phát triển chính, gồm: Công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trong kỳ quy hoạch phát triển với vị trí, vai trò là lĩnh vực kinh tế chủ đạo trong tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, với tốc độ tăng trưởng cao và hợp lý trong từng giai đoạn, hàm lượng công nghệ và độ thân thiện với môi trường ngày càng gia tăng nhằm đóng góp tích cực vào tốc độ tăng trưởng chung của tỉnh.
Về cơ cấu ngành: Trên cơ sở phát triển phù hợp với vị trí địa lý, tiềm năng về tài nguyên, khả năng huy động nguyên liệu, nhân lực, phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh, lợi thế so sánh của tỉnh và trên cơ sở tích cực thu hút đầu tư, phát huy hiệu quả đầu tư về vốn, công nghệ, lao động chất lượng cao, định hướng tập trung vào các ngành công nghiệp chế biến thực phẩm và đồ uống, cơ khí chế tác, hóa chất - nhựa, bao bì - in, điện - điện tử, vật liệu xây dựng, công nghiệp phục vụ logistics, công nghiệp năng lượng sạch với quy mô, tốc độ hợp lý, đặc biệt chú trọng phát triển đa dạng các loại hình công nghiệp hỗ trợ.
Về nhiệm vụ trọng tâm: Rà soát, quy hoạch hợp lý và đầu tư hoàn chỉnh các khu, cụm công nghiệp kết hợp với các khu dân cư, khu đô thị dịch vụ công nghiệp và các kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ; kết hợp với việc sắp xếp tái phân bố và cải thiện điều kiện sản xuất tại các tuyến công nghiệp hiện có. Đồng thời, phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên các địa bàn còn lại theo hướng hỗ trợ, vệ tinh cho các vùng kinh tế công nghiệp động lực này.
Về thu hút và vận dụng các nguồn lực phát triển: một mặt phát huy tối đa nội lực, vận động nhiều thành phần kinh tế tham gia phát triển kinh tế nói chung và công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp nói riêng; mặt khác tích cực tạo ra môi trường thu hút đầu tư thuận lợi cho phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và các lĩnh vực hỗ trợ công nghiệp gắn liền với thị trường cả nước và quốc tế.
Về định hướng phát triển đồng bộ với các ngành và lĩnh vực khác: tích cực ứng dụng triển khai công nghệ theo hướng sạch và xanh, đào tạo và thu hút nguồn nhân lực, kiểm soát và hạn chế tối đa các tác động môi trường; phát triển ngành xây dựng, thương mại, dịch vụ nhằm hỗ trợ hình thành các khu, cụm công nghiệp, các vùng kinh tế công nghiệp động lực và mở rộng quan hệ thị trường tiêu thụ; phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, hệ thống kết cấu hạ tầng xã hội về giáo dục, y tế, văn hóa tại các khu dân cư và khu đô thị vệ tinh dịch vụ công nghiệp.
AS