Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
TS Nguyễn Hoàng Lê, ĐH Kinh tế TPHCM - Ảnh: VGP/Minh Thi
Với những biến động nhanh chóng, phức tạp trên thế giới đã buộc các quốc gia phải điều chỉnh lại các chính sách về FDI của mình. So với các nước trong khu vực và châu lục, nhà đầu tư nước ngoài lựa chọn Việt Nam bởi ưu thế đến từ thể chế chính trị ổn định, các chính sách thu hút của Chính phủ, lực lượng lao động dồi dào...
Điều đó đã được minh chứng trong suốt thời gian qua dòng vốn FDI luôn tăng trưởng. Lũy kế đến ngày 31/12/2024, dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký gần 502,8 tỷ USD, trong đó vốn thực hiện đạt gần 322,5 tỷ USD, tương đương 64,1% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Đặc biệt trong cả năm 2024, vốn thực hiện của các dự án đầu tư nước ngoài ước đạt khoảng 25,35 tỷ USD, tăng 9,4% so với năm trước đó, đánh dấu mức giải ngân cao nhất từ trước đến nay. Cục Thống kê, Bộ Tài chính cũng vừa cho biết, 2 tháng đầu năm 2025, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đạt gần 6,9 tỷ USD, tăng ấn tượng 35,5% so với cùng kỳ.
Đây là tín hiệu tốt, chúng ta kỳ vọng lượng vốn đăng ký mới này sẽ sớm được giải ngân, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong năm 2025 và các năm tiếp theo.
Để tạo niềm tin và động lực thu hút nguồn vốn FDI, Chính phủ Việt Nam và các bộ, ngành liên quan đã ban hành mới và sửa đổi rất nhiều quy định liên quan nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp (DN), trong đó có những cơ chế, chính sách cho khối DN FDI hoạt động. Tập trung cải cách và hoàn thiện thể chế, dỡ bỏ các rào cản trong kinh doanh và đầu tư, tạo môi trường thông thoáng, minh bạch giúp cải thiện mội trường đầu tư.
Tuy nhiên, trên thực tế, việc vận dụng các quy định, chính sách ở các địa phương, bộ, ngành vẫn còn tồn tại một số khó khăn, bất cập, chưa thực sự tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước,
Nếu môi trường cạnh tranh không minh bạch, lành mạnh, sẽ tạo cơ hội cho những vi phạm về quy định, chính sách của các DN không đủ năng lực và sự liêm chính, từ đó làm cản trở sự phát triển của các nhà đầu tư nói chung trong đó có nhà đầu tư FDI. Bên cạnh đó, nếu không xây dựng và có những hành lang pháp lý rõ ràng, chính tắc trong văn hoá và ứng xử kinh doanh từ cơ quan quản lý nhà nước đến các DN với nhau thì cũng tạo ra những tiền lệ xấu, gây cản trở quá trình tạo môi trường đầu tư lành mạnh mà Chính phủ đã và đang nỗ lực xây dựng từ trước đến nay.
Để có thể xây dựng một môi trường đầu tư chuyên nghiệp, ổn định, chúng ta cần chỉ ra những bất cập, nhận diện được những hậu quả từ việc chưa hoàn thiện môi trường kinh doanh an toàn, ổn định để từ đó có thể tìm giải pháp tháo gỡ các bất cập, nhằm xây dựng hoàn thiện môi trường, tạo các khung pháp lý an toàn, lành mạnh cho các DN đầu tư.
Nhiều nhà đầu tư FDI, các hiệp hội DN FDI cho rằng, việc không chấp hành các quy định về pháp luật, về văn hóa trong kinh doanh cũng ảnh hưởng rất lớn tới sự phát triển của mỗi DN. Tức là, nếu môi trường cạnh tranh không minh bạch, thiếu an toàn sẽ gây ra hàng loạt các hệ lụy như: Làm suy giảm niềm tin của nhà đầu tư và người tiêu dùng; giảm uy tín chung của DN Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế; ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội, cản trở sự phát triển bền vững của DN, nền kinh tế và tổn hại nghiêm trọng đến uy tín và hình ảnh của DN…
Nếu môi trường đầu tư không minh bạch, rủi ro về pháp lý và tài chính tăng cao, khiến các nhà đầu tư e ngại sẽ dẫn đến việc dòng vốn đầu tư chảy sang các quốc gia khác có môi trường kinh doanh ổn định và an toàn hơn. Chính vì vậy, vấn đề minh bạch hóa môi trường kinh doanh không chỉ tạo ra lợi thế cạnh tranh mà còn giúp Việt Nam trở thành điểm đến đáng chú ý trong mắt các nhà đầu tư quốc tế.
