Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch Hội đồng tư vấn đặc xá dự và chỉ đạo Hội nghị về công tác đặc xá - Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng
Chiều 8/7, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch Hội đồng tư vấn đặc xá dự và chỉ đạo Hội nghị tổng kết công tác đặc xá (đợt 30/4/2025) và triển khai thực hiện Quyết định của Chủ tịch nước về đặc xá năm 2025 (đợt 2, nhân dịp Quốc khánh 2/9). Hội nghị được kết nối trực tuyến từ Bộ Công an tới Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Công tác đặc xá được triển khai nghiêm túc, bảo đảm dân chủ, khách quan
Báo cáo của Bộ Công an khẳng định, đặc xá năm 2025 (đợt 30/4/2025) diễn ra trong thời gian rất ngắn, nhưng do có sự chỉ đạo thống nhất, đúng đắn, kịp thời của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và sự chủ động tích cực, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các bộ, ngành, địa phương, nhất là các bộ, ngành là thành viên Hội đồng tư vấn đặc xá (HĐTVĐX) cùng với sự nỗ lực, quyết tâm của các bộ, ngành cũng như Công an các đơn vị, địa phương nên công tác đặc xá đã được tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, bảo đảm dân chủ, khách quan, công bằng, công khai, minh bạch, chặt chẽ, đúng đối tượng, điều kiện theo Quyết định của Chủ tịch nước về đặc xá năm 2025 (đợt 30/4/2025), Hướng dẫn của HĐTVĐX và bảo đảm tiến độ đề ra.
Tổng số người được đặc xá (đợt 30/4/2025) là 8.055 người, trong đó có 8.054 phạm nhân và 1 người đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù. Tỉ lệ tái phạm sau đặc xá thấp, đến nay mới ghi nhận 4 người được đặc xá đợt 30/4 có hành vi vi phạm pháp luật, chiếm tỉ lệ 0,05%, trong đó xử lý hình sự 3 người, xử lý hành chính 1 người.
Theo Bộ Công an, việc đặc xá cho số phạm nhân là người nước ngoài đã góp phần thực hiện công tác đối ngoại, thúc đẩy quan hệ với các nước đối tác quan trọng và được các nước đánh giá cao.
Đồng thời, việc thực hiện tốt công tác đặc xá đã có tác dụng động viên, khuyến khích những người đang chấp hành án phạt tù yên tâm chấp hành bản án, thi đua học tập cải tạo tiến bộ để có đủ điều kiện được hưởng chính sách khoan hồng, nhân đạo của Đảng và Nhà nước.
Đặc xá năm 2025 (đợt 30/4/2025) cũng khẳng định kết quả của sự nỗ lực, cố gắng trong công tác quản lý, giáo dục cải tạo phạm nhân của cán bộ, chiến sĩ công tác tại các cơ sở giam giữ phạm nhân. Trong quá trình triển khai, Chính phủ và HĐTVĐX đã chỉ đạo các cơ quan hữu quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền để quần chúng nhân dân tin tưởng và hiểu rõ hơn về chính sách nhân đạo, khoan hồng của Đảng và Nhà nước đối với người phạm tội, tạo sự đồng thuận trong xã hội, góp phần tích cực vào việc đấu tranh chống các thế lực thù địch xuyên tạc, vu cáo Việt Nam vi phạm nhân quyền.
Bên cạnh kết quả đạt được, công tác đặc xá cũng có những khó khăn, vướng mắc nhất định. Đó là, công tác đặc xá diễn ra trong thời gian ngắn nên các cơ sở giam giữ phạm nhân gặp khó khăn nhất định trong việc cho phạm nhân liên hệ với thân nhân để bổ sung các tài liệu chứng minh có đủ điều kiện được đề nghị đặc xá (tài liệu chứng minh đã thực hiện xong hình phạt bổ sung là phạt tiền, bồi thường thiệt hại, tài liệu chứng minh có các tình tiết được ưu tiên trong xét đặc xá…).
Đa số người được đặc xá có trình độ học vấn thấp, nhận thức pháp luật, trình độ tay nghề và khả năng lao động hạn chế, không có phương tiện, công cụ lao động, nhiều người được đặc xá còn có tâm lý mặc cảm, tự ti, chưa mạnh dạn, ngại tiếp xúc với xã hội nên gặp khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm sau khi được đặc xá; bên cạnh đó, một số người dân còn có tư tưởng kỳ thị, xa lánh đối với người có quá khứ phạm tội nên công tác tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù nói chung và người được đặc xá nói riêng gặp những khó khăn nhất định.
