• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm: Những giá trị trường tồn

(Chinhphu.vn) - Ngày 6/10, tỉnh Bắc Giang tổ chức buổi lễ đón Bằng công nhận Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm là "Di sản Ký ức thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương" của UNESCO. Như vậy, sau Mộc bản triều Nguyễn, 82 Bia Tiến sĩ tại Văn Miếu- Quốc Tử Giám (Hà Nội), Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm là di sản thứ 3 của nước ta mà UNESCO vinh danh ở tầm nhân loại.

05/10/2012 17:07

Bản sách được in bằng Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm. Ảnh: Cinet.gov.vn

Đây là sự ghi nhận những giá trị độc đáo của kho mộc bản và là cơ hội để chúng ta quảng bá tinh hoa văn hóa của dân tộc trong tương lai.

Đáp ứng đòi hỏi nghiêm ngặt của UNESCO

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang đã đưa ra một số liệu thống kê tổng hợp toàn bộ kho Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm gồm 3.050 mộc bản thuộc các thể loại: Kinh, luật, luận, truyện ký, lục, sách thuốc… được san khắc nhiều đợt khác nhau trong khoảng thời gian từ thế kỷ 16-19.

Các mộc bản được khắc bằng chữ Hán hoặc Nôm, chữ khắc ngược (âm bản), khi in ra giấy sẽ trở thành chữ xuôi và được đóng, sử dụng theo truyền thống người phương Đông (tức là khi đọc thì đọc từ trái sang phải, từ trên xuống dưới). Kích thước các mộc bản không đồng đều tùy theo từng kinh sách, bản khắc lớn nhất chiều dài hơn 1m, rộng 40 - 50 cm, bản nhỏ nhất chỉ khoảng 15 x 20 cm.

Phần lớn ván in được khắc trên 2 mặt, kiểu chữ chân phương, sắc nét. Đặc biệt, dưới đôi tay tài hoa của các nghệ nhân xưa, mỗi ván khắc còn được xem như một tác phẩm nghệ thuật điêu khắc bởi những nét hoa văn độc đáo. Ngoài giá trị trên phương diện hiện vật bảo tàng, mộc bản còn giúp các nhà nghiên cứu có nguồn sử liệu quý giá về sự phát triển của ngôn ngữ Việt, chữ Nôm trong lịch sử; quá trình phát triển của hệ thống văn tự Việt Nam, chuyển từ chỗ chủ yếu sử dụng chữ Hán (của Trung Quốc) sang coi trọng và chủ động sử dụng chữ Nôm. Từ chỗ chỉ được sử dụng số ít thời kỳ trước đó, chữ Nôm bắt đầu hình thành có hệ thống, điển hình là trong trước tác của các cao tăng Thiền phái Trúc lâm khi viết lời thuyết pháp dưới dạng văn vần, thơ hoặc các bài diễn giải tư tưởng phật học…

Về tổng thể nội dung các Mộc bản kinh phật Thiền phái Trúc lâm chùa Vĩnh Nghiêm có ý nghĩa lớn trên các phương diện: triết lý nhân sinh và giáo dục nhân cách công dân, tôn giáo tín ngưỡng, ngôn ngữ văn tự, văn học nghệ thuật, khoa học kỹ thuật…

Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm đã đáp ứng mọi tiêu chí nghiêm ngặt của tổ chức UNESCO. Đó là tính xác thực, tính độc đáo - quý hiếm, sự ảnh hưởng tầm quốc tế và khu vực. Bên cạnh đó, di sản này còn là bộ sưu tập cổ vật đảm bảo tính toàn vẹn, nguyên gốc, độc bản và là di sản tư liệu đặc sắc góp phần nghiên cứu nhiều lĩnh vực.

Hàm chứa tư tưởng, giáo lý của Phật phái Trúc Lâm

Qua nhiều thế kỉ tiếp thu đạo Phật đến từ Ấn Độ và Trung Quốc, Phật giáo Việt Nam đã có những bước tiến triển lớn ở thời Lý - Trần (thế kỉ XI đến đầu thế kỉ XIII). Tới khi Trần Nhân Tông thành lập Thiền phái Trúc Lâm thì Việt Nam mới tìm được cho mình một Phật phái riêng, vừa phù hợp với đặc trưng của văn hóa Việt Nam vừa khẳng định được bản lĩnh tự chủ trong việc tiếp thu tinh hoa văn hóa nước ngoài.

Kho Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm hàm chứa những giá trị nhân văn sâu sắc về tư tưởng, giáo lý của Phật phái Trúc Lâm được các nhà sư như Hòa Thượng Thích Thanh Từ, Hòa Thượng Thích Nhất Hạnh và Thiền sư Thích Huyền Diệu phổ biến, truyền bá ở các nước trên thế giới đã thu hút hướng thiện hàng triệu Phật tử là người Việt Nam và người nước sở tại.

