Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và lãnh đạo tỉnh Long An tại phiên khai mạc Đại hội Đảng bộ tỉnh Long An nhiệm kỳ 2020-2025. Ảnh: VGP/Mạnh Hùng |
Phát biểu tại lễ khai mạc, Bí thư Tỉnh ủy Long An Phạm Văn Rạnh cho biết thực hiện Chỉ thị 35-CT/TW của Bộ Chính trị về tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng, dưới sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, đại hội các đảng bộ cơ sở và cấp trên cơ sở trong tỉnh đã diễn ra trong bầu không khí dân chủ, trí tuệ, trách nhiệm và thành công tốt đẹp.
Theo đồng chí Phạm Văn Rạnh, nhiệm kỳ 2015-2020, kinh tế Long An tăng trưởng nhanh và ổn định; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng định hướng; hầu hết các chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ khóa X đều đạt và vượt. Các chương trình đột phá, công trình trọng điểm đạt kết quả tích cực; kết cấu hạ tầng ngày càng hoàn thiện; diện mạo từ nông thôn đến thành thị có nhiều đổi mới, khởi sắc, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên; quốc phòng, an ninh được giữ vững.
Bí thư Tỉnh ủy Long An Phạm Văn Rạnh phát biểu khai mạc Đại hội. Ảnh: VGP/Mạnh Hùng |
Những thành tựu đạt được là to lớn và có ý nghĩa rất quan trọng, đưa Long An vươn lên mạnh mẽ, trở thành một trong những thành viên năng động, tích cực Vùng kinh tế trọng điểm phía nam và Vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, Bí thư Tỉnh ủy Long An cũng thẳng thắn nhìn nhận những khó khăn, hạn chế trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh gian qua. Đó là sự phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh; kinh tế tăng trưởng chưa thật sự bền vững; văn hóa - xã hội có mặt còn bất cập, đời sống một bộ phận nhân dân còn khó khăn; an ninh trật tự có nơi còn diễn biến phức tạp; hoạt động của hệ thống chính trị còn một số mặt chưa thật sự hiệu lực, hiệu quả... Đây là những vấn đề Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh cần khắc phục trong nhiệm kỳ tới.
Phát biểu chỉ đạo Đại hội, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú đánh giá cao sự phát triển của Long An trong nhiệm kỳ vừa qua. Trong đó, nổi bật là tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2016 - 2020 của Long An ước đạt khoảng 9,11%/năm; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch rõ nét, đúng hướng. Đời sống người dân ngày càng cải thiện, GRDP bình quân đầu người năm 2020 ước đạt 77 triệu đồng, gấp hơn 1,5 lần so với năm 2015.
Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu giai đoạn 2016-2020 đạt gần 25,3 tỷ USD, tăng trưởng khoảng 12%/năm. Thu ngân sách hằng năm tăng 12,8%, năm 2020 quy mô thu ngân sách ước đạt 1,78 lần so với năm 2015. Môi trường đầu tư ngày càng được cải thiện, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh luôn ở nhóm “tốt” đến “rất tốt”, đặc biệt năm 2018 đứng thứ 3 cả nước; chỉ số cải cách hành chính năm 2019 đứng thứ 5 cả nước.
An sinh, phúc lợi xã hội và đời sống nhân dân được bảo đảm. Công tác giảm nghèo, thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công, chăm sóc sức khỏe nhân dân được triển khai tích cực. Tỉ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 1,22%. Đến nay, cơ bản không còn gia đình chính sách, người có công, hộ nghèo gặp khó khăn về nhà ở.
Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị đạt nhiều kết quả tích cực. Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ được nâng lên; hoạt động của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp có nhiều đổi mới, phát huy được sức mạnh tổng hợp để thực hiện hoàn thành xuất sắc các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.
Những thành tích, kết quả nêu trên đã đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của đất nước; tạo nền tảng, tiền đề quan trọng để Long An phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới.
Đồng chí Trần Cẩm Tú phát biểu chỉ đạo tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Long An nhiệm kỳ 2020-2025. Ảnh: VGP/Mạnh Hùng |
Theo đồng chí Trần Cẩm Tú, Long An là tỉnh nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía nam, cửa ngõ từ Thành phố Hồ Chí Minh và miền Đông Nam Bộ đi các tỉnh miền Tây Nam Bộ; có biên giới, cửa khẩu và cảng quốc tế; có lợi thế về phát triển công nghiệp, thương mại - dịch vụ và nông nghiệp công nghệ cao. Người dân Long An có truyền thống anh dũng, kiên cường, năng động, sáng tạo. Đây là những điều kiện thuận lợi để Long An tiếp tục phát triển nhanh hơn, mạnh hơn trong những năm tới.
Tán thành với phương hướng, nhiệm vụ trong nhiệm kỳ tới của Đảng bộ tỉnh Long An, đồng chí Trần Cẩm Tú đề nghị Đại hội thảo luận, đề ra những giải pháp thiết thực, khả thi, phấn đấu thực hiện cho bằng được mục tiêu Long An giữ vững vị trí dẫn đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và trở thành tỉnh phát triển khá trong Vùng kinh tế trọng điểm phía nam trước năm 2030.
Theo đó, Long An cần có giải pháp quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa để khơi dậy và phát huy tối đa mọi nguồn lực, nhất là nội lực và những tiềm năng, lợi thế riêng có để đưa Long An phát triển nhanh, bền vững, có bước đột phá.
Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư có tiềm năng, công nghệ cao, thân thiện với môi trường, tạo ra các sản phẩm có sức cạnh tranh, giá trị gia tăng cao. Huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là hệ thống giao thông kết nối vùng, liên vùng đồng bộ, hiện đại, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Với tư duy và tầm nhìn mới, kế thừa và phát huy những thành tựu quan trọng đã đạt được trong nhiệm kỳ vừa qua, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương tin tưởng trong nhiệm kỳ tới, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Long An sẽ thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI đề ra, xây dựng Long An tiếp tục giữ vững vị trí dẫn đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và sớm trở thành tỉnh phát triển khá trong Vùng kinh tế trọng điểm phía nam, góp phần xây dựng một nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Các chỉ tiêu chủ yếu giai đoạn 2020-2025 của tỉnh Long An
Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân 5 năm giai đoạn 2021-2025 đạt 9,2-10%. Cơ cấu kinh tế: Nông - Lâm - Thủy sản, Công nghiệp - Xây dựng, Thương mại - Dịch vụ đến năm 2025 lần lượt chiếm 10%, 60,5%, 29,5% trong cơ cấu GRDP. GRDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt 115-120 triệu đồng. Tì lệ vốn đầu tư xã hội trên GRDP đạt bình quân 31-33%. Tỉ lệ tăng thu ngân sách Nhà nước bình quân 12%/năm; phấn đấu tăng tỉ lệ chi đầu tư phát triển hằng năm trong tổng chi ngân sách. |
Mạnh Hùng