Do đó, để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi thu hút nguồn đầu tư FDI, tạo "sân chơi" bình đẳng, an toàn và minh bạch cho các DN trong nước, tạo động lực để các DN tin tưởng liên kết, hợp tác với nhau thì cần xây dựng môi trường cạnh tranh lành mạnh cũng như nâng cao nhận thức cho các DN (những chủ thể của nền kinh tế) về vai trò, ý nghĩa của thực hiện đúng pháp luật, có văn hóa chuyên nghiệp, minh bạch trong kinh doanh.
Minh bạch hóa môi trường kinh doanh không chỉ tạo ra lợi thế cạnh tranh mà còn giúp Việt Nam trở thành điểm đến đáng chú ý trong mắt các nhà đầu tư quốc tế - Ảnh: VGP/Minh Thi
Tính minh bạch trong môi trường kinh doanh không chỉ thúc đẩy đầu tư mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc liên kết và hợp tác giữa các DN trong nước. Với các thông tin về thị trường, đối tác và các cơ hội kinh doanh được công khai và minh bạch, các DN có thể dễ dàng tìm kiếm và lựa chọn các đối tác phù hợp để tiến hành hợp tác kinh doanh. Liên kết và hợp tác giữa các DN nhằm tận dụng được thế mạnh của mỗi bên, chia sẻ rủi ro và tối ưu hóa nguồn lực.
Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành chính sách tạo lập, duy trì môi trường cạnh tranh lành mạnh, công bằng, bình đẳng, minh bạch để thúc đẩy cạnh tranh, bảo đảm quyền tự do cạnh tranh trong kinh doanh của DN theo quy định của pháp luật từ đó tạo điều kiện để xã hội, DN, người tiêu dùng tham gia quá trình giám sát việc thực hiện pháp luật về cạnh tranh.
Như vậy, khi môi trường cạnh tranh lành mạnh thì tạo sự hấp dẫn với các nhà đầu tư. Đồng thời cũng là điều kiện để không chỉ DN FDI mà DN thuộc các thành phần cũng phát triển sản xuất kinh doanh.
Có thể kể đến một số ví dụ điển hình về sự hợp tác mang lại nhiều lợi ích nhất cho các bên như: Sự hợp tác chiến lược giữa Tập đoàn De Heus (Hà Lan) và Tập đoàn Hùng Nhơn (Việt Nam) đã thành lập chuỗi Tổ hợp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao DHN tại các tỉnh Tây Nguyên gồm: Lâm Đồng, Đắk Lắk, Gia Lai, Tây Ninh và sắp tới là 2 tỉnh Đắk Nông, Kon Tum.
Hay có thể kể đến cái "bắt tay" giữa Viettel hợp tác với Qualcomm để triển khai thành công khối vô tuyến trạm thu phát sóng 5G. Được biết, Qualcomm và Viettel đã hợp tác được hơn 15 năm và trải qua nhiều thế hệ công nghệ từ 3G, 4G, tới 5G. Và sau đó Viettel trở thành một trong những đối tác nghiên cứu sản xuất thiết bị đầu tiên của Qualcomm ở Đông Nam Á… Điều này cho thấy 2 bên đã tuân thủ nguyên tắc về hợp tác, tôn trọng pháp luật, xây dựng văn hóa trong kinh doanh nên mới duy trì được sự hợp tác cùng phát triển một cách lâu dài như vậy.
Sự hợp tác giữa Nestle' Việt Nam với Bộ NN&PTNT về dự án phát triển cà phê bền vững NESCAFÉ Plan được triển khai từ năm 2011, với mục tiêu phát triển bền vững ngành cà phê Việt Nam, nâng cao chất lượng và giá trị hạt cà phê Việt, hướng đến việc đưa Việt Nam trở thành tham chiếu cho cà phê Robusta thế giới và duy trì một môi trường canh tác bền vững để đối phó tình trạng biến đổi khí hậu.
