"Ma trận” kiểm tra chuyên ngành: 1 DN, 2 nghìn lần khai báo
Có DN phải khai báo hoá chất hơn 2.000 lần/năm. Và với riêng một Thông tư quản lí tiền chất, đã có hàng nghìn mặt hàng phải xin giấy phép.
Khai báo hơn 2.000 lần/năm
Giữa tháng 9/2014, phóng viên có mặt tại một công ty hoạt động trong lĩnh vực sản xuất gia công giày - KCN Lễ Môn, Thanh Hóa (đây là một trong 11 nhà máy sản xuất giày ở nhiều tỉnh, thành phía Bắc thuộc Tập đoàn sản xuất giày F.H), khi DN đang cần nhập một lô hàng gần 20 tấn hóa chất Silic Dioxit (SiO2)- loại phụ gia quan trọng phục vụ việc sản xuất đế giày.
Theo “quy trình”, thủ tục đầu tiên mà DN này phải thực hiện là khai báo hóa chất với Cục Hóa chất (Bộ Công Thương). Khoảng 2 ngày sau, DN mới nhận được xác nhận của Cục Hóa chất qua đường bưu điện để làm hồ sơ khai báo hải quan.
Trao đổi với phóng viên, đại diện Phòng XNK của Tập đoàn sản xuất giày F.H than thở: Thủ tục khai báo hóa chất là một trong những thủ tục gây nhiều phiền toái cho DN. Việc NK Silic Dioxit là rất bình thường với các DN sản xuất trong lĩnh vực da giày và với quy mô hoạt động lớn như chúng tôi thì càng thường xuyên hơn.
Để đáp ứng nhu cầu sản xuất trong toàn hệ thống, trung bình mỗi tuần tập đoàn này phải NK khoảng hơn 50 lô hóa chất (khoảng 5 lô/công ty), chủ yếu là Silic Dioxit và một số phụ gia khác phục vụ sản xuất đế giày. Vậy mà theo thủ tục hiện nay, cứ khi nào DN muốn NK một lô hóa chất lại phải khai báo hóa chất một lần riêng lẻ.
Như vậy, một tuần DN phải khai báo hoá chất khoảng 50 lần hay trên 200 lần/tháng và hơn 2.000 lần/năm. Nhanh nhất thì, với mỗi giấy xác nhận của Cục Hóa chất, DN phải mất 2 ngày chờ đợi, có nghĩa là tổng số thời gian chờ đợi trong 1 năm của cả 11 công ty thuộc Tập đoàn F.H sẽ lên đến hàng nghìn ngày làm việc!
Theo Tập đoàn F.H, việc khai báo hóa chất theo thủ tục hiện nay (khai báo cho từng lô riêng lẻ) không chỉ làm cho DN tốn kém rất nhiều thời gian, mà thực chất đây cũng là việc làm không cần thiết. Bởi nếu để phục vụ công tác quản lí, Cục Hóa chất có thể cho DN khai báo định kì theo từng tháng, từng quý và tự chịu trách nhiệm về sử dụng hàng hóa, vì đây là những loại hóa chất được DN sử dụng thường xuyên phục vụ sản xuất.
Ngoài ra, để tạo thuận lợi cho DN, Cục Hóa chất và cơ quan Hải quan có thể thực hiện kết nối, trao đổi thông tin qua phương thức điện tử, không cần thiết phải chờ khi DN có được giấy xác nhận có chữ kí, con dấu của Cục Hóa chất mới được mở tờ khai hải quan.
Một Thông tư, hàng nghìn mặt hàng phải khai báo
Qua tìm hiểu của phóng viên, yêu cầu phải có giấy xác nhận khai báo hóa chất mới được mở tờ khai hải quan được thực hiện theo quy định tại Thông tư 40/2011/TT-BCT ngày 14/11/2011 của Bộ Công Thương quy định về khai báo hóa chất. Theo Điều 4 Thông tư 40 “Khai báo hóa chất gồm khai báo hóa chất sản xuất và khai báo hóa chất nhập khẩu. Khai báo hóa chất nhập khẩu gồm: khai báo trực tiếp hoặc khai báo qua mạng internet. Tổ chức, cá nhân đề nghị cấp Giấy xác nhận có thể lựa chọn một trong hai hình thức khai báo hóa chất này”.
Ngoài vướng mắc liên quan đến khai báo hóa chất, DN sản xuất giày nêu trên đang gặp phải khó khăn khác liên quan đến quy định về quản lí tiền chất theo Thông tư 42/2013/TT-BCT ngày 31/12/2013 của Bộ Công Thương. Tại phần ghi chú của Phụ lục I (về Danh mục tiền chất sử dụng trong lĩnh vực công nghiệp) Thông tư 42 quy định “Danh mục này bao gồm tất cả các muối bất kì khi nào có thể tồn tại của các chất thuộc danh mục nêu trên (danh mục trong Phụ lục I-PV)”.
Quy định như vậy là không rõ ràng và gây khó khăn cho DN khi thực hiện. Bởi thực tế có đến hàng trăm, hàng nghìn hỗn hợp, hợp chất hay sản phẩm thương mại hoàn chỉnh có chứa tiền chất nằm trong danh mục của Phụ lục I. Nếu như vậy, chỉ tính riêng một Thông tư trong lĩnh vực quản lí tiền chất như Thông tư 42 cũng sẽ có đến hàng nghìn mặt hàng phải xin giấy phép.
Đặc biệt, một số nước tẩy rửa, làm sạch sản phẩm trong lĩnh vực da giày được DN nhập về sử dụng hàng ngày đều phải xin giấy phép vì nước tẩy rửa có chứa thành phần là tiền chất Aceton với hàm lượng 3,5%. Điều này sẽ gây khó khăn cho DN vì phải thường xuyên xin giấy phép của Bộ Công Thương.
