• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Luật sư Nguyễn Hữu Thọ - Trái tim lớn dành trọn cho sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc

(Chinhphu.vn) - Luật sư Nguyễn Hữu Thọ không chỉ là nhà lãnh đạo tài ba trên mặt trận chính trị, ngoại giao mà còn là biểu tượng của sự tập hợp, quy tụ mọi lực lượng yêu nước, không phân biệt thành phần xã hội, tôn giáo, dân tộc, cùng chung một lòng đấu tranh vì mục tiêu chung giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

10/07/2025 16:00
Luật sư Nguyễn Hữu Thọ - Trái tim lớn dành trọn cho sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc- Ảnh 1.

Lễ tuyên thệ của Đoàn Chủ tịch và Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tại Đại hội lần thứ I, tháng 2/1962. Luật sư Nguyễn Hữu Thọ được bầu làm Chủ tịch - Ảnh tư liệu

Từ trái tim người trí thức yêu nước đến ngọn cờ đoàn kết

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình công chức trung lưu tại làng Long Phú, tổng Long Hưng Hạ, quận Trung Quận, tỉnh Chợ Lớn (nay thuộc thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An) vào ngày 10/7/1910, Nguyễn Hữu Thọ sớm mang trong mình dòng máu yêu nước và tinh thần dân tộc. Vượt qua những khó khăn của thời cuộc, chàng thanh niên Nguyễn Hữu Thọ sang Pháp học tập và trở thành một luật sư tài giỏi, có uy tín lớn không chỉ trong giới trí thức mà còn trong đông đảo quần chúng lao khổ.

Ngay từ khi còn hành nghề luật sư tại Sài Gòn những năm 1930-1940, trái tim ông đã luôn hướng về những người dân nghèo, những nạn nhân của chế độ thực dân áp bức. Văn phòng luật của ông không chỉ là nơi thực thi công lý mà còn trở thành điểm tựa cho những người yếu thế. Ông không ngần ngại dùng kiến thức pháp luật và uy tín cá nhân để bênh vực quyền lợi cho công nhân, nông dân, trí thức và cả những chiến sĩ cách mạng bị địch bắt bớ, tù đày. Chính những hoạt động đầy nghĩa hiệp và thấm đẫm tinh thần dân tộc này đã gieo mầm cho uy tín và ảnh hưởng sâu rộng của Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, biến ông thành một biểu tượng của lương tri và khát vọng công lý ngay giữa lòng xã hội thuộc địa đầy rẫy bất công.

Cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công như một luồng sinh khí mới thổi bùng ngọn lửa yêu nước trong ông. Luật sư Nguyễn Hữu Thọ hăng hái tham gia các hoạt động cách mạng, trở thành một trí thức tiêu biểu đi theo tiếng gọi của Tổ quốc. Khi thực dân Pháp quay lại xâm lược, ông đã không chọn con đường an phận của một luật sư danh tiếng mà dấn thân vào cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc.

Bước ngoặt lớn đánh dấu vai trò tập hợp, đoàn kết các lực lượng yêu nước của Luật sư Nguyễn Hữu Thọ chính là cuộc vận động tổ chức tang lễ Trần Văn Ơn (từ ngày 10 đến 12/01/1950). Lễ tang trở thành cuộc biểu dương lực lượng yêu nước của quần chúng. Ban tổ chức tang lễ Trần Văn Ơn sau đó đổi thành Phái đoàn đại biểu các giới để đấu tranh với chính quyền thực dân xâm lược và tay sai.

Bất bình trước hành động can thiệp, đe dọa trắng trợn của Mỹ với việc đưa tàu chiến, máy bay, binh lính Mỹ đến Sài Gòn, bất chấp lệnh giới nghiêm của cảnh sát, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ nhân danh Phái đoàn đại biểu các giới phát động hàng chục vạn đồng bào Sài Gòn tổ chức mít tinh ngày 19/3/1950 phản đối sự có mặt của quân đội Mỹ. Bài diễn thuyết của ông đã truyền lửa, kêu gọi nhân dân phát huy tinh thần chống xâm lược, trực diện đối đầu với Mỹ. Sự kiện này không chỉ buộc tàu Mỹ rút lui mà còn khai sinh Ngày toàn quốc chống Mỹ, minh chứng cho khả năng tổ chức và lãnh đạo quần chúng xuất sắc của ông.

Mặc dù bị bắt giam và đưa đi quản thúc nhiều năm sau đó, uy tín và ảnh hưởng của Luật sư Nguyễn Hữu Thọ không hề suy giảm mà ngày càng lan tỏa, trở thành niềm tin, hy vọng của các tầng lớp nhân dân yêu chuộng hòa bình, độc lập ở miền Nam.

