• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Lựa chọn khác cho vấn đề bức xúc của Thủ đô

(Chinhphu.vn) - Hà Nội sẽ có thêm một nguồn cung cấp nước sạch từ Công ty CP Nước mặt sông Hồng, do một doanh nghiệp tư nhân góp tới 79% số vốn.

26/10/2015 16:42

Ảnh minh họa.

Trong những năm gần đây, cùng với tốc độ đô thị hóa mạnh mẽ, nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân tại các khu đô thị mới cũng như các huyện ngoại thành Hà Nội ngày càng lớn. Hiện nay, tổng công suất cấp nước của hệ thống cấp nước đô thị tại Hà Nội đạt trung bình khoảng trên 1.008.500 m3/ngày.

Thế nhưng con số này vẫn “không thấm vào đâu”, khi theo quy hoạch cấp nước được phê duyệt tại Quyết định số 499/QĐ-TTg ngày 21/03/2013 của Thủ tướng Chính phủ, đến năm 2020, nhu cầu dùng nước trung bình tại đô thị và khu vực nông thôn liền kề của Hà Nội lên đến 1.287.000 m3/ngày và đến năm 2030 là 1.939.000 m3/ngày.

Cân đối nhu cầu và công suất hiện có của các nhà máy xử lý nước trên địa bàn cho thấy, để đáp ứng nhu cầu dùng nước giai đoạn 2020 và 2030, Hà Nội cần phải xây dựng thêm một số nhà máy nước có công suất lớn sử dụng nguồn nước mặt.

Thêm vào đó, các dịch vụ cung cấp nước sạch hiện vẫn còn không ít bất cập, mà 15 lần vỡ đường ống dẫn nước từ Hòa Bình về Hà Nội là ví dụ, ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt của người dân. Hồi đầu tháng 10 này, đường ống dẫn nước số 2 từ Hòa Bình về Hà Nội đã chính thức được khởi công, nhưng rõ ràng ngay cả khi công trình này được đưa vào sử dụng thì việc đáp ứng nhu cầu nước lên tới vài triệu m3 trong tương lai gần vẫn là một bài toán không dễ giải.

Trước tình hình đó, cộng thêm với yêu cầu giảm dần việc khai thác nước ngầm, Hà Nội đã đẩy nhanh việc xây dựng thêm những nhà máy xử lý nước sử dụng nguồn nước mặt. Một trong những dự án đang được gấp rút triển khai là Nhà máy nước mặt sông Hồng.

Tại cuộc họp trung tuần tháng 7/2015, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng đã giao các đơn vị liên quan phải động thổ xây dựng nhà máy này trong tháng 10/2015. Tại cuộc họp sau đó vào đầu tháng 9/2015, ông Nguyễn Quốc Hùng tiếp tục yêu cầu các đơn vị liên quan phải hoàn tất thủ tục thành lập Công ty CP Nước mặt sông Hồng, đồng thời yêu cầu Sở Quy hoạch-Kiến trúc hoàn thành quy hoạch tổng thể mặt bằng của dự án làm cơ sở để triển khai các bước tiếp theo.

Phó Chủ tịch TP. Hà Nội cũng giao các đơn vị liên quan triển khai lấy ý kiến cộng đồng theo đúng quy định, công bố quy hoạch tổng thể mặt bằng cũng như giải quyết các thủ tục liên quan đến thu hồi đất, giao để thực hiện giải phóng mặt bằng phục vụ dự án.

Trước đòi hỏi bức thiết của thực tế và sự chỉ đạo sát sao của Thành phố, Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội nhận thấy sự cần thiết thành lập một công ty liên kết để thu hút các nguồn lực, kinh nghiệm quản lý, máy móc thiết bị hiện đại của các đối tác bên ngoài. Công ty CP Nước mặt sông Hồng đã được thành lập bởi 3 pháp nhân, gồm Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội (20% vốn), Công ty CP Thành Long (79%) và Công ty CP Đầu tư xây dựng và Hạ tầng nước sạch Hà Nội (1%).

Công ty này sẽ xây dựng Nhà máy Nước mặt sông Hồng số vốn 3.692 tỉ đồng, công suất thiết kế giai đoạn 1 là 300.000 m3/ngày đêm, quy mô xây dựng trên diện tích 20,5 ha tại huyện Đan Phượng. Nhà máy sử dụng dây chuyền thiết bị hiện đại, áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong công tác xử lý và phân phối nước sạch.

Khi đi vào hoạt động, nguồn nước từ đây sẽ được cấp cho người dân tại các khu vực trung tâm và đáp ứng một phần nhu cầu tại các khu vực chưa có hệ thống cấp nước như khu vực phía Tây đường vành đai 3, phía Bắc Quốc lộ 32 thuộc quận Bắc Từ Liêm, huyện Đan Phượng và hỗ trợ cấp nước cho huyện Hoài Đức.

Mới đây, trao đổi với Báo điện tử Chính phủ, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đặng Huy Đông đã khẳng định rằng việc mạnh dạn cho khu vực tư nhân tham gia cung cấp các dịch vụ công là hết sức cần thiết. Hiện Bộ KH&ĐT đang dự thảo Quyết định thay thế Quyết định 37/2014/QĐ-TTg về tiêu chí, danh mục phân loại doanh nghiệp nhà nước, theo hướng thu hẹp hơn nữa các dịch vụ do doanh nghiệp nhà nước cung cấp, triển khai quyết liệt hơn nữa chủ trương doanh nghiệp nhà nước chỉ làm những phần công việc, những dịch vụ công mà khu vực tư nhân không làm được.

Cấp nước sạch chính là lĩnh vực mà Thứ trưởng Đặng Huy Đông đề cập như một ví dụ điển hình cho chủ trương trên. Do băn khoăn đây là dịch vụ thiết yếu của xã hội, một số thành phố lo ngại rằng để tư nhân làm thì sẽ có vấn đề về chất lượng hay giá thành. Nhưng thực tế chứng minh ngược lại, chẳng hạn tỉnh Hà Nam đã mạnh dạn cổ phần hóa, chuyển toàn bộ dịch vụ này cho khu vực tư nhân thực hiện.

“Do lo trách nhiệm pháp lý rất cao, nên ngày nào họ cũng lấy phải mẫu chất lượng nước. Đồng thời, họ cũng giảm được thất thoát và thực hiện đúng cam kết với chính quyền là bảo đảm chất lượng và giá thành không vượt trần. Có thể nói khu vực tư nhân đã làm rất tốt”, Thứ trưởng Đặng Huy Đông cho biết.

Rõ ràng là sự tham gia rộng rãi hơn của khu vực tư nhân sẽ khiến dịch vụ cung cấp nước sạch tại Hà Nội có thêm tính cạnh tranh và người dân sẽ được hưởng lợi.

Từ Lương