Đánh dấu sự phát triển chữ Nôm

Mộc bản chữ Nôm ở chùa Vĩnh Nghiêm là di sản tư liệu đánh dấu quá trình phát triển của hệ thống văn tự Nôm qua các thời đại Trần, Lê, Nguyễn… 

Hiện nay, trong quá trình hội nhập, giao lưu văn hóa quốc tế, trên thế giới có nhiều người quan tâm học chữ Nôm để nghiên cứu lịch sử văn hóa truyền thống Việt Nam, chính chữ Nôm ở bộ mộc bản này là một trong những nguồn tư liệu quý giá để tra cứu, tham khảo hữu ích. Một điều thú vị khác mang ý nghĩa quốc tế là font chữ Nôm trên mã Unicode (kí hiệu NomNaTongLight.ttf) được Hội Bảo tồn di sản chữ Nôm (The Vietnamese Nôm Preservation Foundation, USA) lấy mẫu từ sách “Thiền tông bản hạnh”, là một phần của sưu tập Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm. Chữ Nôm được cài đặt trên máy vi tính được phổ biến trên toàn thế giới, cho nên bất cứ ai học tập, nghiên cứu chữ Nôm Việt Nam đều được tiếp cận và sử dụng để tìm hiểu giá trị đặc sắc, phong phú của nền văn hóa Việt Nam trong quá khứ.

Tuyệt tác điêu khắc. Ảnh: Cinet.gov.vn

Những tác phẩm văn học

Các tác phẩm văn học trong mộc bản sách "Thiền tông bản hạnh" như: “Cư trần lạc đạo phú” (Ở trần thế vui với đạo) viết theo thể phú, “Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca” (Bài ca về được thú vui rừng suối mà thành đạo) của Trần Nhân Tông, “Vịnh Hoa Yên tự phú” (vịnh cảnh chùa Hoa Yên) của thiền sư Huyền Quang... là những tác phẩm văn học thiền tông có giá trị và có sự ảnh hưởng tích cực đến đời sống xã hội và được nhiều nhà nghiên cứu văn học trong và ngoài nước quan tâm tìm hiểu.

Đúc kết kinh nghiệm dân gian về y dược

Sách “Kính tín lục” có trong bộ sưu tập Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm ghi chép các phương thuốc cấp cứu, chữa bệnh (an thai thôi sinh phương, thiên trúc cốt dược, phụ cấp cứu phương…) là sự đúc kết kinh nghiệm dân gian đã được khảo nghiệm những tinh túy về y dược thời bấy giờ.

Mộc bản các sách trên là cơ sở để truyền bá, phổ biến kinh nghiệm, vừa thể hiện lòng nhân ái của đạo Phật, qua đó nâng cao vị thế, trách nhiệm của nhà sư (theo Phật phái Trúc Lâm), đồng thời, sách in từ mộc bản được phổ biến rộng rãi cũng là biện pháp để hoằng dương Phật pháp (nghĩa là hỗ trợ dân, làm dân thêm tôn quý, khiến dân tin theo). Đó là hình thức nhập thế trực tiếp vào dân gian theo chủ trương của Phật phái Trúc Lâm Yên Tử. Hiện nay, các phương thuốc này vẫn được phổ biến rộng rãi ở nhiều chùa chiền, thiền viện, các vùng quê góp phần cứu nhân độ thế đến nay vẫn được nhiều người ứng dụng.

Tác phẩm thư pháp tuyệt mỹ

Bộ mộc bản được khắc công phu, cầu kỳ. Người thợ khắc gỗ Việt Nam phải là người đa năng: giỏi chữ Hán, chữ Nôm, có bàn tay khéo léo, có con mắt tinh tường, bản tính kiên trì, nhẫn nại, thận trọng và trình độ thẩm mỹ rất cao mới tạo ra được các mộc bản này.

Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm được khắc bằng chữ Hán và chữ Nôm với nhiều kiểu chữ khác nhau như chân thư, thảo thư, lệ thư, hành thư…, chữ khắc đẹp xứng đáng là những tác phẩm thư pháp nghệ thuật tuyệt mỹ. Nhiều trang mộc bản được các nghệ nhân xưa khắc đan xen thêm những bức họa đồ minh hoạ, đường nét tài hoa tinh tế, bố cục chặt chẽ hài hoà, xứng đáng là tác phẩm đồ họa có giá trị thẩm mỹ cao.

Các bài liên quan: 

>> Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm trở thành di sản thế giới 

>> Vĩnh Nghiêm – từ Đại học Phật giáo đầu tiên đến di sản thế giới

 

Thùy Linh (nguồn: Bộ VHTT&DL)