Mặc dù quy định của pháp luật, các văn bản hướng dẫn về công tác hòa nhập cộng đồng cho người chấp hành xong án phạt tù đã tương đối đầy đủ, cụ thể, tuy nhiên, cấp ủy, chính quyền và các ban ngành, đoàn thể cấp cơ sở ở một số nơi chưa nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm đối với công tác này, còn coi công tác quản lý, giám sát, giáo dục, giúp đỡ người đặc xá là nhiệm vụ riêng của lực lượng Công an nên chưa huy động được sự tham gia đông đảo của các tổ chức chính trị - xã hội, cá nhân, đoàn thể và của quần chúng nhân dân.
Theo Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình, đặc xá vừa thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật, vừa thể hiện tính nhân văn sâu sắc của chế độ ta với những người lầm lỗi biết ăn năn, hối cải, tích cực sửa chữa lỗi lầm để trở thành người lương thiện - Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng
Những bài học kinh nghiệm được rút ra
Theo Bộ Công an, qua các đợt đặc xá thực hiện theo Luật Đặc xá năm 2018, trong đó có đặc xá năm 2025 (đợt 30/4/2025) có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm.
Một là, công tác đặc xá nói chung và công tác tái hòa nhập cộng đồng cho người được đặc xá nói riêng phải được đặt dưới sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, sự chỉ đạo chặt chẽ của Chính phủ thì mới huy động được sức mạnh của toàn bộ hệ thống chính trị trong tổ chức thực hiện.
Hai là, các bộ, ngành là thành viên Hội đồng tư vấn đặc xá và các bộ, ngành có liên quan phải có sự thống nhất để phối hợp chặt chẽ trong việc thực hiện các quyết định về đặc xá của Chủ tịch nước thì công tác đặc xá mới đạt hiệu quả, chất lượng, bảo đảm tiến độ đề ra.
Ba là, cần tăng cường công tác giáo dục phạm nhân để họ hiểu rõ ý nghĩa chính sách nhân đạo của Đảng, Nhà nước; giúp phạm nhân yên tâm cải tạo, tránh các biểu hiện tiêu cực.
Bốn là, tổ chức tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ đầy đủ, cụ thể cho cán bộ làm công tác xét, đề nghị lập hồ sơ ở các trại giam, trại tạm giam và cán bộ các tổ thẩm định liên ngành; phải làm tốt công tác chính trị tư tưởng cho cán bộ, chiến sĩ để vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt công tác đặc xá cũng như hạn chế sai sót.
Năm là, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến về đặc xá có vai trò rất quan trọng trong việc định hướng dư luận cũng như để mọi tầng lớp nhân dân hiểu rõ về chính sách nhân đạo, khoan hồng của Đảng, Nhà nước ta đối với người phạm tội, nhất là nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội và quần chúng nhân dân, xóa bỏ sự kì thị đối với người được đặc xá.
Sáu là, để thực hiện được mục đích cuối cùng của đặc xá là người được đặc xá ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng, hạn chế vi phạm pháp luật và tái phạm tội thì phải huy động được sự quan tâm, hỗ trợ của các doanh nghiệp, tổ chức xã hội, đoàn thể. Thực tiễn cho thấy, ở địa phương nào thực hiện tốt chủ trương này thì sẽ có nhiều mô hình tiêu biểu trong công tác hòa nhập cộng đồng cho người được đặc xá.
Bảy là, sau mỗi lần đặc xá cần tổ chức tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm để tham mưu cho lãnh đạo các cấp, chỉ đạo tổ chức các đợt đặc xá sau được tốt hơn.
Bộ Công an khẳng định sẽ tiếp tục phối hợp tốt với các bộ, ngành hữu quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện có hiệu quả công tác tái hòa nhập cộng đồng; chỉ đạo lực lượng Công an cơ sở đẩy mạnh công tác nắm tình hình, quản lý đối tượng sau đặc xá để tham mưu cho chính quyền trong công tác quản lý, giáo dục, giúp đỡ người được đặc xá tái hòa nhập cộng đồng; phối hợp với các cơ quan chức năng theo dõi, giám sát việc thi hành các hình phạt bổ sung khác mà người được đặc xá phải thực hiện.
Xuất phát từ truyền thống nhân đạo của dân tộc và chính sách khoan hồng của Đảng, Nhà nước Việt Nam đối với người phạm tội cũng như kết quả thực hiện công tác đặc xá đợt 30/4/2025 và tình hình thực tế của công tác thi hành án phạt tù trong thời gian qua, theo đề nghị của Chính phủ, ngày 3/7/2025, Chủ tịch nước Lương Cường đã ký Quyết định số 1244 về đặc xá năm 2025 đợt 2, nhân dịp kỷ niệm 80 năm Quốc khánh 2/9.
