Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Công điện gửi Giám đốc Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Thủ trưởng các đơn vị: Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường; Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội; Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Cục Cảnh sát giao thông; Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng; Cục An ninh kinh tế; Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động; Cục Kế hoạch và tài chính; Cục Quản lý xây dựng và doanh trại; Cục Trang bị và kho vận; Cục Viễn thông và cơ yếu; Cục Y tế, Cục Truyền thông Công an nhân dân về việc tập trung phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai trong thời gian tới.
Thời gian qua, nhất là cuối tháng 7, đầu tháng 8/2024 đến nay, thiên tai tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, liên tiếp xảy ra mưa lớn, sạt lở đất, ngập lụt, cục bộ tại nhiều nơi, nhất là khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và Tây Nguyên gây thiệt hại rất lớn về người, tài sản của nhân dân (từ đầu năm 2024 đến nay, thiên tai đã làm 104 người chết, mất tích, nguyên nhân chủ yếu do sạt lở đất hoặc bị lũ cuốn trôi, thiệt hại về kinh tế ước tính khoảng 2.000 tỷ đồng). Dự báo trong thời gian tới, hiện tượng La Nina sẽ tác động và nguy cơ rất cao xảy ra các hình thái thiên tai nguy hiểm (bão mạnh, mưa lớn, lũ lụt, lũ quét, sạt lở...) đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng, tài sản của nhân dân và nhà nước.
Thực hiện Công điện số 75/CĐ-TTg ngày 04/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc chủ động phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai trong thời gian tới; lãnh đạo Bộ Công an yêu cầu Thủ trưởng Công an các đơn vị, địa phương chỉ đạo, triển khai thực hiện một số nhiệm vụ sau:
1. Nắm chắc địa bàn, quản lý tốt nguồn lực, theo dõi chặt chẽ diễn biến của thiên tai để kịp thời tham mưu, phối hợp triển khai hiệu quả công tác ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, bảo đảm tốt công tác an ninh, trật tự tại cơ sở, nhất là trong điều kiện thiên tai, bão, lũ, ngập lụt, không để bị động, bất ngờ.
2. Tổ chức tốt nhất công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn theo phương châm "bốn tại chỗ" với tinh thần chủ động trước, sẵn sàng, kịp thời để bảo đảm an toàn tính mạng, giảm thiểu thiệt hại về tài sản của nhân dân và nhà nước. Bảo đảm tuyệt đối an toàn về lực lượng, trụ sở, tài liệu, trang thiết bị làm việc, các cơ sở giam giữ trên địa bàn của lực lượng Công an nhân dân.
3. Kiểm tra thường xuyên, giám sát chặt chẽ và đôn đốc kịp thời công tác sẵn sàng phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn trước mùa mưa lũ và trước khi xảy ra bão, lũ theo quy định. Khẩn trương củng cố, hoàn thiện phương án tối ưu nhất để ứng phó đối với từng loại hình thiên tai có thể xảy ra trên địa bàn, nhất là phương án ứng phó bão, lũ, sạt lở đất, lũ quét; xác định các khu vực trọng điểm, xung yếu, có nguy cơ cao bị sạt lở đất, lũ quét, ngập sâu... để bố trí lực lượng hợp lý nhất, phương tiện phải sẵn sàng ứng phó, cứu hộ cứu nạn khi có tình huống xảy ra. Chuẩn bị đủ lương thực, thực phẩm, các trang thiết bị, phương tiện đặc chủng chuyên dùng phục vụ công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
4. Tổ chức kiểm tra thực tế tại các địa bàn, xác định và lập biểu đồ theo dõi sát các khu vực có nguy cơ cao, nhất là các khu vực sườn dốc có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ quét, khu vực bị ngập sâu ven sông, suối để chủ động tổ chức di dời người, tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm, khi có tình huống thiên tai; bảo đảm an toàn giao thông, tổ chức cấm đường, không cho lưu thông nếu mất an toàn. Trường hợp sơ tán dân, phải kịp thời hỗ trợ ngay và hiệu quả về chỗ ở tạm, lương thực, nhu yếu phẩm, nước sinh hoạt, bảo đảm ổn định đời sống cho người dân, đồng thời khắc phục nhanh hậu quả thiên tai, dịch bệnh, vệ sinh môi trường ngay sau khi bão, lũ rút với tinh thần "Lúc dân cần, lúc dân khó, có Công an".
5. Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương: (1) Kịp thời triển khai công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai theo thẩm quyền và nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 102/NQ-CP ngày 29/6/2024 của Chính phủ về việc bảo đảm công tác chỉ đạo, điều hành phòng, chống thiên tai trong thời gian kiện toàn cơ quan chỉ đạo, chỉ huy phòng thủ dân sự các cấp; (2) Đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập, thủy điện, công trình có dự án trọng điểm, quan trọng liên quan an ninh quốc gia, an toàn tàu thuyền hoạt động thủy sản, sản xuất nông nghiệp…
6. Các cơ quan truyền thông Công an nhân dân, Thủ trưởng Công an địa phương phải: (1) Nắm chắc tình hình thiên tai, kịp thời thông tin hướng dẫn người dân kỹ năng ứng phó, phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra; (2) Chủ động thông tin tình hình, hoạt động, hình ảnh của lực lượng Công an nhân dân trong công tác cứu nạn, cứu hộ, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; (3) Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan truyền thông Trung ương (Đài truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Báo Nhân dân, Báo Quân đội Nhân dân,...) tổ chức tuyên truyền sâu rộng, kịp thời.
7. Tổ chức trực ban nghiêm túc, kịp thời báo cáo; đảm bảo quân số sẵn sàng triển khai các nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự và phòng, chống thiên tai. Thực hiện nghiêm chế độ thông tin, báo cáo về Bộ theo quy định (qua Văn phòng Bộ, SĐT: 069.2299150, 0904231899 hoặc 0979087633).