Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Ngày 15/11/2024, Bộ Chính trị đã ra Thông báo kết luận 47-TB/TW về việc xây dựng Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam, theo đó, thành lập Trung tâm tài chính quốc tế toàn diện tại TPHCM và Trung tâm tài chính khu vực tại TP. Đà Nẵng. Ngày 31/12/2024, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết số 259/NQ-CP phê duyệt Kế hoạch hành động triển khai xây dựng Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam. Theo nội dung nghị quyết được công bố, Trung tâm tài chính quốc tế và khu vực sẽ được xây dựng tại TPHCM và TP. Đà Nẵng.
Về phạm vi phát triển Trung tâm tài chính khu vực tại Đà Nẵng, UBND thành phố đề xuất thực hiện một hệ sinh thái nhiều thành phần tại khu lõi gồm các lô đất A12, A13, A14, A15 trên đường Võ Văn Kiệt và lô đất A* giáp đường Võ Nguyên Giáp và Võ Văn Kiệt với diện tích hơn 6 ha, có thể mở rộng thành khu phố tài chính là vùng diện tích địa lý nằm tại khu công nghiệp Đà Nẵng với diện tích khoảng 62 ha; đồng thời phát triển Trung tâm công nghệ tài chính ở khu đất phía tây bắc đường dẫn lên cầu Thuận Phước với diện tích 9,7 ha. Các khu vực nêu trên được xác định là không gian lõi, được tập trung nguồn lực phát triển Trung tâm tài chính, có thể được điều chỉnh mở rộng theo từng giai đoạn.
UBND TP. Đà Nẵng cho biết, mô hình, định hướng phát triển Trung tâm tài chính tại Đà Nẵng sẽ tập trung phát triển các dịch vụ tài chính quốc tế và cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực Fintech gắn với đổi mới sáng tạo mà Nghị quyết số 136/2024/QH15 ngày 26/6/2024 của Quốc hội đã cho phép thí điểm, tạo tiền đề quan trọng để thúc đẩy việc hình thành Trung tâm tài chính khu vực tại Đà Nẵng.
Mục tiêu hướng đến cung cấp các dịch vụ tài chính để phục vụ thúc đẩy đầu tư, kinh doanh và thương mại quốc tế, trong đó bao gồm các dịch vụ tài chính nhằm mục tiêu huy động có hiệu quả các nguồn lực tài chính quốc tế phục vụ cho sự phát triển của khu thương mại tự do Đà Nẵng, Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia tại Đà Nẵng, xây dựng Đà Nẵng trở thành cửa ngõ đầu tư - thương mại - tài chính của quốc gia, khu vực.
Mục tiêu dài hạn là phát triển TP. Đà Nẵng trở thành trung tâm tài chính quốc tế và gia nhập mạng lưới các trung tâm tài chính khu vực Đông Nam Á sau năm 2045.
Theo UBND TP. Đà Nẵng, mô hình Trung tâm tài chính Đà Nẵng là một hệ sinh thái đa thành phần bao gồm các trung tâm phát triển tập trung cho 3 nhóm dịch vụ: Các dịch vụ tài chính quốc tế như dịch vụ thanh toán, thương mại quốc tế, dịch vụ quản lý rủi ro và giao dịch ngoại hối, dịch vụ tài chính xanh; các dịch vụ Fintech và TechFin, cung cấp phần mềm, nền tảng ứng dụng để thực hiện dịch vụ thanh toán, giao dịch tài sản mã hóa, các giải pháp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực tài chính dựa trên trí tuệ nhân tạo, cơ sở dữ liệu lớn, điện toán đám mây, Blockchain…; các dịch vụ hỗ trợ đầu tư, phát triển doanh nghiệp và dịch vụ tiện ích như kiểm toán, kế toán, dịch vụ pháp lý, tư vấn thuế, hải quan, các dịch vụ nghỉ dưỡng, hội nghị, vui chơi giải trí cao cấp, cho thuê, định giá bất động sản và các tài sản liên quan…
Triển khai xây dựng trung tâm tài chính, đến nay, TP. Đà Nẵng tập trung thực hiện với 2 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, gồm: Triển khai kế hoạch hành động của Chính phủ bao gồm các nhiệm vụ phối hợp với Bộ KH&ĐT và các bộ, ngành Trung ương tham mưu Chính phủ ban hành Quyết định thành lập Ban chỉ đạo liên ngành về trung tâm tài chính; tham gia dự thảo Quyết định thành lập tổ Công tác về xây dựng tổ chức bộ máy quản lý, điều hành trung tâm tài chính; thành lập Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc của Thành ủy Đà Nẵng về xây dựng và phát triển Trung tâm tài chính Đà Nẵng.
Thứ hai là nhóm nhiệm vụ, giải pháp, hoạt động trọng tâm trong việc chủ động phối hợp xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về xây dựng Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam, Nghị định của Chính phủ và Nghị quyết của HĐND thành phố; thiết lập và vận hành bộ máy quản lý trung tâm tài chính; bố trí, hoàn thiện các điều kiện về hạ tầng hỗ trợ hình thành và phát triển trung tâm tài chính; tập trung nguồn lực từ ngân sách Nhà nước và nguồn lực tư nhân để phát triển hạ tầng phục vụ trung tâm tài chính; tăng cường đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực bao gồm cả ở khu vực công và khu vực tư; nghiên cứu xác định cơ chế tài phán trong trung tâm tài chính và tổ chức thực hiện sơ kết, tổng kết Kế hoạch để bảo đảm triển khai thực hiện có hiệu quả.
Bên cạnh việc xây dựng Kế hoạch triển khai, TP. Đà Nẵng đang nghiên cứu, xây dựng chương trình, kế hoạch truyền thông, mời gọi các nhà đầu tư chiến lược, các định chế tài chính, các quỹ đầu tư, các tổ chức tập đoàn lớn trong lĩnh vực công nghệ, tài chính, dịch vụ trong nước và quốc tế tham gia đầu tư và phát triển Trung tâm tài chính Đà Nẵng; nghiên cứu xây dựng đề án, chương trình đào tạo, liên kết với các cơ sở đào tạo quốc tế trong đào tạo nguồn nhân lực phục vụ trung tâm tài chính.
Trong khuôn khổ Hội thảo "Phát triển Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam" sẽ được tổ chức vào ngày 16/1 tới đây, TP. Đà Nẵng sẽ xem xét xúc tiến ký kết một số biên bản ghi nhớ hợp tác một số nội dung liên quan như: Nghiên cứu đề xuất cơ chế chính sách đặc thù, vượt trội; xúc tiến, mời gọi các nhà đầu tư, phát triển nguồn nhân lực… phục vụ xây dựng và phát triển Trung tâm tài chính Đà Nẵng với một số tổ chức tài chính, quỹ đầu tư và đơn vị có liên quan.
Các tổ chức tài chính, quỹ đầu tư tài chính này rất quan tâm đến việc phát triển Trung tâm tài chính Đà Nẵng theo hướng gắn với đổi mới sáng tạo, tài chính xanh, công nghệ tài chính, tài chính thương mại và giải trí thế giới để cộng hưởng với các lợi thế từ vị trí địa chính trị, kinh tế trong hành lang Ấn Độ - Thái Bình Dương và môi trường sống, hạ tầng đô thị, các dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng của Đà Nẵng tạo nên một sự kết hợp khác biệt giữa các dịch vụ tài chính truyền thống và công nghệ tiên tiến hàng đầu, thúc đẩy giao lưu, hợp tác và đầu mối giao thương của tất cả các bên trong các chuỗi giá trị toàn cầu đang dịch chuyển.
Nhật Anh