Những năm tháng bị quản thúc tại Bản Giẳng, Mường Tè, Lai Châu (1950 - 11/1952) và lưu đày tại Củng Sơn, Tuy Hòa, Phú Yên (11/1954 - 10/1961) không làm lung lay ý chí sắt đá của người trí thức yêu nước. Nơi đây, ông vẫn bí mật liên lạc với các tổ chức cách mạng, tiếp tục nung nấu quyết tâm đấu tranh. Chính trong gian khó, phẩm chất kiên trung, khí phách hiên ngang và tấm lòng vì dân, vì nước của ông càng tỏa sáng, thu phục nhân tâm, cảm hóa cả những người làm nhiệm vụ canh giữ mình.

Luật sư Nguyễn Hữu Thọ - Trái tim lớn dành trọn cho sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc- Ảnh 2.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam Nguyễn Hữu Thọ thăm một đơn vị quân Giải phóng ở vùng giải phóng, năm 1965 - Ảnh tư liệu

Ngọn cờ tập hợp lực lượng trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước

Tháng 10/1961, cuộc giải thoát ngoạn mục do Liên khu ủy V và Tỉnh ủy Phú Yên tổ chức đã đưa Luật sư Nguyễn Hữu Thọ về với căn cứ cách mạng. Sự kiện này không chỉ là một chiến công vang dội mà còn có ý nghĩa chính trị vô cùng to lớn. Nó đáp ứng sự mong đợi của đồng bào, chiến sĩ miền Nam về một người lãnh đạo đủ đức, đủ tài, đủ uy tín để đứng đầu Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam - tổ chức đại diện cho ý chí và nguyện vọng đoàn kết đấu tranh của toàn dân miền Nam.

Tháng 02/1962, tại Đại hội lần thứ nhất Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ đã được tín nhiệm cử làm Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận. Đây là sự ghi nhận xứng đáng cho quá trình phấn đấu không mệt mỏi và uy tín lớn lao của ông. Trên cương vị mới, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ đã cùng tập thể lãnh đạo Mặt trận giương cao ngọn cờ đại đoàn kết, tập hợp mọi lực lượng yêu nước, không phân biệt thành phần xã hội, dân tộc, tôn giáo, đảng phái chính trị, cùng đứng lên chống Mỹ và tay sai, vì độc lập dân tộc, hòa bình và thống nhất Tổ quốc.

Hình ảnh vị luật sư đáng kính, từ bỏ cuộc sống sung túc, dấn thân vào cuộc kháng chiến gian khổ, trở thành linh hồn của Mặt trận đã có sức cổ vũ, hiệu triệu mạnh mẽ. Ông đi sâu đi sát cơ sở, gặp gỡ đại biểu các tầng lớp nhân dân, các dân tộc, tôn giáo… lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, giải quyết những vướng mắc, củng cố niềm tin và khối đoàn kết trong Mặt trận. Ông đặc biệt quan tâm đến việc đoàn kết các nhân sĩ, trí thức, các chức sắc tôn giáo, những người có uy tín trong xã hội, khơi dậy lòng yêu nước và tinh thần dân tộc trong họ, động viên họ đóng góp sức mình cho sự nghiệp chung.

Cương lĩnh của Mặt trận, với mục tiêu rõ ràng là đánh đuổi đế quốc Mỹ xâm lược, lật đổ chế độ tay sai, xây dựng một miền Nam độc lập, dân chủ, hòa bình, trung lập, tiến tới thống nhất Tổ quốc, đã đáp ứng được khát vọng cháy bỏng của mọi tầng lớp nhân dân. Dưới sự lãnh đạo của Mặt trận, mà người đứng đầu là Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc ở miền Nam đã được phát huy cao độ, tạo thành vành đai vững chắc, thành trì kiên cố của thế trận lòng dân, góp phần quyết định vào thắng lợi của cuộc kháng chiến.

Năm 1969, khi Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam được thành lập, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ được cử giữ chức Chủ tịch Hội đồng cố vấn. Đây tiếp tục là sự khẳng định vai trò trung tâm, biểu tượng cho khối đại đoàn kết và ý chí đấu tranh của nhân dân miền Nam trên cả mặt trận quân sự, chính trị và ngoại giao. Tiếng nói của Mặt trận và Chính phủ Cách mạng lâm thời, đại diện là Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, ngày càng có trọng lượng trên trường quốc tế, tranh thủ được sự ủng hộ rộng rãi của bạn bè năm châu.

Trong suốt những năm tháng kháng chiến ác liệt, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ luôn là hiện thân của tinh thần đoàn kết, hòa hợp dân tộc. Ông không chỉ là nhà lãnh đạo tài ba mà còn là một người đồng chí, người bạn chân thành, gần gũi, giản dị, luôn quan tâm đến đời sống của cán bộ, chiến sĩ và đồng bào. Phong cách sống và làm việc mẫu mực của ông đã lan tỏa, tạo nên sức mạnh tinh thần to lớn, gắn kết mọi người thành một khối thống nhất.

