Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS Phạm Minh Tuấn, Bí thư Đảng ủy, Phó Tổng Biên tập phụ trách Tạp chí Cộng sản cho hay, vấn đề xây dựng chính quyền đô thị, như một hình thức chính quyền địa phương được thành lập ở các đô thị lớn (khác với chính quyền nông thôn) sớm được Đảng, Nhà nước ta quan tâm bởi đây là yêu cầu khách quan, tất yếu, hướng tới bảo đảm việc nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, sự quản lý nhà nước, phục vụ tốt hơn nữa nhu cầu của người dân, đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị bền vững và hội nhập quốc tế trong bối cảnh mới.
Cùng với Hà Nội và TPHCM, ngày 19/6/2020, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 119/2020/QH14 "Về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng". Theo đó, tổ chức thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng theo một số nội dung cơ bản: Chính quyền địa phương ở TP. Đà Nẵng là cấp chính quyền địa phương gồm có HĐND và UBND thành phố. Ở cơ sở gồm có UBND các quận và UBND các phường; không tổ chức HĐND cấp quận, phường. Việc tổ chức chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính khác của TP. Đà Nẵng được thực hiện theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Theo PGS.TS Phạm Minh Tuấn, hội thảo khoa học lần này với sự tham dự của những chuyên gia, nhà khoa học, người có kinh nghiệm trên lĩnh vực xây dựng chính quyền là cơ hội để thành phố Đà Nẵng được lắng nghe và tiếp thu ý kiến đóng góp để đề xuất cấp thẩm quyền sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119. Đồng thời sẽ cung cấp những luận cứ mang tính lý luận và thực tiễn sâu sắc, góp phần giúp các địa phương và cả Trung ương tiếp tục hoàn thiện mô hình này trong thời gian tới.
Ông Lương Nguyễn Minh Triết, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng cho hay, sau hơn 3 năm thực hiện thí điểm, mô hình chính quyền đô thị tại TP. Đà Nẵng (không tổ chức HĐND quận, phường) đã bước đầu phát huy được nhiều tính ưu việt; bộ máy hành chính nhà nước được sắp xếp tinh gọn gắn với đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền đã từng bước nâng cao được vai trò, trách nhiệm của chính quyền các cấp, phát huy được dân chủ ở cơ sở và nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hệ thống hành chính nhà nước.
UBND các quận, phường hoạt động theo cơ chế thủ trưởng đã phát huy được tính chủ động, linh hoạt, tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu. Chế độ công vụ mới tạo cơ sở cho việc chuẩn hóa đội ngũ công chức phường theo hướng chuyên nghiệp. Tổ chức điều hành phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) của UBND các cấp duy trì được ổn định, thông suốt; các chỉ tiêu KTXH cơ bản của địa phương đều đạt kết quả khá tốt; quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.
Quyền dân chủ của người dân tiếp tục được tăng cường và phát huy; người đứng đầu các cấp tích cực đối thoại với nhân dân, kịp thời giải quyết các phản ánh, kiến nghị của nhân dân ngay tại cơ sở. Đặc biệt, nhiều mô hình, cách làm hiệu quả của nhiều quận, phường trong quá trình thực hiện mô hình chính quyền đô thị. Theo kết quả khảo sát, hơn 80% người dân đồng thuận với chủ trương thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị trên địa bàn thành phố.
Song bên cạnh những kết quả đạt được, theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng, quá trình triển khai thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị trên địa bàn thành phố đã gặp phải một số khó khăn, lúng túng ban đầu về cơ chế quản lý tài chính - ngân sách, chế độ công vụ của cán bộ phường chưa thống nhất với công chức phường, quy định về tổ chức bộ máy của quận chưa linh hoạt với đặc thù từng quận..., một số cơ chế, chính sách đặc thù chưa triển khai, đang trong giai đoạn đề xuất hoặc chưa thực sự phát huy hiệu quả.
Ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cho biết, Đà Nẵng rút ra một số kinh nghiệm qua 3 năm thực hiện thí điểm tổ chức chính quyền đô thị. Đó là cần có quyết tâm chính trị cao, lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, đổi mới phương thức vận hành và cơ chế hoạt động của các cơ quan, tổ chức trong toàn hệ thống chính trị ở địa phương; công tác phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức cần đồng bộ, thống nhất trong toàn hệ thống chính trị của thành phố.
Bên cạnh đó, hệ thống văn bản pháp luật cần được ban hành đầy đủ, tránh chồng chéo; các chế độ, chính sách phải được ban hành kịp thời, bảo đảm đồng bộ, thống nhất, phù hợp với thực tiễn để giải quyết tốt việc sắp xếp tổ chức bộ máy, nhân sự. Coi trọng công tác đánh giá, lựa chọn, bố trí cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực đảm nhiệm các chức vụ người đứng đầu cơ quan hành chính (Chủ tịch UBND) ở quận, phường.
Đồng thời phải có cơ chế bảo đảm kiểm soát quyền lực đối với chức danh Chủ tịch UBND quận, phường, chú trọng công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tăng cường công tác giám sát, kiểm tra của cơ quan nhà nước cấp trên và của cấp uỷ đảng cùng cấp; tạo điều kiện cho UBMTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp tham gia giám sát đối với hoạt động của cơ quan hành chính (UBND) ở quận, phường và Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân quận; bảo đảm và tăng cường dân chủ trực tiếp của nhân dân; thực hiện có hiệu quả Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Ngoài ra, cần thực hiện tốt công tác tuyên truyền về thực hiện tổ chức mô hình chính quyền đô thị bằng nhiều hình thức; công khai, minh bạch hoạt động của bộ máy chính quyền địa phương, cập nhật thông tin kịp thời, đầy đủ về kết quả tổ chức thực hiện để tạo sự đồng thuận trong nhân dân; thường xuyên chỉ đạo, kiểm tra, tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá khách quan những kết quả đạt được, những hạn chế, vướng mắc trong thực hiện tổ chức chính quyền đô thị để kịp thời đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan.
"Trên cơ sở kết quả sơ kết 3 năm triển khai thực hiện thí điểm, thành phố Đà Nẵng đã đề xuất sửa đổi và đã được Quốc hội thống nhất tại Nghị quyết Kỳ họp thứ 6 vừa qua về chủ trương điều chỉnh, bổ sung Nghị quyết số 119. Theo đó, thành phố Đà Nẵng sẽ đề xuất cấp thẩm quyền các cơ chế, chính sách nhằm khắc phục những vướng mắc, bất cập cũng như các điều kiện để triển khai hiệu quả tổ chức mô hình chính quyền đô thị trên địa bàn thành phố trong thời gian tới", lãnh đạo thành phố Đà Nẵng cho hay.
Nhật Anh