Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Ảnh minh họa |
Nhưng như phát biểu của ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, phương án được chấp nhận vẫn chưa khiến bất cứ bên nào thật vừa ý.
Cho đến tận phút cuối cùng, hai bên đều ra sức bảo vệ phương án của mình, tranh cãi quyết liệt tại cuộc họp và cả trên các phương tiện truyền thông. Cả hai đều đưa những lý do mà nếu nhìn qua thì đều có căn cứ, có điều nếu chỉ nhìn theo những lập luận riêng biệt ấy, thì việc tăng lương sẽ là một thay đổi mà bên này được thì bên kia mất.
Còn có một khía cạnh khác rất đáng suy nghĩ trong câu chuyện tăng lương. Theo GS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, ông từng được nghe lãnh đạo một tập đoàn đa quốc gia bày tỏ rằng “không ngờ công nhân Việt Nam khi được đối xử tốt thì họ cũng đối xử tốt với công ty như vậy”.
Lãnh đạo công ty này “kêu khổ” rằng toàn phải làm việc sớm, bởi công nhân Việt Nam thường tới nơi làm việc ngay từ lúc 7h, mặc dù giờ làm việc 8h mới bắt đầu. Họ đánh giá năng suất lao động của người Việt tương đương 80% người bản địa. Hơn nữa, phần lớn các lao động kỹ thuật, xưởng trưởng, thậm chí người làm việc tại bộ phận nghiên cứu và phát triển (R&D) của tập đoàn cũng là người Việt Nam, hoàn toàn thay thế được người bản địa. Hiển nhiên, công nhân Việt Nam đã đóng góp không nhỏ vào kim ngạch xuất khẩu hàng chục tỷ USD của doanh nghiệp này.
Theo GS Nguyễn Mại, bí quyết của họ là ở chế độ đãi ngộ, bên cạnh những yếu tố khác như kỷ luật lao động. Tập đoàn trong lĩnh vực điện tử này, sau nhiều dự án hàng tỉ USD tại Việt Nam, hiện mỗi tháng trả tới 450 tỉ đồng tiền lương cho người lao động, tức 5.000 tỉ đồng/năm, tương đương tổng thu ngân sách của nhiều tỉnh khá.
“Tôi đã thử bữa ăn của người lao động tại công ty này, phải nói là rất ngon”, GS Nguyễn Mại nói. Từ thực tế này, vị nguyên Thứ trưởng Bộ KH&ĐT cho rằng đã đến lúc cần phải xem lại việc cứ giữ mãi nhận định “nhân công Việt Nam giá rẻ, chất lượng thấp”.
Câu chuyện nói trên, trong bối cảnh những tranh cãi về tiền lương, rõ ràng rất đáng để chúng ta suy ngẫm. Sự thịnh vượng của doanh nghiệp, đời sống khấm khá của người lao động và sự giàu mạnh của đất nước về cơ bản luôn đồng hành, yếu tố này là nền tảng, tiền đề cho yếu tố kia.
Từ góc nhìn nào đó, cuộc tranh cãi tiền lương có thể là một cuộc “đối đầu” được-mất, nhưng nếu như vậy, rất có thể cả hai bên đều thua. Nếu mức tăng quá cao, khó khăn của doanh nghiệp sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới khả năng tạo việc làm và người lao động có thể mất cả việc làm. Ngược lại, mức lương thấp với cuộc sống khó khăn cũng không thể khiến người lao động yên tâm làm việc. Còn nếu nhìn từ lợi ích chung, thì đây là một cuộc đối thoại mà phần thắng có thể thuộc về cả hai, hay ít nhất thì cũng không có bên nào thiệt. Một mức tăng lương tối thiểu phù hợp và rộng hơn, một khoản thu nhập hợp lý, sẽ mang lại lợi ích cho cả hai bên.
Tiền lương tối thiểu vốn nhằm bảo vệ người lao động, lo cho những người làm công ăn lương khó khăn nhất. Nhưng để bảo đảm hài hòa lợi ích, Hội đồng Tiền lương Quốc gia được thành lập theo quy định tại Bộ luật Lao động năm 2012 là một cơ chế đối thoại. Tiền lương tối thiểu từ chỗ hoàn toàn do Nhà nước dẫn dắt chuyển sang cơ chế ba bên, ghi nhận tầm quan trọng của việc người lao động và người sử dụng lao động tham gia vào quá trình xác định tiền lương tối thiểu.
Những tranh cãi tại các cuộc họp có thể gay gắt, thậm chí nảy lửa, nhưng điều đó chỉ chứng tỏ rằng cơ chế hội đồng đã thể hiện đầy đủ được tiếng nói của các bên, khách quan, đa chiều và dân chủ. Đây là quá trình xây dựng và đi đến đồng thuận, một yếu tố quan trọng giữ cho quan hệ lao động hài hòa, giúp thúc đẩy đầu tư, tăng trưởng và phát triển.
Hà Chính