Triển khai Quyết định số 1244 của Chủ tịch nước và Hướng dẫn của HĐTVĐX, tại Hội nghị, đại diện Bộ Công an đã Công bố Quyết định của Bộ trưởng Bộ Công an về việc thành lập Ban Chỉ đạo về đặc xá năm 2025 (đợt 2); Quyết định ban hành biểu mẫu và hướng dẫn sử dụng biểu mẫu để thực hiện công tác đặc xá năm 2025 (đợt 2) và quán triệt một số nội dung cần tập trung tổ chức triển khai thực hiện công tác đặc xá năm 2025 (đợt 2).
Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình đề nghị các bộ, ban, ngành, địa phương rút kinh nghiệm, phát huy kết quả đợt đặc xá dịp 30/4, tiếp tục thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm - Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng
Vừa thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật, vừa thể hiện tính nhân văn sâu sắc của chế độ
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh, qua đợt đặc xá dịp 30/4, chúng ta có 8 thành công. Những thành công này là bài học kinh nghiệm quý cho công tác đặc xá được tiến hành đợt 2 (dịp 2/9) tới đây.
Cụ thể, những thành công này được thể hiện: Công tác tham mưu rất chính xác, kịp thời. Việc ban hành các văn bản rất trúng và chặt chẽ. Việc xét duyệt hồ sơ là công khai, minh bạch, hết sức dân chủ, nghiêm túc. Việc tổ chức quyết định đặc xá và bàn giao người được đặc xá cho địa phương được thực hiện nghiêm túc, đồng loạt ở các trại giam trên toàn quốc, được dư luận, nhân dân đánh giá cao, tạo ra không khí hân hoan, phấn khởi trong nhân dân và đây cũng là minh chứng về đường lối của Đảng và Nhà nước rất nghiêm khắc nhưng cũng rất nhân văn, nhân đạo đối với người phạm tội biết ăn năn hối cải và cũng là minh chứng khẳng định môi trường chính trị-xã hội ổn định, cuộc sống thanh bình, bền vững vì nếu trật tự xã hội không ổn định thì chắc chắn không thể đặc xá cho một số lượng người lớn như vậy. Công tác tuyên truyền về đặc xá là rất tốt. Thông qua đặc xá, chúng ta đã tiến hành giải quyết đơn thư và điều rất mừng là đơn thư không nổi lên những vấn đề phức tạp. Việc thực hiện các nghĩa vụ dân sự trong các bản án rất thành công, các bản án được chấp hành nghiêm minh cả về nghĩa vụ hình sự và dân sự qua việc bồi thường, bồi hoàn, khắc phục hậu quả. Sau khi đặc xá, công tác tái hòa nhập cộng đồng đối với người được đặc xá tha tù trước thời hạn được triển khai thực hiện tốt ở các địa phương.
Theo Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình, đặc xá là chủ trương lớn, thể hiện chính sách khoan hồng, nhân đạo mang đậm bản sắc văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam; vừa thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật, vừa thể hiện tính nhân văn sâu sắc của chế độ ta với những người lầm lỗi biết ăn năn, hối cải, tích cực sửa chữa lỗi lầm để trở thành người lương thiện.
Kế thừa và phát huy truyền thống nhân đạo của dân tộc Việt Nam, gần 80 năm qua với chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước Việt Nam, đã có gần 40 lần đặc xá tha tù trước thời hạn cho hàng chục vạn phạm nhân trở về với gia đình và cộng đồng xã hội. Riêng từ năm 2009 đến nay, Chính phủ đã trình Chủ tịch nước quyết định đặc xá tha tù trước thời hạn cho hơn 90 nghìn người. Những phạm nhân được đặc xá tha tù trước thời hạn đã được gia đình, các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể - xã hội tiếp nhận và giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi để nhanh chóng ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng và tỉ lệ tái phạm tội là không đáng kể.
Công tác đặc xá đợt 1 năm 2025 vừa qua mặc dù thời gian gấp, song các thành viên HĐTVĐX cùng các ban, bộ, ngành, đặc biệt là các cơ quan chuyên môn, nghiệp vụ của Bộ Công an, các trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự của Công an, Quân đội và Tòa án cấp tỉnh trong cả nước đã nhanh chóng hoàn tất hồ sơ, quy trình, thủ tục xét duyệt chặt chẽ, thận trọng, đúng đối tượng, điều kiện, bảo đảm công khai, minh bạch, khách quan, dân chủ, đúng pháp luật.
