Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Trao đổi với Báo điện tử Chính phủ về các hoạt động kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ năm 2023, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan khẳng định, chuỗi các hoạt động được tổ chức trang trọng, thiết thực khắp cả nước tri ân các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng.
Thưa Thứ trưởng, những hoạt động nổi bật nào đã và đang được triển khai để hướng tới kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ năm nay?
Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan: Dịp kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2023) năm nay, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ Kế hoạch các hoạt động tưởng niệm, tri ân trên toàn quốc có sự tham gia của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương.
Tại huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, trong hai ngày 19 và 20/7, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cùng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã dâng hương, viếng các liệt sĩ, nhà cách mạng yêu nước tại Nghĩa trang Hàng Dương, thăm và tặng quà các gia đình cựu tù chính trị, gia đình chính sách trên địa bàn Côn Đảo.
Ngày 22/7 tại thành phố Huế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các đơn vị tổ chức Hội nghị biểu dương người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc năm 2023 với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và 300 đại biểu bao gồm Mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng LLVTND; Anh hùng Lao động; các vị lão thành cách mạng, các thương binh, bệnh binh… đại diện cho hơn 9,2 triệu người có công cả nước.
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã tổ chức dâng hương, viếng các Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia đường 9, Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn, thăm và tặng quà gia đình chính sách người có công trên địa bàn; việc tổ chức lễ dâng hương và thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ tại các nghĩa trang liệt sĩ trên toàn quốc diễn ra vào 20 giờ ngày 26/7, do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh chủ trì. Nhân dịp này, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì cuộc vận động ủng hộ Quỹ Đền ơn đáp nghĩa Trung ương…
Cũng trong tháng 7, việc tổ chức thăm hỏi, tặng quà người có công, thân nhân người có công với cách mạng diễn ra đều khắp tại các địa phương cả nước và tại các trung tâm nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng với sự tham gia của các đồng chí lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương….
Sáng ngày 27/7 tại Hà Nội, Lễ dâng hương, dâng hoa tại Đài tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ được tổ chức với sự tham dự của các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các ban, bộ ngành Trung ương và thành phố Hà Nội…
Có thể khẳng định, các hoạt động tri ân các anh hùng liệt sĩ, gia đình người có công với cách mạng luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo và tham gia thường xuyên từ các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước hằng năm, trong đó cao điểm là các hoạt động vào dịp tháng 7 - tháng "Đền ơn đáp nghĩa", "Uống nước, nhớ nguồn" của cả nước.
Cả nước hiện có hơn 9,2 triệu người có công với cách mạng, trong đó gần 1,4 triệu người có công được hưởng chế độ ưu đãi hằng tháng. Xin Thứ trưởng cho biết, thời gian qua Bộ đã nghiên cứu, tham mưu ban hành các chính sách nâng cao đời sống cho người có công như thế nào?
Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan: Ngày 29/8/1994, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tham mưu trình Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội khoá IX đã thông qua Pháp lệnh ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng (nay gọi là Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng).
Từ đó đến nay, Pháp lệnh đã trải qua 7 lần sửa đổi vào các năm 1998, 2000, 2002, 2005, 2007, 2012 và 2020, cùng với đó là hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các bộ ngành liên quan ban hành một cách đồng bộ để triển khai thực hiện Pháp lệnh nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về công tác người có công với cách mạng, là nền tảng pháp lý cho các cấp chính quyền tổ chức triển khai chăm lo đời sống vật chất, tinh thần người có công và thân nhân người có công với cách mạng.
Gần đây nhất, Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi) năm 2020 được thông qua ngày 9/12/2020, gồm 7 chương và 58 điều, trong đó bổ sung 2 chương mới: "Công trình ghi công liệt sĩ, mộ liệt sĩ" và "Nguồn lực thực hiện"; bổ sung 10 điều mới và sửa đổi nội dung 41 điều trên cơ sở kế thừa các quy định đã thực hiện ổn định trong thực tiễn thời gian qua.
