Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Theo Công đoàn Y tế Việt Nam, đến thời điểm ngày 30/6/2022, có 3.756 viên chức y tế thuộc thẩm quyền quản lý của các Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xin thôi việc, bỏ việc. Trong số đó có 1.190 bác sĩ, 1.177 điều dưỡng, 267 kỹ thuật y và 1.126 viên chức y tế khác. Một số tỉnh, thành phố có số lượng viên chức thôi việc, bỏ việc cao như: TPHCM (874), Hà Nội (360), Đồng Nai (360), Bình Dương (166), An Giang (146), Đà Nẵng (127), Cần Thơ (111).
Đối với các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Y tế, đến thời điểm ngày 30/6/2022, có 357 viên chức y tế xin thôi việc hoặc bỏ việc, trong số đó có 115 bác sĩ, 117 điều dưỡng, 33 kỹ thuật y và 91 viên chức y tế khác.
Một số đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Y tế có số lượng viên chức thôi việc, bỏ việc cao là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ đóng trên địa bàn TPHCM như: Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Thống Nhất, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM.
Tính chung từ đầu năm 2021 đến 6 tháng đầu năm 2022, có tổng số 9.397 viên chức y tế xin thôi việc, bỏ việc.
Công đoàn Y tế Việt Nam đã chỉ ra 8 nguyên nhân khiến cán bộ nhân viên y tế nghỉ việc trong thời gian gần đây.
Thứ nhất do thu nhập thấp: Lương và chế độ phụ cấp đối với viên chức y tế trong hệ thống y tế công lập thấp, nhất là tại các cơ sở y tế dự phòng và y tế cơ sở. Do tại các đơn vị sự nghiệp y tế công lập này, nguồn kinh phí hoạt động chủ yếu là do ngân sách nhà nước bảo đảm, nguồn thu sự nghiệp thấp.
Theo quy định về chế độ tiền lương và phụ cấp hiện nay, (với mức lương cơ sở là 1.490.000 đồng) thì bác sỹ sau khi học 6 năm và sau 18 tháng thực hành để được cấp chứng chỉ hành nghề, nếu tuyển dụng vào đơn vị sự nghiệp công lập thì hưởng lương là 2,34 x 1.490.000 đồng = 3.486.000 đồng. Với phụ cấp ưu đãi nghề là 40% thì mức thu nhập 4.881.240 đồng (chưa trừ nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế). Mức lương này chỉ đảm bảo một phần nhu cầu của cuộc sống, vì vậy rất khó giữ chân cán bộ, viên chức y tế làm việc trong cơ sở y tế công lập trong khi mức thu nhập tại các cơ sở y tế ngoài công lập cao hơn gấp 3 đến 4 lần, thậm chí có nơi cao gấp 5 đến 6 lần thu nhập của nhân viên y tế tại cơ sở y tế công lập.
Thứ hai, tại một số đơn vị sự nghiệp y tế được giao tự chủ kinh phí chi thường xuyên (nguồn chi trả lương và phụ cấp cho viên chức y tế được trích từ nguồn thu sự nghiệp của đơn vị thông qua giá dịch vụ y tế), do giá dịch vụ y tế cho người có thẻ Bảo hiểm y tế thấp vì chưa tính đủ các yếu tố cấu thành giá dịch vụ y tế nên nguồn thu sự nghiệp của các đơn vị thấp.
Mặt khác, trong các năm gần đây do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 và giãn cách xã hội nên số lượng bệnh nhân đến khám chữa bệnh giảm, dẫn đến nguồn thu của đơn vị sự nghiệp y tế cũng giảm, thu nhập của nhân viên y tế giảm mạnh, thâm chí nhiều đơn vị chậm chi trả lương cho nhân viên y tế.
Đây cũng là nguyên nhân lớn dẫn đến việc nhân viên y tế xin nghỉ việc hoặc bỏ việc, tìm cơ hội việc làm với mức thu nhập cao hơn.
Thứ ba, chính sách thu hút nhân viên y tế chưa đủ mạnh, chưa thực sự tạo được động lực để giữ chân cán bộ y tế và tạo sức hút để đội ngũ cán bộ viên chức y tế trẻ, có trình độ và năng lực đăng ký tuyển dụng tham gia làm việc tại địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế.
Cán bộ viên chức y tế cũng như những người lao động khác đều có nỗi lo về bảo đảm cuộc sống gia đình, bảo đảm điều kiện sống tối thiểu trong sinh hoạt hàng ngày, nên với mức thu nhập thấp trong khi công việc lại quá tải, cường độ và thời gian lao động tăng; chế độ thu hút, đãi ngộ hạn chế hoặc không có nên dẫn đến tình trạng cán bộ y tế xin thôi việc, nghỉ việc tăng.
