• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Mất việc vì robot: Giải pháp duy nhất

(Chinhphu.vn) - Lao động kỹ năng thấp sẽ dần bị thay thế bởi robot và trí tuệ nhân tạo khi cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 ngày càng hiện hữu. Giải pháp duy nhất được các chuyên gia đưa ra đó là thay đổi căn bản giáo dục, nâng cao trình độ người lao động để sẵn sàng đón đầu làn sóng mới.

12/04/2017 10:46

5 nhóm công việc nhiều nguy cơ

Theo ông Trần Việt Hòa, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương), CMCN 4.0 sẽ tạo điều kiện thuận lợi để thay thế lao động giản đơn của con người bằng những robot thông minh và trí tuệ nhân tạo. Mô hình nhà máy thông minh được tự động hóa hoàn toàn không phải là một viễn cảnh quá xa vời và đây sẽ là mối đe dọa với lao động kỹ năng thấp cũng như một số công việc như hành chính, văn phòng.

Ông Hòa lấy ví dụ của Nhà máy Sản xuất điện tử Siemens Thành Đô (SEWC), Trung Quốc. Tại SEWC, mọi công đoạn đều được tính toán đến từng chi tiết, số hóa toàn bộ quy trình quản lý từ đơn hàng, cấp vốn, thiết kế sản phẩm tới sản xuất, hậu cần và quản lý chất lượng. Trên diện tích 3.100 m2 với 450 nhân viên, mỗi năm nhà máy này sản xuất hơn 2,5 triệu sản phẩm với nhiều đặc điểm vượt trội như tốc độ trung bình 10 giây/1 đơn vị sản phẩm trong khi tỷ lệ lỗi nhỏ hơn 10 trên 1 triệu sản phẩm.

“Nếu xem xét ở tầm vĩ mô, các quốc gia có lợi thế về nguồn lao động nhân công giá rẻ và các ngành công nghiệp thâm dụng lao động sẽ chịu nhiều tác động của xu hướng này”, ông Hòa nói.

Bổ sung thêm thông tin, ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết, theo thống kê, những ngành gắn với lao động thủ công sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất, kế đến là ngành nghề gắn với quá trình tự động hóa.

Cụ thể, 5 nhóm công việc nhiều nguy cơ bị đe dọa và thách thức việc làm nhất là công nhân nhà máy (44%), nhân viên thu ngân (40%), lái xe taxi (20%), nhân viên chăm sóc khách hàng (18%), phi công (16%).

Ngược lại, 5 nhóm công việc ít bị ảnh hưởng bởi CMCN 4.0 nhất sẽ là bác sĩ, y tá (3%), luật sư (4%), nhà báo (5%), nhà nghiên cứu (6%), nông dân (11%).

Nói rõ hơn về những con số trên, ông Thiên cho rằng, với ngành dệt may, những thao tác cắt, may thì máy móc đều có thể thay thế được. Công nghệ 4.0 có thể làm việc 24/24 giờ mà không cần nạp năng lượng, thậm chí làm trong điều kiện “tối tăm mù mịt” không cần ánh sáng, trong khi vẫn kiểm soát được tốc độ, chất lượng được kiểm soát.

Hay với ngành lắp ráp điện tử, robot cũng có thể thay thế. Gần nhất là ngành lái xe, trước tiên là lái xe taxi có thể nhanh chóng bị loại ra khỏi cuộc chơi trong vòng chưa đầy 20 năm nữa. Ngược lại, những lĩnh vực liên quan đến cảm xúc, trực giác của con người như nghệ sĩ, bác sĩ… thì khó thay thế hơn.

Cũng với lo ngại trên, ông Louise Chamberlain, Giám đốc UNDP Việt Nam lấy ví dụ về sự “soán ngôi” của tự động hóa đối với lao động ngành dịch vụ của công ty cho thuê DVD và trò chơi điện tử Blockbuster của Mỹ. Có thời điểm, công ty này có tới 60.000 nhân viên và 9.000 cửa hàng. Cùng với sự ra đời của Netflix (công ty phát hành và sản xuất phim ảnh trực tuyến) chỉ vẻn vẹn 2.450 nhân viên, Blockbuster Video đã bị thay thế. Những chiếc xe tự lái cũng có thể thay thế 4 triệu công việc, tạo nên nhiều ảnh hưởng đáng kể.

Thay đổi căn bản giáo dục là điều kiện tiên quyết

Trao đổi với báo chí về việc thế giới đang tiến dần tới “robot hóa” và Việt Nam sẽ tiếp cận thế nào trong đào tạo nguồn nhân lực, ông Trần Đình Thiên cho rằng, robot không thể ngay lập tức thay thế được con người, nhưng không vì thế mà chúng ta mặc kệ.

“Chúng ta bình tĩnh nhưng không được chủ quan với tốc độ của sự thay thế. Nghĩa là, trước mắt, chúng ta vẫn phải lo việc làm cho những người lao động không có tay nghề, kỹ năng nhưng phải ráo riết chuẩn bị cho lực lượng này được đào tạo cơ bản để có khả năng tiếp cận công nghệ mới”, ông Thiên nói.

Còn theo ông Trần Việt Hòa, thực tế này đặt ra yêu cầu phải tái cơ cấu lại thị trường lao động gắn kết chặt chẽ với quá trình tái cơ cấu của ngành. Cụ thể, cần tạo dựng môi trường và vị thế để lao động trình độ cao hoạt động; đổi mới giáo dục và đào tạo theo hướng chuẩn hóa, hiện đại; thực hiện đào tạo lại, đào tạo bổ sung cho lực lượng lao động có trình độ thấp, ưu tiên các kiến thức và kỹ năng liên quan tới ứng dụng công nghệ thông tin, tự động hóa, khả năng quan lý và phân tích thông tin…

“Thị trường lao động với trên 90% lao động trong lĩnh vực công nghiệp là lao động giản đơn, trình độ tay nghề thấp, đòi hỏi một chương trình hỗ trợ riêng, tập trung vào việc nâng cao trình độ và tay nghề, kiến thức chuyên sâu của nhóm đối tượng này”, ông Hòa đề xuất.

Nhìn trên góc độ rộng hơn, ông Louise Chamberlain cho rằng, khi làn sóng CMCN 4.0 tràn đến sẽ có “sự bất bình đẳng” xảy ra ngay trong một quốc gia, bất kể đó là quốc gia phát triển hay đang phát triển, giữa những người có kiến thức và kỹ năng cao đón nhận những ý tưởng và sự đột phá và những người không có điều này.

Bởi vậy, ngoài các kỹ năng kỹ thuật thì quan trọng hơn cần phải có ý tưởng, sáng tạo, linh hoạt để nắm bắt ý tưởng, đột phá mới. Đây chính là bài toán nhân lực mà bất kỳ quốc gia nào cũng phải đối diện.

Phan Trang