• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Lưới tình báo huyền thoại và vụ án chấn động Sài Gòn

(Chinhphu.vn) - Năm 1969, lưới Tình báo H10-A22 bị lộ, địch đưa các đồng chí trong lưới ra xét xử tại số 3 Bạch Đằng. Vụ án này chấn động cả Sài Gòn và quốc tế với những bị can như Vũ Ngọc Nhạ - cố vấn tổng thống; Lê Hữu Thuý, Nguyễn Xuân Hoè… là những công cán uỷ viên đặc biệt Phủ tổng thống.

19/04/2015 12:37

Các đồng chí thuộc Lưới điệp áo H10-A22 trong kháng chiến chống Mỹ. Ảnh Qdnd.vn

Phiên toà có một không hai, có mặt giới báo chí Sài Gòn và ngoại quốc tới dự, đưa tin… đã thực sự trở thành diễn đàn để các "bị can" tố cáo tội ác của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai bán nước. Phiên toà cũng là nơi để các chiến sĩ tình báo tỏ rõ khí phách hiên ngang trước quân thù với những lý lẽ sắc bén, những nụ cười chiến thắng trên môi.

Nguyễn Xuân Hòe sinh năm 1923 tại Xuân Dục, Quảng Ninh, Quảng Bình, năm 1948 ông là một trí thức công chức tham gia vào Hội công chức cứu quốc do thành uỷ Huế lãnh đạo. Với những đức tính và khả năng thích hợp, ông được cơ quan tình báo miền Trung tuyển dụng vào hoạt động, năm 1951 là nhân viên thuộc lưới ĐB hoạt động tại địa bàn Huế.

Vốn là một trí thức có lòng yêu nước sâu sắc, với sự nỗ lực tích cực học tập tài liệu giáo dục của tổ chức, được các đồng chí lãnh đạo dìu dắt, bồi dưỡng, ông đã giác ngộ cách mạng rất nhanh và có kinh nghiệm hoạt động trong lòng địch. Từ một trưởng phòng của Sở thuế, do yêu cầu tin tức tài liệu phải mang tầm chiến lược; được sự chỉ đạo của trên, ông đã vận động vào được Văn phòng Phủ Thủ hiến Trung phần do Phan Văn Giáo đứng đầu.

Tại vị trí thuận lợi này, ông cung cấp cho tổ chức nhiều tài liệu, tin tức có giá trị như Ngân sách, chi phí của lực lượng Việt binh đoàn (của nguỵ); ngân sách Pháp chuyển cho Phủ Thủ hiến, một số tin tức về văn phòng của Bảo Đại tại Đà Lạt…

Với những thành tích khởi đầu tốt đẹp, với vốn kiến thức về chính trị được huấn luyện, ông đã tự học hỏi, tích luỹ kinh nghiệm chuyên môn tình báo để ngày càng cung cấp được những tin tức chất lượng cao hơn. Khi Trung ương mở chiến dịch Điện Biên Phủ, lưới tình báo miền Trung được giao nhiệm vụ theo dõi, nắm chắc tình hình quân đội Pháp tại miền Trung. Ông được giao nhiệm vụ vô cùng quan trọng và đã hoàn thành xuất sắc: Đó là trực tiếp lấy được kế hoạch Atlande của địch. Đây là kế hoạch của Bộ chỉ huy quân đội Pháp đánh vào vùng tự do Liên khu 5 - một kế hoạch có quy mô lớn hòng tiêu diệt đầu não kháng chiến tại miền Trung của ta.

Để có được bản kế hoạch chiến lược này, ông đã dũng cảm, mưu trí vượt qua mạng lưới an ninh dày đặc của địch, tránh được mọi sơ hở. Toàn bộ kế hoạch Atlande với 3 đợt tấn công của địch đã được cấp trên nắm rõ và có kế hoạch chủ động đánh tan cuộc hành quân này… Bằng những chiến công xuất sắc, với tấm lòng luôn hướng về tổ chức, về cách mạng, trải qua cuộc kháng chiến chống Pháp, Nguyễn Xuân Hoè đã trở thành một chiến sĩ tình báo mưu trí, dũng cảm.

Để ngày càng củng cố vị trí vững chắc trong hàng ngũ địch, ông luôn cố gắng tỏ rõ năng lực của mình và ngày càng được Phan Văn Giáo tin dùng. Sau Hiệp định Giơ ne vơ về Đông Dương, Phan Văn Giáo thường cử ông đi họp chính phủ tại Sài Gòn với danh nghĩa đại diện cho Thủ hiến. Trong các cuộc họp này, ông đã tranh thủ tối đa cơ hội thu thập tài liệu, khai thác các đối tượng Pháp, Mỹ…và đã phát hiện âm mưu Mỹ hất cẳng Pháp từ sau Hiệp định Giơ ne vơ, báo cáo lên trên từ năm 1955.

