Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Tổng Bí thư Tô Lâm cho rằng việc sửa đổi Luật Đấu thầu và các luật liên quan là yêu cầu cấp bách để tháo gỡ những điểm trũng về giải ngân đầu tư công và hợp tác công - tư, tránh lãng phí nguồn lực.
Đây không đơn thuần là những khiếm khuyết về mặt kỹ thuật pháp lý, mà là những điểm nghẽn thực sự của thể chế – cản trở sự vận hành hiệu quả của Nhà nước và sự phát triển của nền kinh tế.
Việc sửa đổi Luật Đấu thầu vì vậy không thể chỉ dừng ở mức điều chỉnh quy trình, mà phải được tiếp cận như một cuộc cải cách thể chế khẩn cấp – nhằm bảo đảm tính hiệu lực của chính sách công, khơi thông các nguồn lực phát triển và tăng cường niềm tin vào bộ máy công quyền.
Thứ nhất, quy trình đấu thầu hiện nay quá phức tạp và cứng nhắc, dẫn đến việc trì hoãn triển khai hàng loạt dự án đầu tư công. Từ lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu, đến phê duyệt hồ sơ mời thầu, đánh giá, thẩm định, phê duyệt kết quả… đều trải qua nhiều tầng nấc, mất nhiều tháng, thậm chí hàng năm. Hệ quả là nền kinh tế đánh mất các cơ hội tăng trưởng trong ngắn hạn, và năng suất quốc gia bị suy giảm trong dài hạn.
Thứ hai, quy định lấy tiêu chí "giá thấp nhất" làm ưu tiên hàng đầu trong xét thầu đã trực tiếp ảnh hưởng đến chất lượng công trình. Khi năng lực nhà thầu không tương xứng với quy mô dự án, và chi phí bị cắt giảm tối đa để trúng thầu, thì hệ quả tất yếu là công trình bị xuống cấp, đội vốn, thậm chí phải sửa chữa ngay sau khi hoàn thành. Điều này vừa gây thiệt hại ngân sách, vừa làm tổn hại đến lòng tin của nhân dân.
Thứ ba, tình trạng hủy thầu, đấu thầu lại, hoặc nhà thầu bỏ dở giữa chừng đang trở nên phổ biến, gây lãng phí cả về thời gian, nhân lực và chi phí xã hội. Theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, chỉ riêng năm 2023, có hàng nghìn gói thầu không thể triển khai đúng tiến độ, làm chậm chuỗi cung ứng và ảnh hưởng tới nhiều lĩnh vực liên quan.
Thứ tư, không ít cán bộ, kể cả những người có trách nhiệm và thiện chí, đã bị xử lý kỷ luật hoặc truy tố vì những sai phạm trong quá trình đấu thầu. Một phần vì quy định chưa rõ ràng, thường xuyên thay đổi; một phần vì áp lực hoàn thành nhiệm vụ trong khi thiếu công cụ pháp lý linh hoạt. Kết quả là xuất hiện tâm lý né tránh, sợ ký, sợ chịu trách nhiệm – gây ra tình trạng "đóng băng hành động" trong hệ thống công quyền.
Quy trình đấu thầu hiện nay quá phức tạp và cứng nhắc, dẫn đến việc trì hoãn triển khai hàng loạt dự án đầu tư công
Thứ năm, Luật Đấu thầu chưa phân biệt rõ giữa các lĩnh vực có tính chất đặc thù cao như y tế, quốc phòng, khoa học – công nghệ. Việc áp dụng cùng một quy trình cứng nhắc cho mọi loại hình dự án khiến các ngành này không thể ứng phó nhanh khi có tình huống khẩn cấp hoặc nhu cầu đặc thù. Đặc biệt, sau đại dịch COVID-19, tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế tại nhiều bệnh viện đã cho thấy rõ sự lúng túng và bế tắc của hệ thống đấu thầu hiện hành. Chúng ta tự trói chúng ta, tự làm khổ chúng ta.