Đại diện Chi cục Hải quan quản lí hàng đầu tư gia công (Cục Hải quan Hải Phòng) cho biết, đây cũng là vướng mắc mà đơn vị ghi nhận được từ một số DN khác. Không chỉ khó với DN mà ngay cả cơ quan Hải quan cũng lúng túng với quy định của Thông tư 42. Bởi theo Nghị định 187/2013/NĐ-CP, hàng hóa thuộc diện quản lí chuyên ngành, các Bộ phải thống nhất với Bộ Công Thương về danh mục và thống nhất với Bộ Tài chính về mã số HS. Có như vậy, cơ quan Hải quan mới biết và quản lí được hàng hóa thuộc đối tượng quản lí chuyên ngành, chứ không thể quản lí theo quy định chung chung như trong Thông tư 42.
Đại diện Chi cục lấy ví dụ, trường hợp “Sốt ớt chấm gà” NK từ Thái Lan có chứa giấm - là dung dịch có chứa tiền chất Acid Acetic, vậy trường hợp này DN có phải xin giấy phép quản lí tiền chất hay không? Trường hợp khác, mặt hàng “dưa chuột ngâm” NK từ Pháp có thành phần giấm như kể trên có phải xin phép...? Và thực tế sẽ còn có hàng nghìn sản phẩm, mặt hàng tiêu dùng có thành phần như vậy nhưng nếu trường hợp DN (do không biết hoặc cố tình) khai theo tên thương mại, trong khi cơ quan quản lí chuyên ngành cũng không có danh mục cụ thể thì sẽ không biết để quản lí!
Bà Nguyễn Kim Liên - Phó Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công Thương): Cấp giấy phép để quản lí Thực tế, DN nhập rất nhiều hợp chất, hỗn hợp có chứa tiền chất. Để đảm bảo kiểm soát tiền chất một cách chặt chẽ thì các tiền chất chứa trong các hợp chất, hỗn hợp chất (không phân biệt ngưỡng giới hạn, nồng độ %) đều phải xin cấp phép. Đối với việc chưa quy định ngưỡng giới hạn tiền chất công nghiệp (nồng độ %) trong các hợp chất, hỗn hợp, theo Cục Hóa chất, điều này cần được quy định tại Nghị định số 80/2001/NĐ-CP hướng dẫn việc kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy ở trong nước để Bộ Công Thương (Cục Hóa chất) có cơ sở thực hiện. Một số trường hợp Bộ Công Thương (Cục Hóa chất) có công văn trả lời DN lô hàng có chứa tiền chất không phải xin giấy phép do sản phẩm, hàng hóa đã được sản xuất theo một quy trình nhất định, các tiền chất có trong sản phẩm, hàng hóa này khó có khả năng điều chế thành ma túy tổng hợp. Ví dụ: Phân bón S.A (có chứa tiền chất là Acid Sufulric) hay mực in (có chứa tiền chất là Toluene)… do đó không phải xin cấp phép. Còn các tiền chất có trong hợp chất, hỗn hợp là các dung môi có thể bị tách ra để điều chế chất ma túy, việc quản lí các tiền chất này là cần thiết. Ông Ngô Minh Hải, Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan): Thủ tục nhập khẩu hóa chất quy định tại hai Nghị định Theo quy định của pháp luật, để được thông quan hàng hóa, tùy từng trường hợp cụ thể, DN phải nộp/xuất trình cho cơ quan Hải quan các chứng từ liên quan đến kết quả kiểm tra chuyên ngành về kiểm dịch (động vật, thực vật) y tế, văn hóa, an toàn thực phẩm, chất lượng, hợp quy, hợp chuẩn đối với hàng hóa XK, NK. Cụ thể, đối với hóa chất NK, Tổng cục Hải quan hiện đang thực hiện theo các quy định do Chính phủ ban hành tại các Nghị định số 108/2008/NĐ-CP ngày 7/10/2008, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hóa chất và Nghị định 26/2011/NĐ-CP ngày 8/4/2011 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 108/2008/NĐ-CP, không phải là thủ tục hải quan quy định. Hóa chất NK DN phải khai báo theo quy định, đối với mặt hàng phải có giấy phép thì DN còn phải làm thủ tục để được cấp phép với Bộ Công Thương trước khi NK. Để giảm bớt thủ tục cho DN, Tổng cục Hải quan đã có văn bản gửi Bộ Công Thương góp ý sửa đổi Nghị định quy định về NK hóa chất, trong đó có đề nghị đơn giản bớt thủ tục khai báo hóa chất như hiện nay. Thực tế, việc thực hiện thông quan đối với hàng hóa XNK không chỉ phụ thuộc vào việc thực hiện các thủ tục hải quan mà còn chịu ảnh hưởng rất nhiều vào kết quả của các cơ quan quản lý chuyên ngành. Bà Đặng Phương Dung - Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam: Cần đơn giản hóa thủ tục kiểm tra chuyên ngành
Chúng tôi rất hiểu, tất cả các quy định về chuyên ngành không phải do cơ quan Hải quan quy định nhưng thực tế vướng mắc cuối cùng đều dồn tại khâu hải quan vì vậy mà vô hình trung lỗi này đổ lên đầu hải quan. Tuy nhiên chúng tôi cũng mong muốn, cơ quan Hải quan lên tiếng về quy định chuyên
ngành tréo ngoe gây khó cho DN hiện nay để giúp gỡ vướng cho DN.
|
Theo Báo Hải quan
* Tiêu đề do tòa soạn đặt