Thứ tư, hệ thống các bệnh viện tư nhân, phòng khám đa khoa tư nhân tại các địa phương ngày càng phát triển mạnh mẽ, môi trường làm việc thuân lợi, hiện đại, thân thiện, có nhu cầu tuyển bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật, nhất là cán bộ nhân viên y tế có trình độ cao, chuyên môn sâu và những viên chức y tế đã có chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh.
Các cơ sở y tế tư nhân sẵn sàng đưa ra mức thu nhập cao để thu hút nhân viên y tế, trong khi các cơ sở y tế công lập lại không có cơ chế để giữ chân nhân viên y tế.
Thứ năm, do áp lực công việc cao, từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát đến nay, cường độ làm việc của nhân viên y tế rất lớn, hầu như không có ngày nghỉ, làm việc với cường độ cao trong thời gian kéo dài, đặc biệt là đối với nhân viên y tế ở những địa phương có dân số lớn như TPHCM và một số tỉnh phía Nam.
Mặt khác, do phải làm việc trong môi trường nguy hiểm, có nguy cơ cao mắc bệnh, thậm chí có thể ảnh hưởng tính mạng và gia đình, điều này cũng ảnh hưởng sâu sắc đến tâm lý, động lực làm việc của viên chức ngành y tế.
Thứ sáu, do ảnh hưởng của các vụ việc vi phạm quy định về pháp luật trong đấu thầu mua sắm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế trong thời gian qua, dẫn đến điều kiện môi trường làm việc của viên chức y tế bị ảnh hưởng như thiếu trang thiết bị y tế để triển khai các kỹ thuật cao, thiếu thuốc, thậm chí thiếu cả các vật tư tiêu hao, các dụng cụ, trang thiết bị thông thường, bao gồm cả thiếu thiết bị bảo hộ cần thiết… đã làm hạn chế việc phát huy trình độ, năng lực chuyên môn của cán bộ, viên chức y tế.
Thứ bảy, do môi trường làm việc đặc thù của ngành y tế, cán bộ viên chức y tế phải thường xuyên chứng kiến sự ốm yếu, đau đớn của người bệnh, đặc biệt là bệnh nhân tử vong mà mình không thể cứu chữa được, đồng thời chịu áp lực rất lớn từ người nhà bệnh nhân, thậm chí một số nhân viên y tế còn chịu những hành động đe doạ, bạo lực cả về thể chất và tinh thần của người nhà người bệnh, gây tâm lý hoang mang, lo sợ khi hành nghề, giảm sự nhiệt tình trong hoạt động nghề nghiệp.
Thứ tám, một số nguyên nhân khác như viên chức y tế xin nghỉ việc vì lý do gia đình, do công tác xa nhà, hoàn cảnh gia đình khó khăn, thu nhập thấp.
Một số cán bộ, viên chức y tế do sức khỏe không đảm bảo nên tự nguyện xin nghỉ việc để chữa bệnh…
Công đoàn Y tế Việt Nam đề xuất cơ quan chức năng sớm phê duyệt Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 56/2011/NĐ-CP quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập, trong đó nâng mức hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề đã được quy định tại Điều 3 Nghị định số 56/2011/NĐ-CP đối với viên chức làm chuyên môn y tế dự phòng và y tế cơ sở từ mức 40%-70% lên mức 100% để thu hút nhân lực y tế công tác trong lĩnh vực y tế dự phòng và y tế cơ sở.
Công đoàn Y tế Việt Nam cũng kiến nghị cho phép Bộ Y tế tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế, kể cả giá dịch vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, để động viên khuyến khích các đơn vị sự nghiệp y tế tăng cường cung ứng dịch vụ có chất lượng, tăng nguồn thu sự nghiệp của đơn vị, góp phần tăng thu nhập cho cán bộ, viên chức y tế.
Người bệnh tham gia bảo hiểm y tế cũng sẽ được cung cấp đầy đủ thuốc trang thiết bị để nâng cao chất lượng; cho phép nâng định mức số lượng người làm việc tối thiểu tại trung tâm y tế huyện, trạm y tế xã, điều chỉnh số lượng người làm việc tại trạm y tế xã theo quy mô dân số; xem xét nâng lương khởi điểm bậc 2 đối với bác sĩ mới ra trường; xem xét chế độ thâm niên nghề của ngành y tế như đối với ngành giáo dục vì cùng là hai "người thầy" trong xã hội…
Hiền Minh