Phát huy kết quả đạt được của đợt đặc xá dịp 30/4
Nhân kỷ niệm 80 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch nước đã ký Quyết định số 1244 về đặc xá năm 2025 (đợt 2). Do tính chất, ý nghĩa rất đặc biệt của đợt đặc xá dịp 2/9 nên phạm vi, quy mô, điều kiện, diện đối tượng được mở rộng hơn, công việc đặt ra phải giải quyết cũng nhiều hơn, trong khi thời gian từ nay đến ngày công bố Quyết định đặc xá còn rất ngắn, chưa đầy 2 tháng.
Để tiếp tục triển khai, thực hiện tốt công tác đặc xá đợt 2 năm 2025 đúng quy định, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đề nghị các bộ, ban, ngành, địa phương rút kinh nghiệm, phát huy kết quả đã đạt được của đợt đặc xá dịp 30/4, tiếp tục thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm.
Cụ thể, quán triệt đầy đủ, sâu sắc chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đặc xá, bảo đảm dân chủ, khách quan, minh bạch, đúng quy định của pháp luật.
Hai là, xây dựng phương án, kế hoạch, lịch trình công việc và triển khai nghiêm túc, bài bản các bước, các nhiệm vụ cụ thể chuẩn bị và tiến hành công tác đặc xá dịp 2/9 ngay từ khâu quán triệt, triển khai, tập huấn cho đội ngũ cán bộ làm công tác đặc xá, các tổ chuyên viên giúp việc về đặc xá của các cơ quan, đơn vị, cho đến công đoạn cuối cùng là tổng kết đánh giá kết quả đặc xá, theo dõi, quản lý người được đặc xá và tình hình dư luận, an ninh, trật tự liên quan đặc xá.
Ba là, tập trung công tác tuyên truyền, phổ biến rộng rãi chủ trương, chính sách nhân đạo, nhân văn về đặc xá, khoan hồng, các quy định của Luật Đặc xá, Quyết định về đặc xá năm 2025 (đợt 2) của Chủ tịch nước và Hướng dẫn của HĐTVĐX, kết hợp đấu tranh ngăn chặn, phản bác các luận điệu, hành vi chống phá, tiêu cực, đi ngược lại chủ trương, chính sách về đặc xá.
Bốn là, HĐTVĐX phối hợp các ban, bộ, ngành và các địa phương phát huy trách nhiệm vì nhiệm vụ chung, vì yêu cầu đối nội, đối ngoại của đất nước để triển khai thực hiện tốt chủ trương, quy định về đặc xá. Những trường hợp đủ điều kiện phải được lập hồ sơ đề nghị đặc xá theo đúng quy định, không để xảy ra sót, lọt.
Năm là, các tổ chuyên viên giúp việc cho thành viên Hội đồng tư vấn đặc xá phải khẩn trương thẩm tra, đánh giá kết quả khách quan, chính xác, đúng quy định cho Thường trực HĐTVĐX đúng thời hạn để phục vụ việc tổng hợp, báo cáo tại Phiên họp của HĐTVĐX. Thành viên HĐTVĐX, người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn, giám sát phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn kịp thời những sai sót để chấn chỉnh ngay và xử lý nghiêm minh tập thể, cá nhân vi phạm.
Sáu là, các địa phương, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, tổ chức xã hội chủ động xây dựng kế hoạch và các biện pháp tiếp nhận, tạo điều kiện giúp đỡ người được đặc xá trở về địa phương cư trú sớm ổn định cuộc sống và tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị định số 49/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật Thi hành án hình sự về tái hòa nhập cộng đồng, Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù. Thực hiện Quyết định 22, đến nay đã có hơn 11.000 người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn với số tiền trên 1.000 tỷ đồng để đầu tư sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống.
Bảy là, công tác đặc xá phải được sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm và động viên, khen thưởng kịp thời cho những tập thể, cá nhân có nhiều thành tích với các hình thức khen thưởng xứng đáng, đúng đối tượng.
"Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, HĐTVĐX, tôi ghi nhận, biểu dương, cảm ơn những cố gắng nỗ lực và kết quả công tác đặc xá đợt 30/4 của các ban, bộ, ngành, địa phương và cá nhân các đồng chí tham gia. Tôi tin tưởng và mong rằng các đồng chí tiếp tục phát huy kinh nghiệm để thực hiện tốt hơn, hiệu quả hơn nữa nhiệm vụ công tác đặc xá đợt 2/9", Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình phát biểu.
Nguyễn Hoàng