Về lĩnh vực giáo dục, chúng ta cũng có thể nhắc tới sự liên kết giữa Tập đoàn Giáo dục Equest và Quỹ KKR (Mỹ) được biết đến là một trong những công ty đầu tư lớn nhất thế giới với khoản đầu tư 120 triệu USD để đầu tư và nâng cấp Hệ thống Trường Quốc tế Canada (CIS) tại TPHCM và mở rộng hệ thống cao đẳng và đại học, đặc biệt là các khu học xá của Hệ thống trường Broward Việt Nam tại Hà Nội, Huế và TPHCM….
Dự án phát triển cà phê bền vững NESCAFÉ Plan đã góp phần vào mục tiêu phát triển bền vững ngành cà phê Việt Nam, nâng cao chất lượng và giá trị hạt cà phê Việt - Ảnh: VGP/Minh Thi
Về định hướng thu hút đầu tư, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã khẳng định tại Hội nghị gặp gỡ cộng đồng DN FDI và Diễn đàn DN Việt Nam thường niên năm 2024 (VBF 2024): "Việt Nam tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi, xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh an toàn, minh bạch, có tính cạnh tranh cao để cộng đồng DN, nhà đầu tư, trong đó có các nhà đầu tư nước ngoài yên tâm đầu tư hiệu quả, lâu dài, bền vững tại Việt Nam".
Trong đó, Việt Nam chủ trương thu hút, hợp tác đầu tư có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu; cam kết tạo lập môi trường kinh doanh tốt nhất hướng đến các chuẩn mực của OECD.
Như vậy, chúng ta có thể thấy sự quyết tâm cao độ của Chính phủ trong việc đổi mới cơ chế, chính sách để tạo nên một môi trường vĩ mô an toàn, minh bạch, tạo điều kiện tối đa thu hút các nguồn vốn FDI nói chung và tạo đà cho sự phát triển của DN Việt Nam nói riêng.
Để tiếp tục duy trì đà tăng trưởng đó, Chính phủ đã và đang tiếp tục huy động và vận dụng thường xuyên các nguồn lực của xã hội, hợp tác quốc tế, góp phần mở rộng phạm vi và chất lượng thực hiện việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm tạo ra không gian lành mạnh cho các nhà đầu tư.
Góp sức, đồng hành cùng Chính phủ, các DN trước tiên phải tuân thủ nghiêm các quy định pháp luật; tôn trọng thỏa thuận hợp tác giữa các bên để tạo ra sự ổn định, an toàn trong kinh doanh, đầu tư. Đồng thời, từng bước nâng cao nhận thức của mình thể hiện qua việc chủ động phối hợp cùng với cơ quan quản lý nhà nước để thực hiện các hoạt động nhằm minh bạch hóa môi trường đầu tư kinh doanh.
Để làm được điều đó, công tác tuyên truyền kiến thức, pháp luật về bảo vệ quyền lợi của các nhà đầu tư phải được đẩy mạnh, đa dạng hóa về hình thức, hiệu quả về nội dung, bao trùm rộng khắp trên cả nước và có sự tiếp cận phù hợp với đặc điểm riêng của từng nhóm chủ thể nhất định.
Theo đó, muốn phát triển lớn mạnh, bền vững, cần "thượng tôn pháp luật" với những cam kết chắc chắn, minh bạch, rõ ràng. Bởi vì, khi các bên muốn hợp tác và liên kết với nhau một cách lâu dài thì bên cạnh sự chấp hành pháp luật, dựa vào niềm tin của mình với đối tác, bảo đảm cam kết của mình với các dự án mà mình đang triển khai thì ý thức tuân thủ sự cạnh tranh lành mạnh, tuân thủ luật pháp và văn hóa kinh doanh của các DN sẽ cộng hưởng cho quá trình tạo nên môi trường đầu tư an toàn, minh bạch của Chính phủ đang nỗ lực hoàn thiện.
Cùng nhau kiến tạo môi trường kinh doanh bình đẳng với khung pháp lý công bằng, minh bạch và vận hành chính sách ổn định là kỳ vọng của cộng đồng các nhà đầu tư nước ngoài và các DN Việt Nam trong hành trình cùng nhau hợp tác, liên kết và phát triển bền vững.
TS Nguyễn Hoàng Lê
Đại học Kinh tế TPHCM