Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) gồm 04 chương, 20 điều. Dự án Luật đã bám sát theo các nhóm chính sách tại hồ sơ lập đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) đã được Quốc hội đồng ý; đồng thời, dự án Luật đã luật hóa một số nội dung đang thực hiện ổn định tại các văn bản dưới Luật.
Một trong những nội dung mới, quan trọng được đề cập trong dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) là mức thuế suất ưu đãi và thời gian áp dụng ưu đãi. Theo đó, trong dự án Luật bổ sung quy định áp dụng mức thuế suất ưu đãi 17% trong 10 năm đối với: Dự án đầu tư kinh doanh cơ sở kỹ thuật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, cơ sở ươm tạo doanh nghiệp nhỏ và vừa; đầu tư kinh doanh khu làm việc chung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo theo quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; dự án đầu tư tại khu kinh tế nhưng không nằm trên địa bàn có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn.
Dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) cũng quy định thuế suất 15% áp dụng đối với doanh nghiệp có tổng doanh thu năm không quá 3 tỷ đồng. Thuế suất 17% áp dụng đối với doanh nghiệp có tổng doanh thu năm từ trên 3 tỷ đồng đến không quá 50 tỷ đồng.
Về thời gian miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp: Trong dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) bổ sung quy định dự án đầu tư kinh doanh cơ sở kỹ thuật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, cơ sở ươm tạo doanh nghiệp nhỏ và vừa; đầu tư kinh doanh khu làm việc chung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo theo quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đồng thời, quy định dự án đầu tư tại khu kinh tế nhưng không nằm trên địa bàn có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn được miễn thuế tối đa 2 năm và giảm 50% số thuế phải nộp tối đa không quá 04 năm tiếp theo.
Thay mặt cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết: Về thuế suất đối với các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ (khoản 2 Điều 10), Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng, dự án Luật quy định theo hướng chỉ áp dụng chính sách ưu đãi thuế suất không giới hạn về thời gian đối với các doanh nghiệp có tổng mức doanh thu năm không quá 50 tỷ đồng, không áp dụng ưu đãi đối với tất cả các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Do đó, đề nghị Chính phủ làm rõ cơ sở đề xuất các nội dung sửa đổi thể hiện trong dự thảo Luật, để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật. Đồng thời, đề nghị làm rõ căn cứ để xác định các mức ngưỡng doanh thu (không quá 3 tỷ đồng và không quá 50 tỷ đồng) để xác định phạm vi các doanh nghiệp nhỏ và vừa được hưởng thuế suất ưu đãi.
Đóng góp ý kiến vào quy định trên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng, tại Điều 10 của dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) đã luật hóa quy định về mức giá trị để xác định doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ như doanh nghiệp có tổng doanh thu năm không quá 03 tỷ đồng, doanh nghiệp có tổng doanh thu năm từ trên 3 tỷ đồng đến không quá 50 tỷ đồng.
Đây là những giá trị hết sức cụ thể được luật hóa từ nghị định của Chính phủ hướng dẫn Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nếu những giá trị này mà sau này chúng ta xác định lại định nghĩa về doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ thì những quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) lại lỗi thời.
Thay vì quy định cụ thể như trên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu quan điểm, trong dự án Luật chỉ nên viện dẫn khái niệm doanh nghiệp siêu nhỏ hoặc doanh nghiệp nhỏ thì sẽ linh hoạt hơn, bởi sau này khi Chính phủ có thay đổi nội hàm khái niệm doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ thì sẵn có để áp dụng, không nên đưa quy định cứng về giá trị tổng thu năm của doanh nghiệp vào trong luật.
Tuy nhiên, đứng ở góc độc khác, liên quan đến áp dụng mức thuế suất ưu đãi đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, hiện nay, số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm tới 98% tổng số doanh nghiệp. Từ năm 2018 đến nay, chúng ta mới có chính sách cụ thể để hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa được quy định cụ thể trong dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi).
Vì vậy, nếu khi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) được thông qua thì cần có hướng dẫn cụ thể để luật sớm đi vào cuộc sống và các quy định cũng phải đơn giản để các doanh nghiệp nhỏ và vừa sớm được hưởng thụ mức thuế suất ưu đãi, để đội ngũ doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển trong thời gian sắp tới.
Ngoài ra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh bày tỏ quan ngại là theo thông lệ quốc tế, các nước tập trung vào đánh thuế trực thu hơn thuế gián thu, nhưng các chính sách thuế của Việt Nam bây giờ chưa theo thông lệ của quốc tế. Do vậy, đề nghị Ban soạn thảo dự thảo Luật cân nhắc các mức thuế suất giữa các luật về thuế để phù hợp với thông lệ quốc tế, bảo đảm nguyên tắc phân phối và phân phối lại của thuế, tính công bằng giữa các đối tượng nộp thuế.
Về quy định thu nhập và chịu thuế của doanh nghiệp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cũng bày tỏ băn khoăn vì như Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa trước đây, Chính phủ cũng đề nghị đưa vào mức thuế ưu đãi đối với doanh nghiệp từ 15% đến 17% nhưng đến nay, mức ưu đãi này được đề cập trong dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi).
Trong quá trình thẩm tra Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Ủy ban Kinh tế nhận thấy, mức thuế ưu đãi không bao gồm các doanh thu thu nhập từ việc chuyển nhượng bất động sản của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản.
Với quy định này, các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản sau sẽ theo quy định của pháp luật nào để thực hiện trong hoạt động kinh doanh bất động sản thì Ban soạn thảo dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) cần làm rõ hơn.
Trước ý kiến đóng góp, đề xuất của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến của cơ quan thẩm tra để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật, đáp ứng các yêu cầu đề ra.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị Chính phủ chỉ đạo cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến của cơ quan thẩm tra để hoàn chỉnh hồ sơ dự án Luật. Có ý kiến chính thức bằng văn bản của Bộ Tư pháp về dự thảo luật mới và đề nghị Ủy ban Tài chính, Ngân sách tham gia trong quá trình nghiên cứu. Sau khi hoàn chỉnh, Chính phủ gửi Ủy ban Tài chính, Ngân sách thẩm tra chính thức và trình lại Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét lại trong Phiên họp tháng 10.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cũng đề nghị Ủy ban Tài chính, Ngân sách chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Ủy ban Pháp luật, Viện Nghiên cứu lập pháp bố trí thời gian, tổ chức việc nghiên cứu có thể thông qua hội nghị, hội thảo, tọa đàm khoa học để đề xuất cách thức, phương pháp tiếp cận mới trong việc sửa đổi, bổ sung đồng bộ, toàn diện các luật trong lĩnh vực thuế, phí và các luật trong lĩnh vực tài chính, ngân sách nói chung; đáp ứng yêu cầu thực tiễn và đổi mới tư duy trong xây dựng pháp luật trong giai đoạn phát triển mới của đất nước.
Hải Liên