• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Miền Trung chủ động phòng 'giặc lửa' giữ rừng mùa khô

(Chinhphu.vn) - Bước vào mùa khô hanh khắc nghiệt, các địa phương miền Trung đang siết chặt công tác kiểm tra, bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng. Lực lượng kiểm lâm, chính quyền cơ sở và người dân cùng vào cuộc, sẵn sàng phương án “4 tại chỗ” để bảo vệ màu xanh đại ngàn.

23/04/2025 19:00
Các lực lượng tại miền Trung chủ động phòng

Lực lượng chức năng tại Đà Nẵng triển khai dập tắt đám cháy rừng tại chỗ - Ảnh: VGP/Minh Trang

Tỉnh Quảng Trị hiện có hơn 276.000 ha rừng và đất quy hoạch phát triển rừng, với tỉ lệ che phủ đạt trên 49,4%. Công tác bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) luôn được ưu tiên, nhất là trong mùa khô kéo dài từ tháng 4 đến tháng 9.

Tại huyện Đakrông, địa phương có trên 80.560 ha rừng, nguy cơ cháy rừng rất cao do thời tiết khô hanh và hoạt động đốt nương làm rẫy. UBND xã Triệu Nguyên, nơi có hơn 4.900 ha rừng, đã kiện toàn ban chỉ đạo PCCCR, bố trí lực lượng trực 24/24 giờ, tăng cường kiểm tra, nhắc nhở các hộ dân và xử lý nghiêm vi phạm. Trong 3 năm qua, không có vụ cháy rừng nghiêm trọng nào xảy ra tại đây.

Hạt Kiểm lâm huyện Đakrông đã phối hợp các xã, thị trấn rà soát vùng có nguy cơ cháy, chuẩn bị đầy đủ nhân lực, phương tiện, ứng trực liên tục tại các địa bàn trọng điểm, như Triệu Nguyên, Ba Lòng, Tà Rụt... Đồng thời, tổ chức 67 tổ đội PCCCR quần chúng với 663 người tham gia.

Ông Phan Văn Phước, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường, phụ trách Chi cục Kiểm lâm cho biết, bước vào mùa khô năm nay, Sở Nông nghiệp và Môi trường đã chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm chủ động theo dõi dự báo tình hình thời tiết, cảnh báo nguy cơ cháy rừng và cung cấp thông tin cho các địa phương và nhân dân biết để thực hiện phương án PCCCR.

Cùng với đó tăng cường kiểm tra công tác PCCCR tại các địa phương, nhất là các khu vực trọng điểm có nguy cơ cao, khu vực hằng năm thường xảy ra cháy rừng. Tổ chức trực, sẵn sàng huy động lực lượng, phương tiện, trang thiết bị chữa cháy hỗ trợ địa phương khi xảy ra cháy lớn và có yêu cầu của địa phương.

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ GIS và các công nghệ hiện đại để nâng cao năng lực, chất lượng trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, dự báo, cảnh báo cháy rừng, phát hiện sớm mất rừng, cháy rừng...

TP. Đà Nẵng có tổng diện tích rừng và diện tích đã trồng cây rừng gần 62.546 ha, trong đó, diện tích rừng hơn 57.731 ha.

Theo Chi cục Kiểm lâm TP. Đà Nẵng, hiện nay thời tiết trên địa bàn đang bước vào giai đoạn cao điểm nắng nóng, khô hanh kéo dài. Từ ngày 21-24/4, nguy cơ cháy rừng được cảnh báo ở cấp III - mức có khả năng cháy cao, đòi hỏi sự cảnh giác và chủ động của toàn xã hội.


Tình trạng nắng nóng kéo dài trên diện rộng, nhiều ngày không mưa khiến thảm thực bì trong rừng khô giòn, rất dễ bắt lửa. Đặc biệt, một số khu vực có rừng giáp ranh với khu dân cư, vùng ven biển, như bán đảo Sơn Trà, Hòa Bắc, Hòa Phú, Hòa Ninh (huyện Hòa Vang) và khu vực Nam Ô (quận Liên Chiểu) nằm trong vùng có nguy cơ cháy cao.

