Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
|
Về những bất cập trong Nghị định thi hành Luật Khoáng sản đang được lấy ý kiến, nhiều chuyên gia cho rằng, kẽ hở lớn nhất trong những quy định lần này nằm trong khâu “đấu giá”. Theo TS Nguyễn Thành Sơn – Giám đốc Ban Quản lý các dự án than đồng bằng sông Hồng, nếu qui định không rõ ràng, việc đấu giá tiếp tục làm cho Nhà nước mất cả “chì lẫn chài”, hoặc bị đình trệ trong các hoạt động khoáng sản.
TS Sơn cho rằng, việc cấp phép theo kiểu xin-cho trước đây được thay bằng cấp phép theo kiểu đấu giá hiện nay. Nhưng nếu không được hướng dẫn thi hành một cách khoa học và nghiêm túc, thì việc “đấu giá” khoáng sản sắp tới cũng dễ dẫn đến thất thoát tài sản quốc gia mà chẳng ai chịu trách nhiệm.
- Thất thoát tài nguyên khoáng sản là vấn đề nhức nhối. Nhiều chuyên gia cho rằng điều này bắt nguồn từ sự không rõ ràng của những quy định liên quan đến lĩnh vực này, còn ông ?
Luật và nghị định chỉ điều chỉnh việc lập quy hoạch và đấu giá theo quy hoạch, chưa đề cập đến trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc thực hiện quy hoạch. Điều này dẫn đến tình trạng tùy tiện: mỏ nào “ngon” thì đưa vào kế hoạch, có đủ “quân xanh quân đỏ” thì “đấu”, còn quy hoạch có được triển khai hay không nền kinh tế có được đảm bảo đủ nguồn nguyên liệu khoáng sản hay không thì chẳng có cơ quan nào chịu trách nhiệm.
Thực tế, việc quản lý khai thác nhiều loại khoáng sản (như than đá, các kim loại màu, đá trắng, titan...) thời gian vừa qua không xuất phát từ nhu cầu chung của nền kinh tế, chỉ đáp ứng nhu cầu riêng của từng DN (xuất khẩu thu lợi nhuận). Hậu quả, cơ sở vật chất về tài nguyên khoáng sản (TNKS) để phát triển kinh tế - xã hội đã bị giảm đi. Trong suốt 15 năm qua, các cơ quan quản lý nhà nước chỉ thực thi quyền cấp các giấy phép hoạt động khai thác những khoáng sản hiện có từ thời bao cấp, bỏ qua nhiệm vụ điều tra tìm kiếm các nguồn TNKS mới. Một cái giá phải trả là nền kinh tế VN đang đứng trước nguy cơ phải nhập khẩu than với số lượng lớn hàng năm.
Luật Khoáng sản sắp có hiệu lực là một bước tiến vượt bậc trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về các hoạt động khoáng sản, đáp ứng đầy đủ hơn các nhu cầu thực tế. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều kẽ hở trong luật chưa được “bịt” bằng các quy định trong nghị định.
Việc lựa chọn tổ chức, cá nhân tham dự phiên đấu giá là rất quan trọng. Tuy nhiên, cả luật và nghị định đều rất mơ hồ. Luật thì giao cho nghị định hướng dẫn, nhưng nghị định cũng chẳng có quy định nào cả. Công thức tính “tiền trúng đấu giá” tại nghị định có đến 4/5 thừa số - hệ số không cần thiết. Trong khi đó, hệ số cần thiết về cách trả tiền một lần hay nhiều lần để đảm bảo quyền lợi của Nhà nước thì không có.
Ngoài ra, còn có những quy định có thể bị “lách” như: quy định về vốn tự có của tổ chức được cấp phép, quy định về điều kiện được chuyển nhượng giấy phép...
- Nhưng chỉ bịt trong đấu giá trong Luật như vậy liệu đã đủ để DN cạnh tranh sòng phẳng, thưa ông ?
Theo tôi, trong Nghị định không phải chỉ cần “bịt” những kẽ hở để chống “lách” luật, mà cần phải “khai thông” những điểm sẽ bị “tắc” khi triển khai thực hiện. Đơn cử quy định tổ chức thăm dò được hưởng quyền ưu tiên cấp phép khai thác trong thời hạn 6 tháng là không khả thi. Trường hợp đấu giá khai thác ở những khu vực chưa thăm dò, tức là chưa có “trữ lượng khoáng sản đã được phê duyệt” thì xác định “tiền trúng đấu giá” trên cơ sở nào ?
Có một thực tế, thời hạn của phần lớn giấy phép chắc chắn sẽ lớn hơn 5 năm, nếu DN được phép nộp hàng năm thì Nhà nước sẽ “nắm đằng lưỡi”. Khi DN thấy hiệu quả khai thác không cao “bỏ của chạy lấy người”, thì Nhà nước sẽ thiệt hại.
Bên cạnh đó, với nhiều loại khoáng sản, DN có thể vừa thăm dò, vừa khai thác có hiệu quả hơn (đối với cả DN và cho cả Nhà nước). Nhưng luật lại quy định phải thăm dò xong mới được cấp giấy phép khai thác...
Việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản ở khu vực chưa thăm dò khoáng sản có nhiều rủi ro cho cả Nhà nước và DN. Chính vì vậy, các quy định mới cần phải làm rõ giữa đấu giá và đấu thầu. Ngoài việc “đấu giá” cần đề cập đến việc còn có thể áp dụng “đấu thầu”. Việc “đấu giá” chỉ nên giới hạn ở giai đoạn thăm dò, còn đối với giai đoạn khai thác nên đấu thầu. Khai thác khoáng sản còn liên quan đến nhiều yếu tố khác như yêu cầu về tài chính, công nghệ và khả năng chế biến sâu.
Chỉ đấu giá là chưa đủ ! Đấu thầu mới là giải pháp tối ưu. Đấu thầu có thể giải quyết cả bài toán về chống lãng phí (xuất khẩu khoáng sản sơ chế) lẫn bảo vệ môi trường một cách tốt nhất.
- Nhưng còn giấy phép đã được cấp trước thì sao. Những bất cập của các mỏ đang triển khai không ít, chúng cũng đã và đang gây thiệt hại đáng kể, thưa ông ?
Đúng vậy! Bên cạnh việc công khai minh bạch hoạt động đấu giá, đấu thầu thăm dò, khai thác, các giấy phép đã được cấp cũng cần phải rà soát lại. Phần lớn TNKS của chúng ta đã được cấp phép khai thác. Việc thăm dò, đánh giá trữ lượng của các mỏ mới cũng chỉ chiếm một tỷ lệ khá khiêm tốn so với những mỏ đã và đang khai thác.
Để tránh thất thoát, lãng phí, cơ quan quản lý có thể rà soát và cho đấu giá lại những mỏ không hiệu quả, gây ô nhiễm môi trường hoặc chưa đạt các yêu cầu về công nghệ, chế biến sâu... Qua đó, cơ hội sẽ được chia đều lại cho các DN. TNKS sẽ được sử dụng hiệu quả cho nền kinh tế.
Đặc biệt, để phù hợp với những yêu cầu của Luật DN, Luật Đấu thầu và Luật Đầu tư, Bộ Công Thương nên xem xét tổ chức lại các cơ quan tư vấn, thiết kế về khai thác - chế biến khoáng sản. Các cơ quan tư vấn nghiên cứu thiết kế này phải độc lập với các DN khai thác chế biến khoáng sản. Tránh tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi”, thủ tiêu tính khách quan và tính cạnh tranh của công tác tư vấn.
- Xin cảm ơn ông !
Theo D Đ D N