Pháp lệnh mở rộng việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng và bổ sung đối tượng người có công và thân nhân như người bị địch bắt tù đày do trực tiếp hoạt động cách mạng, trực tiếp chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế sau năm 1975; mở rộng đối tượng người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc; bổ sung đối tượng hưởng ưu đãi là vợ hoặc chồng liệt sĩ lấy chồng hoặc vợ khác mà nuôi con liệt sĩ đến tuổi trưởng thành hoặc chăm sóc cha mẹ đẻ liệt sĩ khi còn sống hoặc vì hoạt động cách mạng mà không có điều kiện chăm sóc cha mẹ đẻ liệt sĩ khi còn sống.
Pháp lệnh cũng chuẩn hóa các điều kiện, tiêu chuẩn xem xét công nhận người có công với cách mạng theo đúng nguyên tắc chặt chẽ, thật sự xứng đáng, tôn vinh đúng đối tượng. Các điều kiện, tiêu chuẩn đối với 12 diện đối tượng người có công với cách mạng đã được rà soát kỹ từ thực tiễn.
Chế độ ưu đãi đối với người có công và thân nhân được tập hợp để quy định một cách thống nhất, rõ ràng, cụ thể hơn. Quy định rõ nguyên tắc hưởng trợ cấp, phụ cấp ưu đãi người có công với cách mạng; quy định chế độ trợ cấp mai táng; bổ sung chế độ bảo hiểm y tế và trợ cấp tuất hàng tháng đối với vợ hoặc chồng liệt sĩ tái giá; quy định mức trợ cấp hàng tháng với Bà mẹ Việt Nam anh hùng bằng 3 lần mức chuẩn, không phụ thuộc vào số con liệt sĩ.
Tính chung từ năm 2012 đến nay, đã có 69 văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có 3 pháp lệnh của Quốc hội, 1 chỉ thị của Bộ Chính trị, 1 chỉ thị của Ban Bí thư, 2 nghị quyết của Chính phủ, 11 nghị định của Chính phủ, 10 quyết định của Chủ tịch nước, 2 chỉ thị và 10 quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 29 thông tư và thông tư liên tịch của các bộ, ngành về công tác chăm sóc, nâng cao đời sống người có công, thân nhân người có công với cách mạng đã được ban hành và tổ chức thực hiện.
Nhìn chung, các văn bản quy phạm pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng đã thể chế hóa tương đối đầy đủ các chủ trương của Đảng đối với người có công với cách mạng và thân nhân; các chế độ ưu đãi được tập hợp quy định thống nhất, rõ ràng, cụ thể theo từng đối tượng; tạo khung khổ pháp lý thuận lợi để các cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân tham gia tích cực vào các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, chăm lo người có công, tạo sự đồng thuận trong xã hội và tạo điều kiện thuận lợi để người có công xây dựng cuộc sống, tiếp tục khẳng định vai trò trong cộng đồng và xã hội.
Cùng với các chính sách, chế độ ưu đãi nêu trên, nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng tại các cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng, Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt quy hoạch mạng lưới các cơ sở xã hội nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Mục tiêu của quy hoạch này hướng đến việc hình thành một hệ thống cơ sở có đủ quy mô, năng lực đáp ứng yêu cầu nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công; đảm bảo người có công được tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc toàn diện cả về thể chất và tinh thần.
Một trong những thành tựu lớn trong thực hiện chính sách người có công với cách mạng những năm qua là việc toàn ngành Lao động – Thương binh và Xã hội đã tập trung xác nhận, giải quyết hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận người có công. Xin Thứ trưởng chia sẻ cụ thể hơn về vấn đề này?
Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan: Thực hiện Chỉ thị số 14-CT/TW ngày 19/7/2017 của Ban Bí thư khóa XII, đến năm 2020 toàn quốc đã giải quyết cơ bản hồ sơ tồn đọng theo Quyết định số 408/QĐ-LĐTBXH ngày 20/3/2017 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về Quy trình giải quyết hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận người có công, bảo đảm công khai minh bạch.
