Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Chiều 22/6, với 83,6% tổng số đại biểu tán thành, kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới đã trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự luật, trong đó có nội dung về cấp bậc hàm cao nhất đối với một số chức vụ, chức danh của sĩ quan công an.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, có ý kiến đề nghị quy định số lượng vị trí cấp tướng theo tỉ lệ phần trăm trên tổng quân số và quy định số lượng tướng trong thời bình cho phù hợp. Trong khi cũng có ý kiến đề nghị không nên khống chế số lượng vị trí cấp tướng.
Mặt khác, một số ý kiến đề nghị bổ sung quy định sĩ quan biệt phái được bầu giữ chức vụ Phó Chủ tịch Quốc hội có cấp bậc hàm cao nhất là đại tướng.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, các ý kiến trên có cơ sở, nhưng việc xác định số lượng vị trí cấp tướng đã được xem xét, đánh giá thận trọng, kỹ lưỡng, đặt trong tổng thể tương quan với số lượng vị trí cấp tướng quân đội và đã được cấp có thẩm quyền quyết định.
Luật Công an nhân dân hiện hành đã quy định 199 vị trí có cấp bậc hàm cấp tướng. Dự luật bổ sung 6 vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là cấp tướng là đủ số lượng vị trí theo quyết định của cấp có thẩm quyền. Vì vậy Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị giữ nguyên như dự Luật.
"Đối với trường hợp sĩ quan công an nhân dân biệt phái được bầu giữ chức vụ Phó Chủ tịch Quốc hội thì sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định cấp bậc hàm cao nhất theo quy định tại Khoản 3, Điều 25 của luật hiện hành", ông Tới nói.
Luật Công an nhân dân sửa đổi vừa được thông qua đã quy định bổ sung 6 vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là cấp tướng trong công an nhân dân. Trong đó một vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là thượng tướng và 5 vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là thiếu tướng.
Sĩ quan công an biệt phái được phê chuẩn chức vụ Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội có hàm cao nhất là thượng tướng.
5 vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là thiếu tướng, gồm Hiệu trưởng Trường Đại học Cảnh sát nhân dân, Hiệu trưởng Trường Đại học An ninh nhân dân, một trợ lý Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an và hai vị trí phó cục trưởng tại đơn vị trực thuộc Bộ Công an.
Tại Luật Công an nhân dân sửa đổi cũng tăng hạn tuổi phục vụ cao nhất của hạ sĩ quan, sĩ quan Công an nhân dân. Cụ thể:
Theo đó, hạn tuổi phục vụ cao nhất của hạ sĩ quan, sĩ quan công an nhân dân đối với hạ sĩ quan là 47 tuổi; cấp úy là 55 tuổi; thiếu tá, trung tá đối với nam là 57 tuổi, nữ là 55 tuổi; thượng tá đối với nam là 60 tuổi, nữ là 58 tuổi; đại tá đối với nam là 62 tuổi, đối với nữ là 60 tuổi… Đối với sĩ quan công an nhân dân là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, chuyên gia cao cấp có thể được kéo dài tuổi phục vụ hơn 62 đối với nam và hơn 60 đối với nữ theo quy định của Chính phủ.
Bên cạnh đó, Luật cũng quy định hạn tuổi phục vụ cao nhất của công nhân công an đối với nam là 62 tuổi và nữ là 60 tuổi và thực hiện theo lộ trình về tuổi nghỉ hưu đối với người lao động như quy định của Bộ luật Lao động; công nhân công an được áp dụng chế độ, chính sách như đối với công nhân quốc phòng.
Hạn tuổi phục vụ cao nhất của nam sĩ quan đại tá và cấp tướng, nữ sĩ quan cấp hàm thượng tá và đại tá thực hiện theo lộ trình về tuổi nghỉ hưu đối với người lao động như quy định của Bộ luật Lao động. Chính phủ quy định chi tiết khoản này.
Luật sửa đổi vừa được thông qua quy định tăng thêm 2 tuổi phục vụ của sĩ quan, hạ sĩ quan trong công an. Riêng nữ sĩ quan có cấp bậc hàm đại tá tăng 5 tuổi, nữ sĩ quan có cấp bậc hàm thượng tá tăng 3 tuổi và nữ sĩ quan cấp tướng vẫn giữ nguyên 60 tuổi như hiện hành.
Luật Công an nhân dân sửa đổi có hiệu lực thi hành từ ngày 15/8/2023.
LS