Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ, Đại sứ Brazil tại Việt Nam bảy tỏ vui mừng và phấn khởi chờ đợi chuyến thăm chính thức Brazil sắp tới của Thủ tướng Phạm Minh Chính theo lời mời của Tổng thống Brazil Lula da Silva.
Ông Marco Farani cho rằng, mặc dù cách xa về địa lý, nhưng quan hệ hợp tác giữa Brazil và Việt Nam còn rất nhiều triển vọng, đặc biệt về thương mại, du lịch, nông nghiệp, năng lượng và giáo dục.
Đồng thời, Đại sứ cũng hy vọng hai nước tăng cường củng cố tin cậy chính trị, làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác nhiều mặt.
Cả hai nước đều nằm ở phía Nam Bán cầu, cùng chung những khát vọng và đều là những nước đi đầu và có tầm quan trọng đặc biệt trong khu vực. Vì vậy, hai nhà lãnh đạo Việt Nam và Brazil sẽ đối thoại về những vấn đề này trong cuộc gặp sắp tới.
Trên phạm vi quốc tế, Brazil vừa đảm nhận vai trò Chủ tịch luân phiên của Khối Thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR). Với vai trò này, Brazil sẽ nỗ lực tăng cường đối thoại nội khối, nhằm mở rộng thương mại tự do giữa các thị trường khu vực. Hiệp định thương mại tự do giữa MERCOSUR và Việt Nam là mục tiêu của cả hai bên. Tổng thống Lula đã tuyên bố rằng ông sẽ làm việc với các nhà lãnh đạo khác trong khối MERCOSUR để đẩy nhanh thỏa thuận với Việt Nam.
Thêm vào đó, bắt đầu từ năm tới, Brazil sẽ đảm nhận vai trò Chủ tịch G20. Đây là cơ hội để thúc đẩy sự phối hợp giữa các thành viên nhằm bảo vệ một cộng đồng quốc tế công bằng, bền vững và hòa bình hơn, Đại sứ chia sẻ thêm.
Liên quan tới tiềm năng hợp tác kinh tế song phương trong thời gian tới, ông Marco Farani cho rằng, thương mại song phương giữa hai nước hiện đạt khoảng 7 tỷ USD, hai bên vẫn còn nhiều tiềm năng to lớn cần được khai phá trong lĩnh vực nông nghiệp và năng lượng xanh.
Brazil đứng thứ 9 trên thế giới về quy mô nền kinh tế vào năm 2019, là một trong những nền kinh tế lớn nhất thế giới. Brazil giàu tài nguyên thiên nhiên và cũng có nền nông nghiệp phát triển vượt bậc.
Trong khi đó, Việt Nam là nước có tốc độ tăng trưởng nhanh, có thể trở thành nước có thu nhập trung bình cao trong 10 năm tới. Brazil lạc quan về sự tăng trưởng và năng động của nền kinh tế Việt Nam, có rất nhiều lĩnh vực mà hai bên có thể hợp tác cùng nhau.
Với nền kinh tế bổ sung cho nhau và có chung động lực phát triển, Brazil và Việt Nam có mối quan tâm chung trong các lĩnh vực có tầm quan trọng đặc biệt như nông nghiệp xanh, chuyển đổi năng lượng, số hóa và đổi mới.
"Bên cạnh đó, cả hai quốc gia đều là những nước có thu nhập trung bình với dân số đông và trẻ. Việt Nam và Brazil đều coi trọng hòa bình và ổn định, đồng thời hai nước đều có vai trò quan trọng trong các vấn đề quốc tế", Đại sứ nhấn mạnh.
Ông Marco Farani cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực năng lượng tái tạo vì đây là lĩnh vực mà Brazil rất có thế mạnh. Tại Brazil, 90% điện năng được tạo ra từ năng lượng tái tạo và đó là điều mà phía Brazil có thể chia sẻ và có thể giúp Việt Nam giảm lượng khí thải trong tương lai, nhằm thực hiện các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã đưa ra, giảm lượng phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050.
Về hợp tác trong giáo dục, hai bên đã ra mắt cuốn từ điển Bồ Đào Nha-Việt Nam đầu tiên nhờ hoạt động của hội hữu nghị Brazil và Việt Nam. Đó là một cột mốc quan trọng trong hợp tác giáo dục hai nước.
Chính phủ Brazil duy trì mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với Đại học Hà Nội, thông qua sự hỗ trợ của Bộ Ngoại giao Brazil, đã thành lập một chương trình đào tạo chuyên giảng dạy văn hóa Brazil và tiếng Bồ Đào Nha. Chương trình Readership tại Hà Nội là một phần trong mạng lưới giáo dục của Bộ Ngoại giao và hiện có khoảng 300 sinh viên tham gia.
Hai nước đang có kế hoạch ký Biên bản ghi nhớ giữa Đại học Hà Nội với một trường đại học ở Brazil để hỗ trợ sinh viên Đại học Hà Nội đến Brazil nhằm nâng cao trình độ tiếng Bồ Đào Nha. Các sinh viên này cũng được hỗ trợ học các chương trình Thạc sĩ và Tiến sĩ..
Đổi mới trong giáo dục, trong chuyển đổi kỹ thuật số, trong khoa học và công nghệ cũng là những trọng tâm trong hợp tác song phương giữa hai quốc gia trong thời gian tới, Đại sứ chia sẻ./.
Thùy Dung