Lựa chọn thành lập doanh nghiệp làm chủ đầu tư cấp 1 cho đề án chuyển đổi KCN Biên Hòa 1
Sáng nay 15-2, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Minh Phúc đã có buổi làm việc với các sở, ngành, Tổng công ty Phát triển Khu công nghiệp (Sonadezi) và UBND thành phố Biên Hòa về đề án chuyển đổi Khu công nghiệp Biên Hòa 1 thành Khu Đô thị - Dịch vụ - Thương mại.
Dự án khu đô thị mới được thành lập có quy mô đất khoảng 324 ha, dự kiến tổng mức đầu tư gần 15 ngàn tỷ đồng. Trong đó chia làm 3 giai đoạn gồm: giai đoạn 1 (2012-2013) xây dựng khu vực phía Tây Nam và một phần khu vực phía Đông Bắc của khu đất quy hoạch. Giai đoạn 2 (2014-2017) xây dựng khu vực phía Tây dọc bờ sông Cái, khu vực trung tâm giáp với trục cảnh quan chính và khu vực phía Đông Bắc của khu đất quy hoạch. Giai đoạn 3 (2018-2022) đầu tư xây dựng toàn bộ khu vực còn lại trong phạm vi khu công nghiệp Biên Hòa 1.
Về phương án kinh doanh, Công ty Sonadezi đề xuất 3 phương án, trong đó phương án 1 sẽ thành lập công ty cổ phần làm chủ đầu tư cấp 1 chịu trách nhiệm quy hoạch chung toàn khu, đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng chung và công trình công cộng, chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã hoàn tất hạ tầng cho chủ đầu tư cấp 2 tiếp tục đầu tư kinh doanh theo quy hoạch…; phương án 2 là các nhà đầu tư có đất tự thực hiện dự án; phương án 3 là một số nhà đầu tư có đất tự thực hiện dự án và thành lập công ty cổ phần làm chủ đầu tư cấp 1.
Trong đó kiến nghị tỉnh chọn phương án 1 để thực hiện đề án do phương án này có những ưu điểm như: chủ đầu tư cấp 1 tổ chức thực hiện đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật và các tiện ích công cộng khác, thực hiện di dời theo từng giai đoạn nên tạo được sự đồng bộ khi thực hiện đề án, đảm bảo tính công bằng cho các doanh nghiệp di dời, đảm bảo được nguồn tài chính để thực hiện dự án theo đúng tiến độ… Tuy nhiên phương án này cũng có nhược điểm là không tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có đất tự thực hiện chuyển đổi ngay theo quy hoạch, gây ra áp lực về vốn cho chủ đầu tư cấp 1, do đó cần kiến nghị các cơ chế, chính sách hỗ trợ đặc thù.
Về phương án di dời và hỗ trợ tái sản xuất cho các doanh nghiệp đang hoạt động trong khu công nghiệp, bên cạnh chi phí bồi thường và chính sách hỗ trợ di dời theo quy định hiện hành của nhà nước kết hợp với các chính sách ưu đãi của Trung ương và của tỉnh thì các doanh nghiệp còn được hưởng ưu đãi về phí sử dụng mặt bằng công nghiệp, phần chênh lệch giá thuê đất, thuê hạ tầng tương ứng với thời gian còn lại theo hợp đồng của các doanh nghiệp tại Khu công nghiệp Biên H 1. Dự kiến KCN Giang Điền là vị trí sản xuất mới ưu tiên bố trí cho các doanh nghiệp di dời.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Phó chủ tịch Trần Minh Phúc đồng tình với phương án 1 do phía công ty nêu ra, tuy nhiên phó chủ tịch cũng đề nghị, công ty cần rà soát, hoàn chỉnh lại một số nội dung trong đề án, theo đó tập trung phân tích thêm các nội dung trong phương án thực hiện, chú ý đến các cơ chế ưu tiên đặc thù khi thực hiện đề án, lựa chọn thành lập công ty cổ phần để làm nhà đầu tư cấp 1. Kết hợp ưu tiên cho các doanh nghiệp có đủ điều kiện và khả năng tài chính để tự đầu tư kinh doanh theo quy hoạch phê duyệt. Ngoài ra, đề án cũng cần rà soát lại các cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp nằm trong diện di dời, bổ sung và làm rõ thêm một số nội dung về phương án huy động vốn để thực hiện dự án.
Đến thời điểm hiện tại, tổng số doanh nghiệp trong KCN Biên Hòa 1 là 104 doanh nghiệp, trong đó có 97 doanh nghiệp đang hoạt động, 7 doanh nghiệp ngừng hoạt động với tổng vốn đầu tư tính đến hết năm 2009 là gần 7 ngàn tỷ đồng. Tổng diện tích đất của các doanh nghiệp khoảng 229,54 ha, định giá tài sản cố định khoảng 2,8 ngàn tỷ đồng. Tổng số lao động của 69/75 doanh nghiệp được khảo sát khoảng 19,3 ngàn người.
Thanh Minh