Luật sư Nguyễn Hữu Thọ - Trái tim lớn dành trọn cho sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc- Ảnh 3.

Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ đọc diễn văn chào mừng chiến thắng, thống nhất đất nước ngày 15/5/1975 - Ảnh tư liệu.

Người kiến tạo và củng cố khối đại đoàn kết trong hòa bình, thống nhất

Sau Đại thắng Mùa Xuân năm 1975, non sông thu về một mối, đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên hòa bình, độc lập, thống nhất và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ hàn gắn vết thương chiến tranh, hòa hợp dân tộc, xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Với uy tín và kinh nghiệm dày dạn trong công tác Mặt trận, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ tiếp tục được Đảng và Nhà nước tin tưởng giao phó những trọng trách quan trọng.

Luật sư Nguyễn Hữu Thọ được nhân dân bầu làm đại biểu Quốc hội các khóa VI, VII, VIII; được Quốc hội tín nhiệm bầu làm Phó Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (tháng 6/1976); Quyền Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (tháng 4/1980); Chủ tịch Quốc hội và Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (tháng 7/1981). Dù ở cương vị nào, ông cũng luôn dành nhiều tâm huyết cho sự nghiệp đại đoàn kết. Ông tích cực tham gia vào quá trình xây dựng Hiến pháp năm 1980 và các bộ luật quan trọng, góp phần tạo dựng nền tảng pháp lý vững chắc cho Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đảm bảo quyền làm chủ của nhân dân, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Đặc biệt, dấu ấn sâu đậm nhất của Luật sư Nguyễn Hữu Thọ trong sự nghiệp đại đoàn kết thời kỳ đất nước đã hòa bình, thống nhất là trên cương vị người đứng đầu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Tháng 2/1977, tại Đại hội thống nhất các tổ chức Mặt trận cả nước, ông được cử làm Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Từ năm 1988 đến 1994, ông giữ cương vị Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đại hội IV Mặt trận Tổ quốc Việt Nam suy tôn ông là Chủ tịch danh dự Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Là người chèo lái con thuyền Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong giai đoạn đất nước thực hiện công cuộc đổi mới, phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức cả trong nước và quốc tế, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ đã có những đóng góp to lớn trong việc củng cố và mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Ông cùng với Ban Thường trực và Đoàn Chủ tịch Mặt trận không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, hướng mạnh về cơ sở, đa dạng hóa các hình thức tập hợp nhân dân.

Ông đặc biệt quan tâm đến việc phát huy vai trò của các tổ chức thành viên, các nhân sĩ, trí thức, các chức sắc tôn giáo, người tiêu biểu trong các dân tộc thiểu số, kiều bào ta ở nước ngoài... trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ông thường xuyên đi thăm hỏi, tiếp xúc, lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, kịp thời phản ánh với Đảng, Nhà nước để có những chính sách phù hợp, giải quyết những vấn đề bức xúc trong xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và sự nghiệp đổi mới.

Dưới sự lãnh đạo của ông, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã thực sự trở thành mái nhà chung, nơi hội tụ tinh hoa đoàn kết của dân tộc, là cầu nối vững chắc giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân. Các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động lớn do Mặt trận phát động đã đi vào chiều sâu, có sức lan tỏa mạnh mẽ, khơi dậy tinh thần tương thân tương ái, giúp đỡ lẫn nhau, góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, an ninh quốc phòng.

Luật sư Nguyễn Hữu Thọ không chỉ là nhà lãnh đạo Mặt trận xuất sắc mà còn là một nhà ngoại giao nhân dân tài ba. Với uy tín quốc tế và sự hiểu biết sâu rộng, ông đã có nhiều đóng góp trong việc mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức nhân dân các nước, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè thế giới cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Cuộc đời và sự nghiệp của Luật sư Nguyễn Hữu Thọ là một tấm gương ngời sáng về lòng yêu nước nồng nàn, ý chí cách mạng kiên cường, tinh thần cống hiến không mệt mỏi và trên hết là sự gắn bó máu thịt với Nhân dân, niềm tin sắt đá vào sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Từ một luật sư, trí thức danh tiếng ở Sài Gòn, ông đã trở thành ngọn cờ tập hợp các lực lượng yêu nước ở miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, rồi tiếp tục là người kiến tạo, củng cố và phát huy sức mạnh đại đoàn kết trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cuộc đời ông là minh chứng hùng hồn cho chân lý: Đoàn kết là sức mạnh vô địch. Dù ở bất kỳ giai đoạn nào của cách mạng, dù trong chiến tranh hay hòa bình, khối đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng luôn là nhân tố quyết định mọi thắng lợi. Luật sư Nguyễn Hữu Thọ chính là một trong những người tiêu biểu nhất đã dành trọn cuộc đời mình để vun đắp, xây dựng nên sức mạnh vĩ đại đó./.

Chu Văn Khánh