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng sự giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, đặc biệt là ý kiến của các vị lão thành cách mạng, lãnh đạo địa phương qua các thời kỳ, cả nước đã xem xét giải quyết trên gần 7.000 hồ sơ tồn đọng và trình Thủ tướng Chính phủ công nhận và cấp bằng Tổ quốc ghi công đối với hơn 2.400 liệt sĩ, hơn 2.700 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh. Những hồ sơ không đủ điều kiện trả về địa phương cũng được trả lời thấu tình, đạt lý.
Có thể nói, chính sách chăm sóc người có công được thực hiện toàn diện và luôn là chính sách được triển khai tốt nhất trong các chính sách xã hội. Đặc biệt là việc quyết liệt giải quyết hồ sơ tồn đọng, công tác xác nhận người có công được tổ chức thực hiện đảm bảo không bỏ sót những người có đóng góp cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và thực hiện nghĩa vụ quốc tế.
Đối tượng người có công được mở rộng; mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi được nâng lên để đảm bảo mức sống của gia đình người có công bằng hoặc cao hơn mức trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú.
Bộ Quốc phòng và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp thực hiện tốt việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ; xác định danh tính hài cốt liệt sĩ; nghĩa trang liệt sĩ và công trình ghi công liệt sĩ được tu bổ, nâng cấp thường xuyên…
Bên cạnh những chính sách của Đảng và Nhà nước, sự đóng góp của cộng đồng là nguồn lực không thể thiếu trong thực hiện các chính sách chăm lo người có công với cách mạng. Vậy, trong thời gian tới đây, việc huy động nguồn lực xã hội chăm lo tốt hơn nữa đời sống người có công sẽ như thế nào thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan: Hiện nay, cả nước có trên 1,2 triệu người có công với cách mạng được hưởng trợ cấp và hơn 280 nghìn thân nhân người có công đang hưởng trợ cấp tiền tuất hằng tháng.
Từ năm 2020 đến nay, do tác động của đại dịch COVID-19 đời sống nhân dân gặp rất nhiều khó khăn, tuy nhiên công tác chăm sóc người có công với cách mạng vẫn được Đảng và Nhà nước ưu tiên quan tâm cả về vật chất lẫn tinh thần, do đó đời sống của người có công và thân nhân của họ vẫn được bảo đảm ổn định.
Mức chuẩn trợ cấp, phụ cấp ưu đãi người có công luôn được điều chỉnh tăng phù hợp với lộ trình điều chỉnh tăng mức tiền lương cơ sở.
Mới đây, đúng vào dịp kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 55/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 75/2021/NĐ-CP quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng.
Với Nghị định 55/NĐ-CP, mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng tăng từ 1.624.000 đồng lên 2.055.000 đồng, làm căn cứ để tính mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng và thân nhân người có công với cách mạng.
Tôi cho rằng, các phong trào "Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng", ủng hộ Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa" ngày càng phát triển sâu rộng, được xã hội đồng tình, hưởng ứng, trở thành nét đẹp truyền thống của dân tộc.
Chỉ tính trong giai đoạn 2012-2022, ngân sách nhà nước đã dành hơn 357 nghìn tỷ đồng để thực hiện chế độ đối với người có công và thân nhân, gia đình người có công; cả nước đã vận động được trên 13.000 tỷ đồng để hỗ trợ hộ gia đình người có công xây dựng mới trên 84.000 căn nhà và sửa chữa trên 69.000 căn nhà tình nghĩa; tặng gần 126.000 sổ tiết kiệm cho gia đình chính sách với tổng số tiền trên 1.000 tỷ đồng và hỗ trợ một số trường hợp đặc biệt khó khăn; 2.998 Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống được các tổ chức, đoàn thể nhận chăm sóc, phụng dưỡng suốt đời.
Trong thời gian tới đây, Nhà nước xây dựng chiến lược tài chính để thực hiện chính sách xã hội, trong đó có chính sách người có công, trên cơ sở nguồn lực nhà nước đóng vai trò chủ đạo, đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa và sự tham gia của người dân. Nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, huy động, phân bổ, sử dụng các nguồn lực tài chính; tiếp tục đa dạng hóa các hình thức huy động và sử dụng nguồn lực trong công tác chăm sóc người có công.
Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!
Thu Cúc