Chi cục Kiểm lâm TP. Đà Nẵng khuyến cáo người dân, du khách tuyệt đối không sử dụng lửa trong rừng và ven rừng, bao gồm đốt rác, nấu nướng, hay đốt thực bì để xử lý đất sản xuất. Đồng thời, người dân sinh sống gần rừng cần tăng cường kiểm tra, phát hiện sớm các nguy cơ cháy, chủ động thông báo cho lực lượng chức năng khi phát hiện khói, lửa bất thường.

Bên cạnh đó, lực lượng kiểm lâm, dân quân và các địa phương đã chủ động xây dựng phương án PCCCR; triển khai tuần tra, kiểm soát, đặc biệt ở những điểm có đông người ra vào rừng, như khu du lịch sinh thái, đường mòn dã ngoại, khu vực chùa Linh Ứng - bán đảo Sơn Trà… Nhiều bảng cảnh báo nguy cơ cháy rừng cũng đã được lắp đặt tại các vị trí trọng yếu.

Ông Nguyễn Đức Dũng, Phó đội trưởng Đội Kiểm lâm cơ động và PCCCR cho biết, việc kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ các trang thiết bị chuyên dụng luôn được đơn vị duy trì nghiêm túc. Đây là một trong những điều kiện quan trọng giúp lực lượng kiểm lâm chủ động, sẵn sàng ứng phó nhanh với các tình huống cháy rừng nếu xảy ra.

Song song đó, Đội Kiểm lâm cơ động và PCCCR cũng phối hợp chặt chẽ các địa phương có rừng để kiểm tra thực địa, rà soát lại hiện trạng rừng, xác định các vùng trọng điểm có nguy cơ cháy cao, từ đó xây dựng phương án phòng ngừa sát với thực tế địa bàn để có thể ngăn chặn, xử lý kịp thời những nguy cơ tiềm ẩn.

Hiện Đội Kiểm lâm cơ động và PCCCR đang phối hợp hỗ trợ, hướng dẫn nghiệp vụ cho các địa phương có rừng xen kẽ khu dân cư như phường Hòa An và Hòa Phát (quận Cẩm Lệ) để tăng cường năng lực ứng phó, xử lý tình huống cháy rừng tại chỗ. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả PCCCR, lan tỏa ý thức bảo vệ rừng trong cộng đồng.

Các lực lượng tại miền Trung chủ động phòng

Lực lượng tại Quảng Nam tuyên truyền phòng chống cháy rừng

Theo Chi cục Kiểm lâm, Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Quảng Nam, chủ động công tác PCCCR, các địa phương tỉnh Quảng Nam đã xây dựng, củng cố, nâng cao hoạt động của các tổ, đội quần chúng bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng với 360 tổ, đội và gần 3.000 thành viên tham gia, góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác phòng ngừa và ngăn chặn nguy cơ cháy rừng.

Tỉnh Quảng Nam tăng cường lực lượng tuyến cơ sở tuần tra nắm bắt thông tin, phối hợp, hỗ trợ cơ quan chuyên môn thực hiện bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng tại địa phương.

Ông Hồ Quảng Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, tỉnh đã xây dựng các ứng dụng quản lý cháy rừng từ xa. Đồng thời, chỉ đạo các địa phương tuyên truyền mạnh về tác hại của cháy rừng, tuyên truyền để bà con hiểu được và tham gia cùng với chính quyền tham gia PCCCR khi có sự cố xảy ra và phối hợp cùng với chính quyền dập đám cháy nhanh nhất. Bên cạnh đó, tuyên truyền cho bà con để họ tuyên truyền lại cho người thân trong gia đình hiểu được tác hại của cháy rừng để giảm thiểu cháy rừng xảy ra.

Sở Nông nghiệp và Môi trường đã chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm theo dõi, cảnh báo cháy rừng sớm qua hệ thống GIS, tăng cường kiểm tra tại vùng trọng điểm. Chủ rừng phải xây dựng phương án PCCCR theo phương châm "4 tại chỗ", quản lý chặt việc sử dụng lửa trong rừng và ven rừng để giảm thiểu nguy cơ cháy lan.

Tính từ đầu năm 2024, toàn tỉnh ghi nhận 8 vụ cháy rừng trồng, thiệt hại hơn 22 ha, trị giá gần 890 triệu đồng. Ngoài ra còn 27 điểm cháy thực bì không gây mất rừng.

Minh Trang