Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Kết quả tích cực trong những tháng đầu năm 2024
Về Báo cáo kinh tế xã hội và ngân sách Nhà nước của Chính phủ tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, chuyên gia Doãn Hữu Tuệ nhận định, những kết quả kinh tế xã hội đạt được trong những tháng đầu năm 2024 là nỗ lực đáng trân trọng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong chỉ đạo, điều hành, việc thực hiện khẩn trương của các bộ, ngành và địa phương.
Chính phủ đã đặt trọng tâm là hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách; làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống và khai thác hiệu quả các động lực tăng trưởng mới. Song song với đó là đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, các chương trình mục tiêu quốc gia, thúc đẩy xuất khẩu, kích cầu tiêu dùng trong nước. Thủ tướng liên tiếp có các cuộc làm việc với các địa phương để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển KTXH; đồng thời trực tiếp kiểm tra, đôn đốc các công trình, dự án quan trọng, trọng điểm quốc gia theo tinh thần quyết tâm hoàn thành sớm nhất với chất lượng cao nhất.
Con số đã chứng minh, tăng trưởng GDP quý I/2024 đạt 5,66%, cao nhất trong giai đoạn 2020 - 2023. "Tôi cho rằng đây là kết quả rất ấn tượng trong bối cảnh nền kinh tế cả trong và ngoài nước gặp rất nhiều khó khăn", ông Tuệ nói.
Bên cạnh đó, trong 4 tháng đầu năm 2024, thu ngân sách Nhà nước đạt 43,1% dự toán, tăng 10,1%; kim ngạch xuất khẩu tăng 15%; xuất siêu 8,4 tỷ USD. Giải ngân vốn đầu tư công đạt 17,46% kế hoạch, cao nhất trong 4 năm trở lại đây. Tổng vốn FDI đăng ký đạt 9,27 tỷ USD, tăng 4,5%, trong đó vốn FDI đăng ký mới đạt 7,11 tỷ USD, tăng 73,2%; FDI thực hiện đạt 6,28 tỷ USD, tăng 7,4%, cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Việc nhiều tập đoàn lớn của nước ngoài cam kết đầu tư vào các ngành điện tử, chip, bán dẫn, năng lượng tái tạo,… cho thấy niềm tin của họ đối với Việt Nam tiếp tục được giữ vững. Đây là yếu tố rất quan trọng trọng bối cảnh nền kinh tế thế giới có nhiều biến động khó lường.
Nền kinh tế Việt Nam hiện duy trì đà phát triển tích cực ở cả 3 khu vực. Sản xuất nông nghiệp tăng trưởng khá, tiếp tục là trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế; xây dựng nông thôn mới đạt kết quả khả quan. Sản xuất công nghiệp phục hồi tích cực, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo; hoạt động dịch vụ vận tải được cải thiện, nhất là vận tải đường sắt có nhiều đổi mới. Du lịch tiếp tục phục hồi nhanh với gần 6,2 triệu lượt khách quốc tế, tăng 1,6 lần so với cùng kỳ năm 2023 và tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2019.
Một điểm nữa đáng mừng là phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội được đẩy mạnh, nhất là các công trình hạ tầng giao thông, năng lượng quan trọng, trọng điểm quốc gia; trong đó khởi công dự án đường bộ cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh, Hữu Nghị - Chi Lăng, mở rộng Nhà ga T2 - Cảng hàng không quốc tế Nội Bài; đưa vào khai thác đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt (30 km), Cam Lâm - Vĩnh Hảo (79 km), nâng tổng số km đường bộ cao tốc đưa vào khai thác lên hơn 2.000 km. Công tác quy hoạch tiếp tục được chú trọng triển khai; hiện có 110/111 quy hoạch đã hoàn thành lập, thẩm định, phê duyệt; hầu hết quy hoạch ngành, lĩnh vực, tỉnh được phê duyệt, công bố và tổ chức thực hiện, đặc biệt là đã phê duyệt toàn bộ 6 quy hoạch vùng kinh tế xã hội và trình Quốc hội phê duyệt Quy hoạch không gian biển quốc gia.
Trong chính sách an sinh xã hội, người dân hoan nghênh Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 42 của Trung ương về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, trong đó chi trả chế độ trợ cấp xã hội đầy đủ, kịp thời, hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả thiên tai, thực hiện Phong trào thi đua cả nước chung tay "xóa nhà tạm, nhà dột nát".
