Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Bộ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo Đào Ngọc Dung và Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê K’đăm đồng chủ trì buổi làm việc - Ảnh: VGP/Sơn Hào
Bộ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo Đào Ngọc Dung nhấn mạnh điều này tại buổi làm việc giữa Bộ Dân tộc và Tôn giáo và Thường trực Hội đồng Dân tộc của Quốc hội về một số nhiệm vụ trọng tâm liên quan đến công tác dân tộc và chính sách dân tộc, chiều ngày 4/2.
Theo báo cáo của Bộ Dân tộc và Tôn giáo, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS và MN) giai đoạn I (2021-2025) thời gian qua đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương vùng đồng bào DTTS và MN.
Tỉ lệ hộ nghèo vùng đồng bào DTTS giảm bình quân gần 4%/năm, cao hơn so với tỉ lệ giảm nghèo chung của cả nước, góp phần thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng, đóng góp quan trọng vào sự phát triển bền vững và thịnh vượng chung của đất nước.
Tuy nhiên, trong 9 nhóm mục tiêu cụ thể được Quốc hội giao tại Nghị quyết số 120/2020/QH14, có 6 nhóm mục tiêu cơ bản hoàn thành và vượt mục tiêu đề ra, còn 3 nhóm mục tiêu chưa đạt, gồm: Nhóm mục tiêu về cải thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội ở các xã đặc biệt khó khăn (khu vực III) và thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào DTTS và MN; nhóm mục tiêu số xã, thôn ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn; nhóm mục tiêu về công tác định canh, định cư, giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất cho đồng bào.
Chỉ ra những khó khăn, vướng mắc khi thực hiện Chương trình, Thứ trưởng Bộ Dân Tộc và Tôn giáo Y Vinh Tơr cho biết, do Chương trình thực hiện tập trung chủ yếu trên địa bàn có địa hình hiểm trở, dễ bị ảnh hưởng bởi thiên tai, như lũ quét, sạt lơ đất, hạn hán... gây trở ngại lớn trong việc triển khai các dự án hạ tầng và phát triển kinh tế.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê K'đăm: "Cần có sự điều chỉnh linh hoạt trong chính sách và cách thức triển khai" - Ảnh: VGP/Sơn Hào
Bên cạnh đó, trình độ học vấn và tay nghề của lao động địa phương thấp, gây khó khăn trong việc áp dụng các mô hình sản xuất mới, công nghệ hiện đại vào sản xuất nông nghiệp và kinh doanh.
Đặc biệt, điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội... của địa bàn thực hiện Chương trình có khác nhau giữa các vùng miền; trong khi nội dung, cơ chế phân bổ nguồn lực của Chương trình được xây dựng cho tất cả các địa phương, dẫn đến việc triển khai chưa phù hợp với thực tiễn từng địa phương.
Ngoài ra, một số nội dung thuộc Chương trình triển khai chậm do còn gặp khó khăn vướng mắc liên quan đến các quy định, hướng dẫn về cơ chế chính sách. Cụ thể, còn 2 hoạt động là phát triển, nhân rộng mô hình tiết kiệm và tín dụng tự quản để tăng cường tiếp cận tín dụng, và hỗ trợ đầu tư có thu hồi vốn theo hộ hoặc cộng đồng chưa triển khai được.
Hay trong quá trình triển khai thực hiện văn bản hướng dẫn của cấp Trung ương, nhiều địa phương còn lúng túng, đôi chỗ còn có nhiều cách hiểu khác nhau trong quá trình nghiên cứu, vận dụng triển khai các quy định, văn bản hướng dẫn nên mất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện và công tác giải ngân vốn…
Bộ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo Đào Ngọc Dung: "Phải ưu tiên lựa chọn một số vấn đề có tính chất cốt lõi, dành riêng cho đồng bào DTTS" - Ảnh: VGP/Sơn Hào
Theo Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê K'đăm, từ những khó trên đòi hỏi trong xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và MN giai đoạn II (2026-2030) cần có sự điều chỉnh linh hoạt trong chính sách và cách thức triển khai để bảo đảm tính hiệu quả; phải lọc lại để từ đó xác định lại các tiêu chí.
Việc triển khai Chương trình cũng phải bám sát các mục tiêu theo Nghị quyết số 88/2019/QH14 của Quốc hội. Nếu cảm thấy không còn phù hợp thì chúng ta đề nghị điều chỉnh, bởi vì bối cảnh lúc xây dựng Nghị quyết số 88/2019/QH14 khác bây giờ.
Bên cạnh đó, chúng ta cần hoàn thiện các báo cáo tổng kết Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về công tác dân tộc, từ đó làm cơ sở tham mưu ban hành nghị quyết mới. Việc này sẽ tạo ra cơ sở chính trị mới rất đầy đủ cho thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc trong giai đoạn mới.
Bộ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, định hướng Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và MN giai đoạn II (2026-2030) sẽ tập trung trên nguyên tắc phân công, phân cấp, phân quyền, phân nguồn lực cho địa phương mạnh hơn, đặc biệt là cấp xã.
Trung ương không làm thay mà chỉ tập trung vào một số việc quan trọng, như xây dựng chính sách; xây dựng mô hình điểm; kiểm tra, giám sát, tổng kết và đánh giá.
Việc triển khai Chương trình tập trung vào 5 vấn đề thiết yếu, gồm: Đầu tư xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng vùng đồng bào DTTS và MN; hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập của đồng bào DTTS; phát triển nguồn nhân lực; hỗ trợ DTTS có khó khăn đặc biệt, DTTS ít người; tuyên truyền, truyền thông và kiểm tra giám sát việc thực hiện.
"Đặc biệt, phải ưu tiên lựa chọn một số vấn đề có tính chất cốt lõi, dành riêng cho đồng bào DTTS và các vấn đề liên quan đến an sinh xã hội như y tế, giáo dục, bảo vệ bản sắc văn hóa...", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.
Sơn Hào