Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Bài viết mở đầu bằng cách ví von: Khi một người đàn ông trung niên, béo phì, cố chạy theo xe buýt, bất chợt thấy khó thở và đột tử do nhồi máu cơ tim. Nguyên nhân cái chết có rất nhiều: Có thể ông ta hút thuốc nhiều, có thể ông ta bị bệnh tiểu đường, bệnh cao huyết áp, có thể ông ta ăn quá mặn hay quá béo, hoặc do yếu tố di truyền…Trong vô vàn nguyên nhân đó, rất khó xác định nguyên nhân thật sự gây ra cái chết của ông ta, thế nhưng có một điều chắc chắn là, càng có nhiều nhân tố nguy hiểm, thì nguy cơ đe dọa càng cao.
Tương tự như vậy, trong lĩnh vực môi trường, nhiều người thắc mắc liệu hiện tượng hạn hán hay mưa lũ có phải bắt nguồn từ việc nóng lên của trái đất ? Các nhà khoa học đều nhất trí cho rằng, việc khí thải gây hiệu ứng nhà kính được thải vào thiên nhiên ngày càng nhiều có thể không trực tiếp dẫn đến diễn biến bất thường của thời tiết. Thế nhưng, đó là một yếu tố góp phần làm gia tăng nguy cơ.
Cụ thể tại Thái Lan, từ mùa hè vừa rồi, nhiều trận mưa lớn đổ xuống các vùng cao nguyên dẫn đến việc mực nước các con sông sau đó cao lên, gây đe dọa cho cả Bangkok . Đây rõ ràng là một hiện tượng thiên nhiên. Thế nhưng, không chỉ có thiên nhiên đe dọa các thành phố duyên hải như Bangkok . Nên nhớ rằng, từ bao đời nay, châu Á đã sống chung với hiện tượng gió mùa và lũ lụt. Tuy nhiên, trước khi xuất hiện các thành phố lớn như Bangkok , Jakarta hay Calcutta , thì thiên tai chỉ ảnh hưởng rất ít người. Trong khi đó, hiện tại, có quá nhiều khu đô thị đông dân cư, nhiều cao ốc nặng trĩu… khiến cho nhiều triệu người bị vạ lây. Như vậy, đô thị lớn giống như bệnh cao huyết áp, gây hại nghiêm trọng cho sức khỏe con người.
Bên cạnh đó, hiện tượng thay đổi khí hậu là một yếu tố nguy cơ khác. Các nhà khoa học đã chứng minh rằng, mấy năm gần đây, ngày càng có nhiều trận mưa lớn, mà nguyên nhân chủ yếu là do hiện tượng nóng lên của trái đất gắn liền với sinh hoạt của con người. Mực nước biển sẽ dâng cao, theo dự phòng, từ đây đến năm 2100 sẽ tăng thêm 1m. Vì thế, các con sông sẽ tháo lũ vào đại dương chậm hơn.
Một hậu quả khác của hiện tượng trái đất nóng lên, đó là giông bão ngày càng nhiều do lòng đại dương nóng dần. Tức là, bão ngoài khơi sẽ mạnh hơn và sẽ làm cho nước tràn bờ. Theo kinh nghiệm thì thủy triều dâng còn nguy hại hơn là gió và mưa.
Tờ báo nhắc lại, vừa rồi tại bang Texas của Mỹ đã diễn ra một mùa hè nóng nhất từ trước đến nay. Rồi ở miền Trung Mỹ, mưa lũ hoành hành. Rõ ràng đấy là hiện tượng thiên nhiên, cũng giống như có nhiều người có lối sống quy củ mà vẫn bị nhồi máu cơ tim. Thế nhưng, hiện tượng trái đất nóng lên là một yếu tố bổ sung, mà hiện tượng này lại là do con người gây ra. Từ đó, nguy cơ thiên tai ngày càng cao.
Cuối cùng, tờ báo kết luận: nếu chúng ta cứ tiếp tục thải vào thiên nhiên khí thải gây hiệu ứng nhà kính, thì chúng ta sẽ tiếp tục bị mất mát.
Phương Linh