Trong công tác phòng chống tham nhũng, Chính phủ đã tổ chức triển khai Quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Qua đó, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được đẩy mạnh, quyết liệt, đồng bộ, toàn diện, không ngừng, không nghỉ và đạt nhiều kết quả quan trọng, nhất là công tác thu hồi tài sản cho Nhà nước, gắn công tác phòng, chống tham nhũng với công tác cán bộ, xử lý nghiêm sai phạm với phương châm "không có vùng cấm, không có ngoại lệ".
Những kết quả trên cho thấy nền kinh tế của chúng ta đang dần bước qua những khó khăn mà những năm trước gặp phải do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 và tình hình khó khăn của thế giới. "Việc đặt trọng tâm vào công tác hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách; từng bước tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân; các con số phản ánh thành tích tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, thu hút đầu tư nước ngoài, đặt trong sự so sánh quốc tế, là minh chứng thuyết phục cho nhận định này", ông Tuệ khẳng định.
Theo chuyên gia này, nền kinh tế của Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Đó là sức ép chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô còn cao, nhất là trong kiểm soát lạm phát, điều hành lãi suất, tỉ giá; tăng trưởng tín dụng thấp; sản xuất công nghiệp phục hồi chậm; sản xuất nông nghiệp, nhất là tại vùng đồng bằng sông Cửu Long gặp nhiều khó khăn do hạn hán, xâm nhập mặn kéo dài và nặng nề; tình hình triển khai thực hiện gói cho vay nhà ở xã hội 120 nghìn tỷ đồng chưa đạt yêu cầu. Đặc biệt một số cơ chế, chính sách, quy định, thủ tục hành chính còn chồng chéo, rườm rà, chậm được sửa đổi…
Theo ông Tuệ, trong bản Báo cáo đọc trước Quốc hội, Chính phủ đã đề ra một loạt giải pháp cần triển khai thực hiện trong thời gian tới. Các giải pháp này đã bám sát tình hình thực tiễn và kịp thời nhưng cần được triển khai quyết liệt, đồng bộ.
Nhìn vào thực tế, tình trạng "khát vốn" kéo dài của nền kinh tế chưa được cải thiện; các nguồn lực hiện có chưa được chuyển hóa thành "động lực phát triển", vẫn còn phân bổ theo cơ chế "xin - cho", "hành chính". Do chưa có những giải pháp hỗ trợ căn cơ, bài bản và lâu dài nên Việt Nam chưa có nhiều doanh nghiệp lớn mạnh để thực sự trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế.
Mặt khác, doanh nghiệp được coi là "rường cột" của nền kinh tế, nhưng gánh nặng chi phí (cả chính thức lẫn không chính thức) đang làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp sản xuất nội địa.
Bên cạnh những nỗ lực "chỉnh sửa, tháo gỡ, thay đổi" những nút thắt của hệ thống cơ chế, chính sách hiện tại, việc nhận diện đúng những khó khăn, thách thức để định hướng các giải pháp, huy động các nguồn lực và tạo động lực phát triển mới chủ yếu cho nền kinh tế đóng vai trò rất quan trọng.
Theo ông Tuệ, trong giai đoạn này, số doanh nghiệp rút khỏi thị trường khá lớn, cao hơn số doanh nghiệp thành lập mới và quay lại hoạt động. Điều này thể hiện môi trường sống của doanh nghiệp đang rất khắc nghiệt khiến nhiều doanh nghiệp "héo mòn". Bên cạnh đó, nhìn vào con số tăng trưởng tín dụng thấp dù lãi suất cho vay giảm xuống mức thấp, cho thấy nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong tiếp cận vốn vay và tìm kiếm đơn hàng.
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã cho phép kéo dài Thông tư 02/2023/TT-NHNN về giãn, hoãn, cơ cấu lại nợ cho doanh nghiệp. Đây là giải pháp hỗ trợ rất thiết thực đối với doanh nghiệp trong lúc khó khăn. Điều đó cũng thể hiện rằng thời kỳ khó khăn vẫn có thể còn kéo dài.
Do đó, ông Tuệ mong rằng tại kỳ họp này, các đại biểu sẽ dành thời gian thoả đáng để bàn các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Đây cũng là vấn đề mà chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Đình Cung mong muốn Quốc hội sẽ thảo luận sâu hơn tại Kỳ họp thứ 7.
Theo TS. Nguyễn Đình Cung, trước hết phải tháo được nút thắt ở thị trường tín dụng, cùng với các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp. Để khơi thông dòng tín dụng, TS. Cung cho rằng, không còn cách nào khác ngoài việc phải cải thiện môi trường kinh doanh, tháo gỡ các vướng mắc về pháp lý, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Từ đó, doanh nghiệp mới có nhu cầu phát triển kinh doanh, nhu cầu vay vốn và trả nợ.
Giang Oanh