Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
![]() |
Ảnh: VGP/Lê Anh |
Kể từ 0h ngày 22/5/2015, thương hiệu MHB chính thức chấm dứt hoạt động. Trong 2 ngày 23 và 24/5, BIDV đã tiến hàng chuyển đổi toàn bộ nhận diện thương hiệu của MHB trên toàn quốc theo đúng nhận diện của BIDV. Từ ngày 25/5/2015, toàn bộ các chi nhánh của MHB trước đây, nay hoạt động với tư cách là chi nhánh của BIDV.
Sau sáp nhập, tổng tài sản của BIDV sẽ tăng lên trên 700 nghìn tỷ đồng, vốn điều lệ của ngân hàng tăng lên trên 34 nghìn tỷ đồng. Mạng lưới phân phối mở rộng gần 1.000 điểm mạng lưới trên cả nước với tổng số lao động là gần 22.000 cán bộ, nhân viên.
Nguyên tắc xuyên suốt trong giao dịch sáp nhập MHB và BIDV là kế thừa và đảm bảo mọi quyền lợi hợp pháp của khách hàng, cổ đông và người lao động của hai ngân hàng. Việc sáp nhập được thực hiện theo phương thức bàn giao nguyên trạng, đầy đủ toàn bộ hoạt động của MHB và hoán đổi cổ phiếu theo tỷ lệ 1:1.
Ông Phan Đức Tú, Tổng Giám đốc BIDV cho biết, BIDV đặt mục tiêu nâng tổng tài sản lên 1 triệu tỷ đồng vào năm 2017, tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 16% mỗi năm, nợ xấu ở mức dưới 3%. Đặc biệt, tín dụng dành cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long khoảng 100.000 tỷ đồng trong 3 năm tới.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Phước Thanh, Phó Thống đốc NHNN cho biết, việc sáp nhập MHB và BIDV là thực hiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015 theo chỉ đạo của Chính phủ tại Quyết định 254/QĐ-TTg. Sáp nhập MHB vào BIDV là giao dịch sáp nhập tiên phong của Đề án trong giai đoạn 2 năm 2015.
Bên cạnh đó, theo ông Thanh, việc sáp nhập này cũng góp phần làm tăng quy mô tổng tài sản, tăng trưởng nền khách hàng, mở rộng mạng lưới, đặc biệt là tăng cường năng lực của BIDV trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long (thế mạnh của MHB), qua đó nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh, tiếp tục duy trì vị thế ngân hàng hàng đầu tại Việt Nam, sẵn sàng cạnh tranh và hội nhập với các ngân hàng trong khu vực.
Lê Anh