Đang tích cực, chủ động thực hiện nhiệm vụ theo chỉ thị của trên, năm 1958, ông bị đặc vụ miền Trung do Ngô Đình Cẩn chỉ huy bắt giam tại toà khâm Huế. Trong cuộc đấu trí với bọn đặc vụ vô cùng xảo quyệt này, ông luôn kiên định lập trường, khôn khéo, sáng tạo đối phó lại bằng bản lĩnh của một chiến sĩ tình báo. Ông đã vượt qua thử thách, không khai báo có hại cho cách mạng và tổ chức. Cuối cùng địch đành kết luận về ông: "Công chức thân Pháp có hành động thiếu kiềm chế" và trả tự do cho ông vào năm 1960.

Ra tù, ông tiếp tục hoạt động trong lưới ĐB dưới sự chỉ đạo của Phòng Tình báo Miền (J22). Lợi dụng sự xáo trộn trong nội bộ địch, ông đã khôn khéo vượt qua sự kiểm tra của chúng, tham gia trở lại chính trường, làm chủ bút tờ báo Thương mại Sài Gòn, có quan hệ với giới tư sản và trí thức, quan chức cao cấp chính quyền Sài Gòn. Nhờ những mối quan hệ đó, ông trở thành một cán bộ nòng cốt giúp lưới ĐB nắm được các ý đồ của địch, những con bài mà Mỹ định sử dụng.

Chiến sĩ tình báo Nguyễn Xuân Hoè

Khi Nguyễn Văn Thiệu được Mỹ dựng lên làm tổng thống, ông được trao chức công cán uỷ viên phụ trách nghiên cứu chính trị và báo chí. Cùng hoạt động trong lưới của ông lúc này là những đồng chí cán bộ tình báo xuất sắc như Vũ Ngọc Nhạ - cố vấn tổng thống, Lê Hữu Thuý - phụ tá, đặc trách vấn đề tôn giáo, Huỳnh Văn Trọng - đặc trách phủ tổng thống, cố vấn chính trị, đặc trách liên hệ với Mỹ, Hoàng Hồ - dân biểu quốc hội. Đặc biệt, người em ruột Nguyễn Xuân Đồng làm việc ở Nha bình định nông thôn của địch cũng là người chung trận tuyến với ông.

Trong cương vị mới, ông càng phát huy tốt hơn bản lĩnh tình báo cách mạng, báo cáo được cho lưới những vấn đề nội bộ của địch, những chủ trương của Mỹ thuộc nhiều lĩnh vực như: Bình định nông thôn, an ninh nội đô Sài Gòn, các vấn đề tôn giáo…

Theo yêu cầu của trên, với trí thông minh và quyết tâm, khôn khéo vượt qua sự kiểm tra bảo vệ an ninh nghiêm ngặt của địch, ông đã lấy được bản đồ quân sự mới nhất của Mỹ về toàn bộ miền Nam. Tấm bản đồ quý giá này đã được chuyển theo đường giao liên ra căn cứ an toàn, đáp ứng được yêu cầu cấp thiết của Quân đội. Bộ tư lệnh Miền và Bộ Tổng tham mưu đã sử dụng tấm bản đồ này từ năm 1967 đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng.

Như trên đã nói, sau một thời gian hoạt động hiệu quả, năm 1969, lưới A22 bị lộ. Địch đưa các đồng chí trong lưới ra xét xử. Ông bị đày ra Côn Đảo. Những năm tháng trong lao tù của Mỹ-nguỵ, ông đã giữ vững phẩm chất, khí tiết của người chiến sĩ tình báo. Năm 1973, sau khi ký Hiệp định Paris, một số đồng chí của tình báo bị tù ở Côn Đảo được trao trả tù binh, riêng ông, địch tiếp tục giam giữ.

Phải đến ngày giải phóng miền Nam, ta tiếp quản Côn Đảo mới đưa được ông về Sài Gòn. Sức khoẻ ông bị suy kiệt nghiêm trọng sau những ngày tháng chịu đựng sự tra tấn, đầy đọa của chế độ nhà tù hà khắc của địch. Anh em trong lưới gặp lại nhau trong niềm xúc động dâng trào.

Ông sống được thêm 3 năm trong tình thân ấm áp của đồng chí đồng đội, gia đình, trong không khí hoà bình của đất nước. Năm 1978 ông từ trần sau một cơn suy tim nặng.

Khi tổng kết lịch sử ngành tình báo để đề xuất những đồng chí xứng đáng được tuyên dương anh hùng, tên ông được tổ thảo luận nhắc đến với những tình cảm hết sức trân trọng. Những gì ông làm được trong suốt quá trình hoạt động tình báo từ kháng chiến chống Pháp, rồi chống Mỹ thực sự xứng đáng với danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân mà Đảng, Nhà nước trao tặng. Những chiến sĩ tình báo mưu trí, quả cảm của lưới tình báo anh hùng như Lê Hữu Thuý, Nguyễn Xuân Hoè, Vũ Ngọc Nhạ…giờ đây không còn nữa, các ông yên nghỉ trong niềm tự hào của thế hệ trẻ Việt Nam.

Theo Qdnd.vn