Thứ sáu, Luật hiện chưa có cơ chế đầy đủ để đánh giá hiệu quả thực hiện thực tế của các nhà thầu sau khi trúng thầu. Không có hệ thống xếp hạng nhà thầu, không có dữ liệu cập nhật, không có chế tài rõ ràng với các đơn vị thi công kém chất lượng. Điều này dẫn đến thực trạng có nhà thầu yếu vẫn tiếp tục trúng thầu ở các dự án khác, tạo ra vòng luẩn quẩn của sự kém hiệu quả và lãng phí.
Thứ bảy, cơ chế giám sát xã hội đối với đấu thầu còn rất hạn chế. Việc kiểm tra, thanh tra vẫn mang tính nội bộ, thiếu vai trò của tổ chức độc lập, hiệp hội nghề nghiệp, báo chí và người dân. Trong khi đó, một số vụ tiêu cực lớn chỉ bị phát hiện khi đã gây hậu quả nghiêm trọng. Nếu có cơ chế cảnh báo sớm và giám sát độc lập từ ban đầu, hệ thống đấu thầu đã có thể tự điều chỉnh sớm hơn.
Trước tình trạng này, cần tiến hành một cuộc cải cách mang tính hệ thống, dựa trên các nguyên tắc đã được thực tiễn quốc tế chứng minh là hiệu quả:
Thứ nhất, chuyển từ tiêu chí "giá thấp nhất" sang mô hình "giá trị tốt nhất" (value for money), đánh giá tổng thể hồ sơ dự thầu dựa trên chất lượng, tiến độ, chi phí vòng đời và hiệu quả kinh tế – xã hội.
Thứ hai, phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về đấu thầu, tích hợp đấu thầu điện tử toàn diện (e-GP) như các nước Hàn Quốc, Singapore, Chile đã triển khai, giúp giảm chi phí, tăng minh bạch và rút ngắn thời gian xét thầu.
Thứ ba, phân cấp mạnh mẽ hơn cho các chủ đầu tư, song song với đó là cơ chế hậu kiểm thông minh, chấm điểm tín nhiệm và đánh giá trách nhiệm theo kết quả cuối cùng và hiệu quả đầu tư của dự án.
Thứ tư, bổ sung khung pháp lý linh hoạt và thiết kế quy trình đấu thầu đặc thù đối với các lĩnh vực nhạy cảm hoặc cấp bách, có quy mô lớn và rủi ro cao, nhưng luôn kèm cơ chế giám sát công khai và chế tài rõ ràng.
Thứ năm, thiết lập Hội đồng giám sát đấu thầu độc lập, có sự tham gia của chuyên gia, hiệp hội ngành nghề và đại diện xã hội, nhằm bảo đảm liêm chính, công bằng và phát hiện bất thường ngay từ đầu.
Cải cách Luật Đấu thầu không còn là một lựa chọn chính sách, mà là một nhu cầu cấp bách của cải cách thể chế
Cải cách Luật Đấu thầu không còn là một lựa chọn chính sách, mà là một nhu cầu cấp bách của cải cách thể chế. Một đạo luật nếu tiếp tục cản trở hành động, làm tê liệt cán bộ, gây lãng phí nguồn lực và làm suy giảm lòng tin thì phải được sửa đổi ngay, một cách quyết liệt và toàn diện.
Tổng Bí thư Tô Lâm đã đưa ra cảnh báo không thể rõ ràng hơn tại diễn đàn Quốc hội. Đây chính là thời điểm cần sự vào cuộc khẩn trương của cả hệ thống chính trị. Chúng ta không thể phát triển với một đạo luật trói tay người làm và mở đường cho những kẽ hở của lợi ích nhóm.
Cải cách Luật Đấu thầu là một thử thách thể chế trong giai đoạn hiện nay, nhưng cũng là cơ hội để góp phần đưanViệt Nam bước vào kỷ nguyên quản trị hiện đại – nơi pháp luật không chỉ là rào chắn phòng ngừa, mà còn là động lực kiến tạo phát triển.
TS. Nguyễn Sĩ Dũng