Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Theo ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội, nhờ sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, quyết liệt của cấp ủy, chính quyền từ Thành phố đến cơ sở, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng, chung sức của người nông dân. Tính đến nay, Hà Nội đã có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, 188/382 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 76 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Bên cạnh đó, công tác bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội tiếp tục được Thành phố và các cấp, các ngành quan tâm thực hiện; hoạt động hỗ trợ, tặng quà được thực hiện đầy đủ, kịp thời và đúng đối tượng thụ hưởng.
Chính nhờ vậy, đời sống của người dân nông thôn đã không ngừng được cải thiện và nâng cao, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2023 đạt 66,01 triệu đồng/người/năm. Hiện Thành phố còn 676 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,03%.
Từ năm 2021 đến nay, Thành phố đánh giá được 1.657 sản phẩm OCOP (1 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 742 sản phẩm 4 sao, 914 sản phẩm 3 sao), đạt 82,9% (còn thiếu 343 sản phẩm để đạt mục tiêu 2.000 sản phẩm). Lũy kế từ 2019 đến nay, thành phố Hà Nội đánh giá, phân hạng được 2.711 sản phẩm OCOP (bằng 89% so với mục tiêu giai đoạn đến hết năm 2025 là 3.054 sản phẩm), trong đó có 6 sản phẩm 5 sao, 12 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 1.473 sản phẩm 4 sao và 1.220 sản phẩm 3 sao.
Năm 2024, các quận, huyện, thị xã đăng ký đánh giá, phân hạng 510 sản phẩm. Như vậy, đến hết năm 2024, số lượng sản phẩm OCOP sẽ vượt mục tiêu chương trình đề ra trước một năm.
Trên địa bàn Thành phố hiện có 1.491 HTX nông nghiệp. Các HTX này cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu phục vụ sản xuất của các hộ thành viên. Nhiều HTX đã tạo sức cạnh tranh với các thành phần kinh tế khác, tập trung vào chức năng thực hiện dịch vụ cho các hộ thành viên và nhân dân, đã làm tốt công tác chỉ đạo sản xuất nông nghiệp, bảo đảm về thời vụ, bố trí cây trồng hợp lý, đưa giống cây trồng, vật nuôi năng suất, chất lượng, giá trị cao vào sản xuất.
Đến nay Thành phố có 331 làng nghề, nghề truyền thống, làng nghề truyền thống được công nhận thuộc địa bàn 25 quận, huyện, thị xã. Các làng nghề đã có sự tăng trưởng cả về doanh thu, giá trị sản xuất và giá trị xuất khẩu qua các năm, trong đó, có khoảng 100 làng nghề đạt doanh thu từ 10 đến 20 tỷ đồng/năm, gần 70 làng nghề đạt từ 20 đến 50 tỷ đồng/năm và khoảng 20 làng nghề đạt trên 50 tỷ đồng/năm, đóng góp đáng kể vào ngân sách địa phương. Một số làng nghề có doanh thu hàng năm cao như: Làng nghề điêu khắc mỹ nghệ Sơn Đồng, huyện Hoài Đức đạt trên 1.000 tỷ đồng, giải quyết việc làm thường xuyên cho trên 2.800 lao động; làng nghề bánh kẹo dệt kim La Phù, huyện Hoài Đức đạt trên 1.300 tỷ đồng; làng nghề chế biến nông sản thực phẩm Minh Khai, Dương Liễu, huyện Hoài Đức đều đạt trên 1.000 tỷ đồng; làng nghề cơ khí nông cụ Phùng Xá, huyện Thạch Thất doanh thu đạt 1.209 tỷ đồng,...
Theo đánh giá của bà Nguyễn Thị Tuyến, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội, trong hơn 10 năm gần đây, Thành phố Hà Nội đã tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng nông thôn mới; ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng cho nông nghiệp, nông thôn. Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội (khóa XVII) về "Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025", được quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, quyết liệt của cấp ủy, chính quyền từ Thành phố đến cơ sở, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng, chung sức của người nông dân.
Với những kết quả đã đạt được, Hà Nội phấn đấu trong năm 2024 có thêm ít nhất 4 huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Thành phố có thêm ít nhất 40 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 35 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Thu nhập của nông dân khu vực nông thôn Thủ đô đạt 75 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt 95%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 74,5%, trong đó tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt từ 53,5%. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế ở các huyện, thị xã đạt 94% trở lên.
Bên cạnh đó, Thành phố tiếp tục triển khai có hiệu quả chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững. Thực hiện đồng bộ các chính sách, giải pháp giảm nghèo hiệu quả và chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững của thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025. Xây dựng kế hoạch và đề xuất các giải pháp giảm nghèo thiết thực, hiệu quả, tác động trực tiếp đến nguyên nhân nghèo của các hộ gia đình và sát với thực tế của từng địa phương. Tăng cường các chính sách, giải pháp hỗ trợ khuyến khích các hộ tự vươn lên thoát nghèo bền vững, giảm các hình thức hỗ trợ trực tiếp. Ưu tiên nguồn lực hỗ trợ các hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số, miền núi, các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao. Phấn đấu hoàn thành và vượt Kế hoạch giảm nghèo của Thành phố, đến cuối năm 2025 Thành phố cơ bản không còn hộ nghèo...
Đối với 7 chỉ tiêu phấn đấu hoàn thành trong năm 2025, gồm: Giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 70%; phấn đấu có trên 80% hợp tác xã hoạt động hiệu quả; thu nhập của nông dân khu vực nông thôn đạt 80 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ dân được cung cấp nước sạch khu vực nông thôn đạt 100%; tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt nông thôn đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 100%; tỷ lệ cụm công nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề (đang hoạt động và xây dựng mới) có trạm xử lý nước thải đạt 100%; có ít nhất 100 làng nghề được hỗ trợ xây dựng thương hiệu và xác nhận quyền sở hữu nhãn hiệu tập thể.
Thành phố đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Công Thương, Sở Khoa học và Công nghệ và các sở, ngành liên quan cùng các địa phương trên cơ sở nhiệm vụ được giao tập trung chỉ đạo, có giải pháp xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể để hoàn thành đạt chỉ tiêu chương trình đề ra.
Thiện Tâm