Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Nằm trong chuỗi hội thảo quốc tế về nông nghiệp thông minh do Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) phối hợp với các mạng lưới đổi mới sáng tạo tại Australia, châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), ngày 8/5, Hội thảo quốc tế về nông nghiệp hiệu quả cao tại Việt Nam năm 2022 đã được tổ chức theo hình thức trực tuyến.
Bộ trưởng Bộ NNN&PTNT Lê Minh Hoan và Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương tham dự chương trình.
Hội thảo nhằm hỗ trợ cung cấp thông tin công nghệ mới trong lĩnh vực nông nghiệp của các quốc gia phát triển tới các doanh nghiệp Việt Nam; hỗ trợ các địa phương ở Việt Nam tìm ra các giải pháp nâng cao năng suất cây trồng phục vụ xuất khẩu.
Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, với vai trò là cơ quan tham mưu tổng hợp chiến lược về kinh tế vĩ mô, Bộ KH&ĐT luôn xác định nông nghiệp có vai trò hết sức quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam và đặc biệt phát huy giá trị trong việc thực hiện phát triển nhanh và bền vững, đảm bảo an sinh xã hội cũng như bảo vệ môi trường.
Đảng và Nhà nước cũng đã có nhiều chủ trương, chính sách để thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong nông nghiệp. Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã đề ra chủ trương tập trung phát triển các ngành ưu tiên có mức độ sẵn sàng cao, trong đó có nông nghiệp số.
Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng cũng đề ra 6 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó có chính sách hỗ trợ hiệu quả doanh nghiệp trong nông nghiệp; đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Thời gian qua, Bộ KH&ĐT đã chủ động thúc đẩy các hoạt động kết nối thông qua mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam tại nhiều nước trên thế giới nhằm tạo diễn đàn trao đổi về thực tiễn phát triển nông nghiệp, ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo trong các hoạt động nông nghiệp của các nước tiên tiến. Đây là nguồn kiến thức hết sức giá trị và thực tiễn cho các doanh nghiệp, cá nhân và cả nhà quản lý trong lĩnh vực nông nghiệp.
"Đặc biệt với sự tham gia của Bộ NN&PTNT, đây là bước khởi đầu tích cực để kết nối các nguồn lực tri thức, góp phần thúc đẩy nông nghiệp Việt Nam chủ động tiếp cận với các giải pháp, công nghệ, kỹ thuật nông nghiệp tiên tiến của các nước trên thế giới", ông Phương tin tưởng.
Bộ KH&ĐT đã tích cực thực hiện chủ trương thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp và phối hợp với Bộ NN&PTNT bố trí các nguồn vốn đầu tư công đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng quy mô lớn, hiện đại, sản xuất liên kết chuỗi giá trị, ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông nông nghiệp.
Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là lần đầu tiên nền nông nghiệp Việt Nam có một chiến lược mang tính dài hạn và tích hợp cả nông nghiệp và nông thôn. Chiến lược đặt ra mục tiêu giải quyết những vấn đề nội tại của nền nông nghiệp Việt Nam khi đang đứng trước sự thay đổi toàn cầu như VUCA (biến động, bất định, phức tạp và mơ hồ), biến đổi khí hậu, biến động thị trường, tích hợp giá trị của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 giữa nền nông nghiệp tri thức và nông nghiệp thông minh.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị cần có một diễn đàn để kết nối các chuyên gia tham gia chia sẻ thông tin, sáng kiến và xây dựng kế hoạch hành động để giải quyết các vấn đề mà nông nghiệp Việt Nam còn gặp phải, hỗ trợ nền nông nghiệp Việt Nam chuyển động nhanh hơn và tiếp cận với nhiều điều mới.
Cũng tại hội thảo, đại diện các cơ quan liên quan, đại diện các chuyên gia, tổ chức, doanh nghiệp và các quỹ đầu tư đã chia sẻ, giới thiệu các đề án nghiên cứu khoa học tiên tiến về lĩnh vực nông nghiệp hiệu quả cao.
Hội thảo cũng đã cung cấp thông tin công nghệ mới trong lĩnh vực nông nghiệp, đồng thời giới thiệu cơ hội đầu tư, mở rộng thị trường của doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam và của doanh nghiệp Việt Nam ra thị trường quốc tế./.